Các bệnh và triệu chứng nhận biết về tuyến vú lành tính

Kể từ thời điểm phát triển đến khi mang thai và mãn kinh vú của người phụ nữ thay đổi liên tục. Nhiều thay đổi lành tính của vú có thể cần phải điều trị hoặc không.

Bất kỳ khối u nào trong vú cũng gây ra sự lo lắng cho người phụ nữ nhưng không có nghĩa là tất cả các khối uung thư Các biến đổi lành tính của tuyến vú là rất phổ biến.

Bệnh lý này thường phát sinh từ các thành phần cấu tạo nên vú: biểu mô ống dẫn sữa hoặc ở mô liên kết và mô mỡ. Có thể phân loại các bệnh lý lành tính tuyến vú làm 4 nhóm: Nhóm bệnh bẩm sinh hay phát triển bất thường của tuyến vú: tật thiếu núm vú, phì đại tuyến vú... Nhóm bệnh do nguyên nhân chấn thương và viêm nhiễm: Áp xe vú, lao tuyến vú hoại tử mỡ .... Nhóm bệnh liên quan đến các ống tuyến sữa: Xơ nang tuyến vú, nang vú, u nhú trong ống dẫn sữa, giãn ống tuyến sữa... Nhóm bệnh liên quan đến tổ chức liên kết của tuyến vú: u xơ tuyến u mỡ u bạch huyết…Trong bài viết này chúng tôi xin nêu ra một số bệnh tuyến vú lành tính thường gặp.

Xơ nang tuyến vú

Đây là dạng bệnh lý phụ thuộc hormon hay gặp ở giữa lứa tuổi 30 - 50. Các triệu chứng mất đi sau mãn kinh. Nguyên nhân là do mất cân bằng nội tiết giữa estrogen và progesteron trong một thời gian dài, tổ chức vú trải qua nhiều thay đổi hình thái khác nhau. Vào thời điểm tăng tiết estrogen, các tế bào biểu mô tăng sinh trong các ống (tăng sinh ống) và các phân thùy (tăng sinh tuyến). Với mức estrogen giảm, biểu mô cuộn xoắn, các ống trở thành nang, các phân thùy và vùng đệm tăng tổ chức xơ (tăng biểu mô tuyến xơ cứng và xơ cứng vùng đệm).

Trên lâm sàng bệnh nhân thường đau vú theo chu kỳ: xuất hiện khoảng 8 ngày trước khi hành kinh, biến mất sau hành kinh đau tự nhiên, lan ra hai tay. Khi sờ nó có thể là các u nang đặc trưng: Khối u tròn, giới hạn rõ, hơi cứng, thường đau, kích thước và số lượng thay đổi; Hay là các mảng cứng: thường thấy những mảng cứng trên vú giới hạn không rõ, mất đi sau hành kinh.

Đây là bệnh lý hình thành từ việc tăng sinh các tuyến và ống tuyến vú (kết hợp với xơ hóa mô đệm) nên có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì vậy khi có chẩn đoán xơ nang tuyến vú thì nên có những thăm dò như: chụp vú, chọc dịch nang, chọc hút tế bào để có những sàng lọc ung thư sớm.

Có thể bắt đầu điều trị bằng thuốc nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu và mong muốn được điều trị. Các thuốc hay dùng: thuốc ức chế prolactin như bromocriptine, thuốc ức chế estrogen như danazol. Phẫu thuật cắt khối u được đặt ra khi: chọc dò ra lẫn máu, sinh thiết thấy loạn sản hoặc có tế bào nghi ngờ.

U xơ tuyến

Khối u phát triển từ mô liên kết giữa các tiểu thùy. Thường xảy ra trước tuổi 35. Khối u có đặc điểm: Chắc, xơ, đều, tròn hoặc hình trứng di động dưới da, không đau, không liên quan tới chu kỳ kinh. Kích thước thay đổi khoảng 2 - 3cm, thường chỉ có một u, đôi khi có nhiều u và xuất hiện kế tiếp theo thời gian. Đây là loại u dễ chẩn đoán trong các u lành tính tuyến vú, bệnh nhân cũng có thể nhận biết đặc điểm khối u một cách dễ dàng, còn bác sĩ có thể chẩn đoán ngay khi khám lâm sàng. Siêu âm và chụp vú ít có giá trị chẩn đoán trong trường hợp này. Tuy nhiên cũng nên chọc lấy tế bào bằng kim sinh thiết nhỏ giúp khẳng định chẩn đoán và loại trừ ung thư. U xơ tuyến không tạo nên yếu tố nguy cơ gây ung thư, thường ổn định và không đáp ứng với điều trị nội tiết. Vậy nên có u xơ trước 35 tuổi chúng ta có thể theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng. Phẫu thuật cắt bỏ khối u để làm giải phẫu bệnh được đặt ra khi khối u to và phát triển nhanh, chọc tế bào nghi ngờ hoặc sau 35 tuổi.

Nang vú

Nang là một hốc chứa đầy chất dịch. Hốc này xuất hiện do một đoạn của ống dẫn sữa nở ra. Phần lớn người bệnh tự phát hiện thấy khi nằm sấp đè lên ngực hay chà xát trong lúc tắm, vì những lúc đó nang vú căng lên. Nhưng có khi các nang này lại không đau và cũng không thể sờ thấy được.

Số lượng nang nhiều hay ít tùy người, kích thước lớn nhỏ không đều, đường kính từ vài mm đến vài cm, hoặc to hơn, to đến một mức nào đó hoặc nằm sát dưới da mới sờ thấy. Các nang này thường hay gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, hiếm gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi, nhưng sau khi mãn kinh nang sẽ xẹp đi. Khi nghi là nang vú, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay, siêu âm giúp cho bác sĩ chẩn đoán bệnh nang vú chính xác. Bác sĩ sẽ dùng kim chọc rút dịch trong nang. Khi rút dịch, nang sẽ xẹp đi và hiếm khi tái phát lại. Chọc hút dịch nang có màu vàng chanh hoặc nâu. Nếu dịch hút ra là máu thì phải sinh thiết sau hút dịch để loại trừ ung thư, sau chọc hút nếu nang tái phát thì phải hút lại và điều trị phẫu thuật bóc nang.

U nhú trong ống dẫn sữa

Đây là một trong những nguyên nhân gây tiết dịch núm vú ngoài thời kỳ cho con bú. Do sự tăng sinh biểu mô trung tâm trên trục liên kết tuyến và phát triển tạo nên các u nhú trong lòng ống dẫn sữa. Triệu chứng thường gặp trong thể bệnh này là tiết dịch hoặc máu tự nhiên một hoặc hai bên vú, ép xung quanh quầng vú có thể thấy dịch chảy ra từ núm vú. U nhú trong ống dẫn sữa thường lành tính. Tuy nhiên cũng cần có những thăm dò như chụp X quang nhằm loại trừ ung thư vú chụp ống dẫn sữa để chẩn đoán: sau khi tiêm chất cản quang vào ống dẫn sữa, sẽ thấy ống dẫn sữa bị tắc và u nhú trong ống dẫn sữa. Khi được chẩn đoán là u nhú trong ống sữa giãn thì phẫu thuật cắt khối u làm giải phẫu bệnh là phương pháp điều trị chủ yếu. Người ta có thể đánh dấu khối u trước mổ bằng cách tiêm xanhmethylen.

Ngoài ra, còn có những bệnh lành tính khác có thể gây tiết dịch núm vú như: Giãn hoặc xơ nang ống tuyến, tăng tiết sữa kết hợp với vô kinh vô sinh Papilloma ống tuyến. Bệnh nhân khi thấy chảy dịch hay máu qua núm vú thường lo sợ rằng mình có thể bị ung thư, tuy nhiên phần lớn trường hợp ở tuổi dưới 30 là có nguyên nhân lành tính. Trong các trường hợp này, nên xét nghiệm tìm tế bào lạ từ chất dịch và làm siêu âm vú. Thấy có gì khả nghi thì cần phẫu thuật. Nên nhớ khả năng bị ung thư rất hiếm gặp. Và nếu có ung thư thì trường hợp này cũng dễ điều trị vì u còn nhỏ.

Áp - xe vú

Thường gặp ở các bà mẹ trẻ sinh con và cho con bú lần đầu. Dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn bệnh: giai đoạn viêm, bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao mệt mỏi đau đầu mất ngủ vú tấy đỏ lan tỏa, chắc và đau. Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn hình thành khối áp - xe chứa mủ. Một điều mà các bác sĩ hay làm là điều trị kháng sinh tích cực trong giai đoạn viêm để tránh trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc nặng hơn, đồng thời để khu trú khối áp - xe. Trích rạch da và tháo dẫn lưu mủ kết hợp sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị cho ổ áp - xe vú. Để phòng tránh áp-xe vú trong thời kỳ cho bú cần giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Cho trẻ bú đúng cách, không cho ngậm nhai vú lâu. Tránh làm xây xát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa.

Hoại tử mô mỡ

Hoại tử mỡ của vú là một quá trình viêm vô trùng lành tính của các mô mỡ. Nó có thể xảy ra thứ phát sau chấn thương do tai nạn hoặc phẫu thuật, hoặc có thể liên quan với ung thư hay bất kỳ tổn thương mà gây nên mủ hoặc hoại tử thoái hóa khác. Trên lâm sàng, hoại tử mỡ có thể có triệu chứng giống ung thư vú nếu nó xuất hiện như một khối dày đặc kết hợp với co rút da, bầm máu, ban đỏ, và da dày. X quang vú, kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ không phải luôn phân biệt được hình ảnh của hoại tử chất béo từ một mô ác tính. Ngay cả sự xuất hiện của tổn thương lành tính trên hình ảnh cũng không thể loại trừ được là có bị ác tính hay không. Vậy nên trong tổn thương này cần phải chích lấy khối hoại tử làm giải phẫu bệnh loại trừ ung thư sau đó điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng estrogen

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật