Hội chứng khớp cùng chậu - Nguyên nhân và cách điều trị bệnh

Hội chứng khớp cùng chậu là một trong những nguyên nhân gây đau phần dưới cột sống thắt lưng, đôi khi bị chẩn đoán nhầm với các nguyên nhân bệnh lý vùng thắt lưng.

Bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng làm người bệnh đau đớn và khó chịu trong sinh hoạt.

Nguyên nhân hội chứng khớp cùng chậu

Cũng giống như các khớp khác trong cơ thể, khớp cùng chậu có lớp sụn phủ kín đầu xương giúp xương cùng và xương cánh chậu di chuyển dễ dàng, giảm và phân bố áp lực lên mặt xương. Khi lớp sụn này bị phá hủy do chấn thương hay do mòn theo thời gian dẫn đến việc lộ các xương dưới sụn mang thụ thể đau gây triệu chứng đau ở vùng khớp này khi chịu tải lên khớp (khi đứng, ngồi lâu). Cơ chế tổn thương này tương tự các thương tổn ở các khớp chịu tải trọng khác như khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân.

Một nguyên nhân thường gặp hơn ở những bệnh nhân mắc hội chứng khớp cùng chậu là do bệnh lý của gối, khớp háng, cổ chân, bàn chân… Khi bị tổn thương này khiến bệnh nhân có dáng đi bất thường để thích nghi giảm đau khiến tăng áp lực lên khớp cùng chậu, cột sống thắt lưng. Lúc này điều trị các bệnh lý liên quan sẽ giúp cải thiện hội chứng khớp cùng chậu.

Các bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến khớp cũng là nguyên nhân hội chứng khớp cùng chậu: bệnh gút viêm đa khớp dạng thấp viêm cột sống dính khớp viêm khớp vẩy nến… Viêm cột sống dính khớp thường ảnh hưởng đến khớp cùng chậu và cũng là dấu hiệu góp phần chẩn đoán bệnh này.

Viêm khớp cùng chậu cần được thăm khám và điều trị đúng.

Viêm khớp cùng chậu cần được thăm khám và điều trị đúng.

Ngoài ra, ở phụ nữ mang thai cũng có thể là một nguyên nhân gây hội chứng khớp cùng chậu. Do khi có thai nội tiết tố trong cơ thể người mẹ thay đổi làm hệ thống dây chằng giãn, các khớp linh động hơn để khung chậu có thể giãn nở phù hợp với sự tăng dần kích thước của thai nhi trong tử cung và chuẩn bị cho việc sinh nở (chuyển dạ sinh con).

Chính sự giãn này của các dây chằng khiến khớp cùng chậu di động nhiều hơn kết hợp với việc tăng trọng lượng cơ thể dẫn đến tăng áp lực lên khớp cùng chậu làm khớp này dễ bị tổn thương hơn. Sự thay đổi về dáng đi trong thai kỳ cũng dẫn đến các cử động bất thường khớp cùng chậu gây tổn thương sụn khớp.

Dễ nhầm với bệnh lý khác

Triệu chứng phổ biến của hội chứng khớp cùng chậu là đau Đặc tính của cơn đau là vùng thắt lưng đau vùng mông, có thể đau ở đùi hoặc đôi khi đau mơ hồ khó xác định vị trí rõ ràng. Đau tăng lên khi đi lại, đứng và giảm khi nằm nghỉ. Bệnh nhân đôi khi có giảm giác cứng vùng mông vào buổi sáng hay cảm giác nóng bên trong vùng khung chậu do hiện tượng thoái hóa khớp

Tuy nhiên, với đặc điểm đau vùng thắt lưng vùng mông dễ nhầm với các bệnh lý khác như: thoái hóa cột sống thắt lưng loãng xương thoát vị đĩa đệm trượt đốt sống… Vì vậy, để nhận biết tình trạng này, người bệnh có thể quan sát thêm các biểu hiện để nhận biết bệnh lý.

Nếu đau do thoái hóa cột sống thắt lưng thường đau chính giữa cột sống, cứng khớp vào buổi sáng, đau nhiều khi cúi hay ưỡn cột sống, ngồi hay đi lại, nằm nghỉ thì giảm.

Đối với bệnh nhân đau do loãng xương thì đau mơ hồ các chi chịu lực như cột sống, khớp háng, xương đùi, xương cẳng chân, có gù vẹo cột sống, tiền căn gãy xương do té nhẹ (gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi...).

Đau do co thắt cơ cạnh cột sống thường hay gặp ở người trẻ ngồi lâu sai tư thế, thường đau phần trên cánh chậu, co thắt cơ 1 bên. Đau do rối loạn khớp cùng chậu thường đau một bên, vùng từ cánh chậu trở xuống, đau tăng khi ép bửa khung chậu, đau khi nằm nghỉ giảm, đôi khi cũng đau.

Đôi lúc cũng khó phân biệt về triệu chứng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào khớp cùng chậu (lidocaine steroid ) nếu triệu chứng giảm thì nguyên nhân là do khớp cùng chậu. Đây cũng là cách điều trị.

Bệnh nhân sẽ được chỉ định các kỹ thuật xét nghiệm về hình ảnh giúp rõ ràng hơn chẩn đoán như: Xquang, CT scan, MRI… để giúp chẩn đoán, mang nhiều thông tin hơn về khớp và xương.

Về điều trị, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc hoặc tiêm. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu giúp mau chóng giảm đau, giảm thời gian dùng thuốc và ngăn ngừa tái phát. Bài tập vật lý trị liệu nhằm mục đích căng các dây chằng, tập giữ vững khớp cùng chậu tránh khớp bị thương tổn thêm.

Khi điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu không giảm, triệu chứng đau ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày, chỉ định ngoại khoa sẽ được các bác sĩ lựa chọn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Càng lớn tuổi, hội chứng khớp cùng chậu diễn ra nhiều hơn, đây là diễn tiến bình thường theo tuổi. Do đó, không có cách để ngăn chặn hoàn toàn bệnh rối loạn khớp cùng chậu. Tuy nhiên, vẫn có các điểm lưu ý sau có thể giúp giảm bớt độ nặng nề của bệnh: giữ cân nặng cơ thể ổn định, tránh béo phì tăng tải trọng lên khớp cùng chậu. Ngồi, đi, đứng đúng tư thế, nhất là khi khiêng vật nặng để tránh các tải trọng bất thường tăng lên một khớp cùng chậu; ngồi nghiêng một bên, đứng trụ một chân, đi giày cao gót, xoay người đột ngột đều ảnh hưởng đến khớp cùng chậu có thể hủy sụn khớp gây đau thoái hóa.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật