PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy chia sẻ cách phân biệt bệnh sởi và thủy đậu

Bệnh thủy đậu đang "vào mùa", đáng lưu ý là không chỉ trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng mắc bệnh này. Trong khi đó, bệnh thủy đậu có một số biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với bệnh sởi. Vậy phân biệt sởi và thủy đậu thế nào để điều trị đúng?

Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh thủy đậu

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.



Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý

Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Bệnh lành tính nhưng dễ biến chứng nặng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội thời điểm chuyển mùa đông xuân, ở các bệnh viện từ trung ương đến địa phương, số trẻ mắc bệnh rất cao. Khí hậu miền Bắc có mùa đông xuân tương đối dài, những vi khuẩn virus tồn tại sẵn trong môi trường, trong cơ thể mỗi người đang từ thể không hoạt động sang thể hoạt động. Cứ thay đổi thời tiết, từ mưa sang nóng, hoặc nhiệt độ trong ngày chênh lệch nên trẻ ngủ dậy thường hắt hơi sổ mũi ngứa mũi trẻ em người già miễn dịch yếu, khả năng chống chọi kém nên dễ nhiễm vi khuẩn virus. Trẻ đi học trong môi trường chật hẹp nên dễ nhiễm khuẩn lây bệnh các bệnh thường mắc trong mùa đông xuân là bệnh lí đường hô hấp (trên, dưới, mũi, họng viêm VA, viêm tai, nặng là viêm phổi viêm thanh quản ); bệnh dị ứng (viêm mũi dị ứng hen phế quản); bệnh tiêu hóa; bệnh truyền nhiễm, tay chân miệng, sởi ... đều là những bệnh mùa đông xuân có cơ hội phát triển.

Đặc biệt trong mùa đông xuân cũng là thời điểm các bệnh lây truyền, trong đó có bệnh thủy đậu bùng phát ở trẻ. Tuy đây là bệnh lành tính nhưng dễ biến chứng nặng như viêm phổi viêm não nhiễm khuẩn huyết thậm chí tử vong

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Trên thực tế, có rất nhiều người thường nhầm lẫn bệnh sởi và thủy đậu. Vậy căn cứ nào để phân biệt hai bệnh này? Theo PGS. Thúy, về bệnh sởi đây là bệnh do virus gây ra, bệnh lây qua đường hô hấp Triệu chứng của bệnh sởi thường là hắt hơi sổ mũi, sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp tiêu chảy…. Khi cha mẹ phát hiện mắt trẻ đỏ phát ban ban nhỏ mỏng trên mặt da, mọc theo thứ tự mặt, lan xuống chân, khi xuất hiện ban bệnh nhân sẽ hết sốt dần, nếu còn sốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi…

Trong khi đó, ban thủy đậu là bọc nước, mọc toàn thân, nếu bị nhiễm khuẩn có thể có mủ. Nếu nghi ngờ phát ban, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi nhức đầu sốt nhẹ chảy nước mũi đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Không tự ý tắm lá hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc cho trẻ

Có một thực tế đáng lo ngại là khi thấy trẻ bị sởi hoặc thủy đậu, nhiều bà mẹ tự ý sử dụng các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc hoặc truyền tai nhau kinh nghiệm cho trẻ tắm các loại nước lá (như nước lá mùi già hoặc hạt mùi…) để nốt ban nổi nhanh, trẻ mau khỏi bệnh.

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng Viện dinh dưỡng quốc gia, việc nhiều bà mẹ truyền miệng việc tắm lá cho trẻ để phòng sởi, thủy đậu mà không cho trẻ đi tiêm phòng bệnh là hoàn toàn phản khoa học và không đúng.

“Trong mùi già cũng có một số chất kháng khuẩn tốt cho sức khỏe khi tắm hay xông. Tắm hạt mùi rất tốt, giúp phòng ngừa bệnh ngoài da. Mùi già hay hạt mùi có hương thơm tinh dầu có kháng khuẩn, nhưng theo tôi, mùi già chỉ phòng bệnh ngoài da, chứ còn phòng ngừa sởi hay thủy đậu và chữa cho bệnh nhanh khỏi hơn là không đúng. Quan trọng nhất là phải tiêm phòng sởi, thủy đậu cho trẻ. Ngoài ra, chúng ta cần nuôi trẻ đảm bảo dinh dưỡng tốt giúp trẻ có sức đề kháng tốt để nếu trẻ có bị bệnh cũng nhanh khỏi…”- ThS. Hải khuyến cáo.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật