Nguyên tắc “vàng” trong phòng tránh bệnh đau mắt đỏ
Bệnh viêm kết mạc dân gian thường gọi là đau mắt đỏ hay nhặm mắt - là tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn của màng trong suốt (kết mạc) đường mí mắt và một phần của nhãn cầu. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng khi gặp các yếu tố thời tiết như: nắng nóng chuyển qua mưa độ ẩm không khí tăng cao; môi trường nhiều khói bụi; điều kiện vệ sinh kém; sử dụng nguồn nước ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, khi giao mùa cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virut tấn công dễ dàng hơn. Bệnh nhân có thể bị mắc bệnh lại lần thứ hai.
Nguyên nhân do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc cấp như: do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, tạp khuẩn…), do virut (Adeno virut, virut Herpes…), do ký sinh trùng… Tuy nhiên, bệnh viêm kết mạc cấp có thể phát triển thành dịch (gọi là dịch đau mắt đỏ) thì nguyên nhân chủ yếu là do virut mà hay gặp là virut hạch (Adeno virut).
Triệu chứng điển hình
Sau thời gian ủ bệnh 2 - 3 ngày (tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây) sẽ xuất hiện các dấu hiệu ngứa mắt, cộm, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều rử ghèn ở mắt. Lúc đầu chỉ bị ở một bên mắt, sau vài ngày xuất hiện sang mắt còn lại. Khi rử ghèn nhiều buổi sáng ngủ dậy làm cho hai mi dính vào nhau nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Rử ghèn cũng làm cho người bệnh nhìn khó, vướng nhưng thị lực không giảm.
Khi khám mắt thấy mi mắt sưng nề đỏ, kết mạc nhãn cầu cương tụ phù nề Nhiều rử ghèn (tiết tố) ở bờ mi và bề mặt kết mạc. Một số trường hợp có thể có xuất huyết (chảy máu) dưới kết mạc. Nếu nguyên nhân gây bệnh là liên cầu, phế cầu, bạch cầu… thì kết mạc mi thường có lớp giả mạc che phủ, khi bóc giả mạc tái tạo nhanh.
Con đường lây lan bệnh
Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua nước mắt, do dùng chung khăn mặt và chậu rửa mặt, bệnh nhân dụi mắt và cầm nắm vào các đồ vật và sẽ lây cho những người dùng chung đồ vật đó (hay gặp ở những người trong cùng gia đình các nhà trẻ, mẫu giáo), hoặc lây qua môi trường bể bơi ở một số nơi do vệ sinh kém (như ở một số vùng nông thôn, thành phố đông đúc chật hẹp) có thể lây qua vật trung gian là ruồi.
Ở người bị viêm kết mạc cấp, trong nước mắt có chứa rất nhiều yếu tố gây bệnh, khi bệnh nhân nói chuyện ho hoặc hắt hơi thì yếu tố gây bệnh sẽ theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác.
Tránh nhầm lẫn
Bệnh đau mắt đỏ nếu do nguyên nhân virut Adenovirut gây bệnh viêm kết mạc họng hạch có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Khác với đau mắt đỏ thông thường, bệnh này thường lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp như ho hắt hơi vì vậy người bệnh cũng cần phải đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác. Thường bệnh chỉ diễn ra từ 5 - 7 ngày. Dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc - họng - hạch là hạch xuất hiện ở hai góc hàm, hai bên nắp tai đau đỏ; viêm họng niêm mạc họng đỏ và nuốt nước bọt đau; viêm kết mạc, mi mắt phù nề cấp và khó mở mắt, mắt bị chảy nước, sợ ánh sáng. Vành mi trên, đặc biệt là mi dưới xuất hiện nhiều hột to, mọc thành dãy, xuất hiện và thoái triển nhanh trong vòng 6 ngày, không để lại sẹo.
Rất nhiều người nhầm lẫn với bệnh viêm kết mạc thông thường, nên khi thấy mắt đỏ chỉ nghĩ bị đau mắt hoặc thấy khản giọng thì nghĩ đau họng Nhưng sau một thời gian nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt và họng để khám, điều trị kịp thời.
Không tự ý điều trị
Người bệnh khi bị viêm kết mạc nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Không tự ý mua thuốc về nhỏ mắt, nhất là việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoide phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ nhãn khoa.
Tránh sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt, để làm bệnh nặng thêm và có thể gây ra những tổn thương khác cho mắt như bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây ra một bệnh lý nguy hiểm là viêm loét giác mạc Khi đó việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém mà di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, một số trường hợp nặng phải phẫu thuật bỏ mắt.
Ngoài việc tuân thủ chỉ định của thầy thuốc như: tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý Nacl 0,9% nhiều lần (10 - 15 lần/ngày). Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo nhỏ mắt ngày 4 - 6 lần, đắp khăn ấm lên mắt để giảm cảm giác khó chịu. Bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng như nước cam chanh hoặc uống vitamin C …
Những nguyên tắc quan trọng phòng bệnh
Vệ sinh là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan viêm kết mạc cấp. Khi bị đau mắt cần thực hiện tốt những nội dung sau đây:
Đối với người bệnh: Không dụi mắt bằng tay bẩn. Rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng nhất là trước khi chăm sóc cho người khác, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc gần hoặc chăm sóc trẻ nhỏ. Nên lau ghèn và nước mắt bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm và chỉ dùng một lần, nếu dùng lại khăn thì cần giặt phơi nắng và là ủi để diệt khuẩn. Dùng riêng đồ dùng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, cốc chén. Giặt chiếu, vỏ gối, khăn mặt bằng nước tẩy, phơi khô và là ủi diệt khuẩn để tránh lây lan và phòng tái nhiễm.
Đối với những người khác trong gia đình: Không ngủ chung với người bệnh, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Ngay sau khi chăm sóc và nhỏ thuốc cho người bệnh phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô rồi mới chăm sóc cho mình hoặc người khác. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác vì sẽ gây lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Đối với trường học: Khi có trẻ đau mắt cần cho nghỉ học cách ly tại nhà, tránh lây lan. Tăng cường công tác vệ sinh, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay và không dụi tay bẩn lên mắt. Đối với các trường nội trú, bán trú không cho học sinh dùng chung đồ dùng cá nhân và ngủ chung giường, nhất là trong các mùa dịch đau mắt Các cô giáo, cô bảo mẫu cũng phải lưu ý rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang mỗi khi chăm sóc cho từng trẻ. Nếu cô giáo bị đau mắt cũng phải nghỉ cách ly ít nhất 3-5 ngày tránh lây cho học sinh khác.
- Học người Nhật cách phòng chống đột quỵ trong ngày hè nắng... (Thứ sáu, 09:29:01 14/05/2021)
- Người phụ nữ đột quỵ trong khi ngủ vì quên uống thuốc: Có... (Thứ Ba, 21:09:03 16/02/2021)
- Ung thư gan rất thích 4 kiểu người này, nên điều chỉnh ngay... (Thứ bảy, 12:30:07 14/11/2020)
- Buồn nôn 3 lần liên tục và 3 dấu hiệu hay bị phớt lờ của... (Thứ năm, 16:15:05 05/11/2020)
- Bài tập đứng cho bệnh nhân liệt sau đột quỵ (Thứ Ba, 11:30:07 06/10/2020)
- Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư phổi (Thứ sáu, 14:32:08 02/10/2020)
- 'Thấp khí' có thể khiến chị em suy kiệt về sức khoẻ... (Thứ tư, 17:30:04 23/09/2020)
- Day bấm huyệt phục hồi di chứng tai biến mạch máu não (Thứ Ba, 08:30:03 22/09/2020)
- 5 căn bệnh dễ mắc vào mùa thu (Thứ Hai, 10:30:06 21/09/2020)
- Xuất hiện quầng thâm ở mắt đừng chủ quan, rất có thể bạn... (Thứ sáu, 16:20:02 04/09/2020)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:08 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:09 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:03 12/02/2023