Dị ứng tinh dịch - Biểu hiện và một số cách khắc phục hiệu quả

Theo thống kê, có khoảng 5-25% cặp đôi có vấn đề về sinh sản phải đối mặt với hiện tượng dị ứng tinh dịch. Dị ứng tinh dịch xuất hiện ở cả nam và nữ với các mức độ biểu hiện khác nhau mà nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến vấn đề thụ thai có thể dẫn tới vô sinh, hiếm muộn. Điều này chiếm 20-40% các trường hợp cặp vợ chồng có vấn đề về dị ứng tinh trùng.

Sau những giây phút ngọt ngào, cháy lửa của chuyện ái ân một số ít phụ nữ thay bằng nhận được cảm giác thỏa mãn, ngây ngất lại cảm thấy khó chịu, ngứa, thậm chí sưng nề ở những nơi mà tinh dịch của chồng hay bạn tình tiếp xúc tới. Hiện tượng đó người ta gọi là dị ứng tinh dịch

Nói một cách đầy đủ thì dị ứng tinh dịch là hiện tượng mà một trong các thành phần của tinh dịch (tinh trùng protein enzym) bị tấn công và bắt giữ bởi hệ miễn dịch của chính mình hoặc của người khác giới, quá trình tấn công và bắt giữ này có thể gây nên các phản ứng quá kích trên lâm sàng như bỏng rát, ngứa, mề đay, hiếm muộn vô sinh khó thở.

Biểu hiện dị ứng tinh dịch

Trên thực tế gặp khá nhiều phụ nữ bị dị ứng tinh dịch với các biểu hiện lâm sàng đa dạng nhẹ như xuất hiện tại chỗ các dấu hiệu đỏ ngứa, bỏng rát, phồng rộp ngay tại nơi tiếp xúc ngoài da hay cả trong âm đạo Một số ít người có thể xuất hiện nặng hơn và có biểu hiện hệ thống như mẩn ngứa, mề đay, khó thở, cá biệt có trường hợp xuất hiện cơn hen... Các triệu chứng xuất hiện 20-30 phút sau khi tinh dịch tiếp xúc với cơ thể người phụ nữ và có thể kéo dài vài ngày. Qua các nghiên cứu cho thấy trên những bệnh nhân có cơ địa dị ứng như dị ứng da dị ứng thời tiết phấn hoa, hay mắc bệnh hen suyễn thì khả năng bị dị ứng tinh dịch gặp nhiều hơn. Bệnh nhân bị tình trạng này ngoài những khó chịu gặp phải, đôi khi cũng có các vấn đề rắc rối trong mối quan hệ vợ chồng, bởi sau mỗi lần “giao ban” với chồng mình lại thấy có những biểu hiện khó chịu như vậy nên dễ sinh nghi cho chồng mình đi “tìm phở” bên ngoài mang bệnh tật về và không ít những trận ghen tuông xảy ra mà các đấng mày râu không biết minh oan ở đâu.

Dị ứng tinh trùng và vấn đề thụ thai

Bình thường trong tinh hoàn có hàng rào máu - tinh hoàn. Bản chất của hàng rào máu – tinh hoàn là sự liên kết bền vững của các tế bào cơ và tế bào Sertoli. Hàng rào này ngăn cản không cho tinh trùng và các sản phẩm thoái hóa của nó vào trong cơ thể, tách biệt môi trường ống dẫn tinh và máu. Nhờ có hàng rào này mà tinh hoàn không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài và không sinh ra các kháng thể kháng tinh trùng. Nhưng khi hàng rào này bị phá vỡ là điều kiện thuận lợi để tinh trùng và các sản phẩm thoái hóa của nó đi vào cơ thể rồi tiếp xúc với các tế bào có thẩm quyền miễn dịch và gây mẫn cảm với chúng. Các tế bào bạch cầu hồng cầu và các thành phần trong máu sẽ xâm nhập vào môi trường sinh tinh, một số tế bào bạch cầu không nhận biết được tinh trùng là “người quen” mà coi nó như kẻ xâm phạm - kháng nguyên nên chúng “ra tay” tấn công những con tinh trùng này – sinh ra các kháng thể kháng tinh trùng (KTKTT). Mức độ tấn công có thể từ nhẹ tới nặng như làm hỏng màng bọc ngoài tinh trùng (màng plasma), tới nặng hơn có thể là thực bào tinh trùng (ăn tinh trùng). Trên vi thể, thấy hình ảnh kết tụ tinh trùng thành đám ngưng kết, trên kính hiển vi điện tử có thể thấy hình ảnh của lớp màng ngoài tinh trùng không còn trơn nhẵn mà xuất hiện các vết “xước” gồ ghề hay các KTKTT bám vào màng này.

KTKTT có thể tìm thấy trong huyết thanh của cả hai giới, huyết tương tinh dịch, trên bề mặt tinh trùng và dịch nhầy cổ tử cung KTKTT có thể được sản sinh tại chỗ ở đường sinh dục nam hay ở cổ tử cung hoặc từ trong huyết thanh kháng thể đi vào huyết tương tinh dịch hoặc chất nhầy cổ tử cung qua đường rò rỉ. KTKTT ảnh hưởng đến sinh sản bằng cách làm giảm khả năng vận động hoặc tăng số lượng tinh trùng không hoạt động. Nó tác động đến sự xâm nhập của tinh trùng qua dịch nhầy cổ tử cung làm ảnh hưởng đến phản ứng giữa tinh trùng và noãn. Các kháng thể này không phải là nguyên nhân tạo nên sự bất thường của dịch nhầy cổ tử cung mà nó làm rối loạn sự xâm nhập và chuyển động của tinh trùng qua dịch nhầy cổ tử cung làm giảm sự xuất hiện của tinh trùng quanh dịch nhầy của trứng dù cho tinh trùng có số lượng và vận động bình thường. Sự bất thường xâm nhập này của tinh trùng được kiểm tra ở thời điểm sau giao hợp, thường cho là hậu quả của KTKTT ở nam giới.

Trong các nguyên nhân sinh các KTKTT thì thắt ống dẫn tinh triệt sản là nguyên nhân hàng đầu. Qua các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người thắt ống dẫn tinh có kháng thể kháng tinh trùng trong máu từ 50-80%. Ngoài ra chấn thương tinh hoàn hay các thủ thuật sinh thiết tinh hoàn có thể làm tổn thương cơ chế tự bảo vệ của hàng rào máu - tinh hoàn và sinh ra các kháng thể kháng tinh trùng. Sau mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, Chlamydia,… hay tình trạng đàn ông loạn dâm cùng giới, giao hợp qua trực tràng…. Cũng làm tăng tỉ lệ kháng thể kháng tinh trùng.

Ở phụ nữ, có một số người có kháng thể kết gắn tinh trùng nên rất dễ thụ thai; ngược lại, một số khác lại có kháng thể tiêu diệt tinh trùng nên không thể nào thụ thai được. Điều đó có thể giải thích được ở những cặp vợ chồng có sức khỏe sinh sản bình thường nhưng không có con, đến khi chia tay nhau và thành lập gia đình mới thì cả hai đều có con.

Những biện pháp khắc phục

Sử dụng bao cao su là biện pháp tốt để ngăn tinh dịch tiếp xúc với cơ thể người phụ nữ tránh được tình trạng dị ứng Tuy nhiên biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến chuyện khoái cảm tình dục cũng như thụ thai nếu bạn muốn có con. Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên chăm chỉ “yêu” sẽ giảm hiện tượng dị ứng tinh trùng Qua các thực nghiệm cho thấy sex đều đặn giúp cơ thể người phụ nữ dần dần “dung nạp” được tinh dịch của bạn tình. Với những trường hợp biện pháp này không đáp ứng nhiều thì mẫu tinh dịch cần được lọc rửa và đem đặt vào bên trong âm đạo để cơ thể người phụ nữ quen dần với tinh dịch của chồng. Lượng đưa vào tăng dần đến khi có một lượng tự nhiên mà bạn không bị mẫn cảm nữa thì có thể có thai được tự nhiên. Một biện pháp nữa là sử dụng corticosteroid để ức chế miễn dịch cũng đem lại hiệu quả. Tuy vậy, các thuốc corticosteroid có nhiều tác dụng phụ khi dùng kéo dài như viêm loét dạ dày tá tràng viêm khớp háng loãng xương … và có khá nhiều nam giới không dung nạp với corticosteroid. Vì thế đứng trước biện pháp điều trị mà hiệu quả có được không cao và tác dụng phụ lại lớn thì đây không phải là lựa chọn tối ưu.

Trong các trường hợp dị ứng xảy ra khi mà các kháng thể kháng tinh trùng của người phụ nữ tấn công rất mạnh các tế bào tinh trùng (KTKTT> 60U/Ml) nhưng không có biểu hiện lâm sàng của dị ứng thì bệnh nhân nếu muốn có con cần được hỗ trợ bằng các phương pháp thụ tinh nhân tạo như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ thai trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào tương bào của noãn (ICSI).

Nam giới có tinh trùng tốt mà làm xét nghiệm có KTKTT cao (>60U/ml) thì cũng không có ý nghĩa. Nếu một cặp vợ chồng đi khám hiếm muộntinh trùng yếu ít mà các xét nghiệm về nội tiết vẫn bình thường thì cần làm xét nghiệm tìm KTKTT, lúc này KTKTT nếu cao >60U/ml và phản ứng ngưng kết >50% thì có ý nghĩa. Phản ứng ngưng kết được thực hiện: lấy tinh trùng trộn vào huyết thanh của người mang KTKTT, nếu số lượng tinh trùng >50% bị ngưng kết thành đám dưới kính hiển vi điện tử thì người đó được chẩn đoán là có KTKTT. Đối với dị ứng tinh trùng tự thân thì cần lọc rửa tinh trùng tìm những con không mang kháng thể để làm các biện pháp hỗ trợ sinh sản nêu trên.

Nếu bạn hay bạn tình của bạn là người không may mắn gặp phải hiện tượng dị ứng tinh trùng. Ngoài các biện pháp điều trị được đặt ra thì bạn cần làm những việc nhỏ nhưng có ý nghĩa như dành thời gian cho đối tác nhiều hơn, thể hiện những cử chỉ thân mật, âu yếm để duy trì và giúp quan hệ giữa hai người được tốt hơn. Đó là một lời khuyên hữu ích ngay cả đối với những người đang gặp các vấn đề trục trặc khác trong quan hệ tình dục dẫn tới “chuyện ấy” không thể như ý muốn. Hãy học cách liên kết cảm xúc cùng nhau. Đó thực sự là một giải pháp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật