Tổng hợp câu hỏi của các bà bầu liên quan đến viêm gan B
Nhiều người lo lắng hỏi việc đang mang bầu lại bị nhiễm rubella, khi chọc ối cho kết quả âm tính. Ngoài ra, có bạn băn khoăn việc vợ bị viêm gan B thì có sinh con được không... ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế sẽ giúp các mẹ hiểu thêm về những bệnh diễn ra trong thai kì.
Câu hỏi 1: Khi em đang mang thai thì bị nhiễm rubella, bác sĩ chỉ định chọc ối cho kết quả âm tính. Vậy có ảnh hưởng gì không thưa bác sĩ?
Trả lời:
Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì gây ra nhiều dị tật nghiêm trọng cho thai nhi Vì thế việc xét nghiệm cho cho phụ nữ mang thai nghi nhiễm Rubella là hết sức quan trọng.
Phụ nữ có thai đã bị sốt phát ban mà không xác định rõ nguyên nhân cần được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán Rubella là xét nghiệm kháng thể IgM và IgG trong máu. Có thể xảy ra những khả năng sau:
- IgM âm tính, IgG âm tính: Thai phụ chưa từng nhiễm Rubella, đồng nghĩa với việc có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh trong thời gian sắp tới nếu không có sự phòng ngừa, đặc biệt là với trường hợp thai dưới 3 tháng (12 tuần). Với trường hợp thai trên 20 tuần thì đỡ lo hơn vì nhiễm Rubella ở thời điểm này ít ảnh hưởng đến thai.
- IgM dương tính, IgG dương tính: Kết quả này chứng tỏ thai phụ đang nhiễm rubella cấp. Nếu thai trong giai đoạn 3 tháng đầu, thai phụ sẽ được bác sĩ tư vấn bỏ thai, vì tỉ lệ mẹ có thể truyền vi-rút sang thai nhi lên đến trên 90%. Nếu tuổi thai từ 12-18 tuần, tỉ lệ gây dị tật thai thấp hơn, khoảng 40-60%, bác sĩ không tư vấn bỏ thai, nhưng sẽ cùng thai phụ cân nhắc tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu thai trên 18 tuần: bác sĩ sẽ không tư vấn bỏ thai, vì khả năng thai bị dị tật rất hiếm, song có thể có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai, thai còi hoặc nhiễm trùng sơ sinh
- IgM âm tính, IgG dương tính: Có thể xảy ra nhiều khả năng, khi đó, cần xét thêm về tiền sử bệnh. Nếu thai phụ đã chích ngừa trước khi mang thai; hoặc từng bị Rubella đã được chẩn đoán thì có thể yên tâm tiếp tục dưỡng thai vì thai phụ đã có kháng thể. Nếu không nằm trong 2 diện trên và đã từng có sốt, phát ban, thai phụ cần được thử lại chỉ số IgG 1 tuần sau đó. Kết quả chỉ số IgG tăng dưới 4 lần biểu hiện thai phụ đã bị nhiễm IgG từ lâu, có thể yên tâm giữ thai; song chỉ số này tăng trên 4 lần đồng nghĩa với việc thai phụ mới bị nhiễm Rubella, cách xử lý tương tự với tình huống IgM dương tính, IgG dương tính.
- Nếu IgM âm tính, IgG dương tính: Nếu có kết quả này và thai phụ không nhớ thời điểm sốt phát ban, hoặc thời điểm bị sốt, phát ban đã trên một tháng, việc thử IgG không còn giá trị, cần phải chọc ối để tầm soát Rubella. Nếu kết quả là dương tính, nên bỏ thai, nếu âm tính có thể giữ thai.
- IgM và IgG cùng dương tính nhưng IgM dương tính với nồng độ thấp (chỉ 1-5 đơn vị): Trường hợp này ít gặp, cần chẩn đoán phức tạp hơn. Nhiều khả năng dương tính giả do thai phụ mới bị nhiễm một loại siêu vi nào đó hoặc mới bị tái nhiễm. Khi đó, cần theo dõi và xét nghiệm IgM, IgG sau mỗi 1-2 tuần. Sau 2-3 lần liên tiếp nếu các chỉ số vẫn giữ nguyên, không đổi thì thai phụ có thể yên tâm.
Trong thư em không nói rõ em bị nhiễm Rubella vào thời điểm nào của thai kì và bệnh được chẩn đoán ở đâu. Em có được làm xét nghiệm kháng thể không hay chỉ chẩn đoán dựa trên triệu chứng. Song theo như mô tả em đã được chọc ối và kết quả âm tính, do đó nhiều khả năng em rơi vào trường hợp thứ 4 ở trên, kết quả chọc ối âm tính cho thấy em có thể giữ thai và thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Nếu còn lo lắng, em nên đi khám lại chuyên khoa sản để được theo dõi chặt chẽ.
Câu hỏi 2: Tôi có thai được 6 tháng nhưng bị viêm gan B. Cho tôi hỏi liệu có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Trả lời:
Viêm gan B là hiện tượng viêm nhiễm do vi-rút viêm gan B gây bệnh ở gan. Bệnh lây truyền từ mẹ sang con là chủ yếu, bên cạnh đó lây qua đường truyền máu, quan hệ tình dục
Vi-rút viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con, nên khi người phụ nữ có thai bị nhiễm vi-rút thì nguy cơ thai nhi bị nhiễm là rất cao. Mức độ nguy hiểm khác nhau tùy theo từng thời gian mang thai của người mẹ.
Nếu người mẹ bị nhiễm vi-rút viêm gan B trong 3 tháng đầu thai kì thì tỉ lệ mẹ truyền vi-rút cho con khoảng 1%, nếu ở 3 tháng giữa thai kì thì tỉ lệ lây truyền lên tới 10%, đặc biệt nếu vào giai đoạn 3 tháng cuối thì tỉ lệ lên tới 60 - 70%. Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi có thể tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ ngay sau khi sinh, 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
Ngoài ra, sự lây truyền từ mẹ sang con còn phụ thuộc vào nồng độ vi-rút viêm gan B có trong máu của người mẹ khi mang thai Nếu người mẹ có nồng độ vi-rút cao, vi-rút đang trong thời kỳ hoạt động và lây lan nhanh thì tỉ lệ lây nhiễm này sẽ rất cao.
Việc có thai không phải là yếu tố làm cho bệnh viêm gan B ở mẹ nặng lên, vi-rút viêm gan B không gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình mang thai cũng như cho bào thai. Việc mang thai tiến triển bình thường, thai nhi không có nguy cơ bị dị dạng. Chỉ khi mẹ bị viêm gan B nặng ở 3 tháng cuối của thai kì thì mới có nguy cơ đẻ non.
Tuy nhiên, trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị viêm gan B có thể mắc viêm gan B bẩm sinh và khả năng tiến triển đến xơ gan hoặc ung thư gan cũng rất cao. Vì vậy, làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm viêm gan B sang cho con là việc làm hết sức quan trọng.
Không rõ bạn bị nhiễm vi-rút viêm gan B từ trước khi hay trong khi mang thai. Nếu không may bị nhiễm vi-rút viêm gan B trong thời gian đang mang thai thì bạn cần thông báo với bác sĩ sản khoa hoặc chuyên khoa gan ngay để có biện pháp can thiệp phù hợp, tránh tự ý điều trị hoặc không can thiệp gì.
Còn nếu đã bị viêm gan từ trước, cũng vẫn cần báo với bác sĩ về diễn biến bệnh viêm gan của bản thân: bị bệnh từ bao giờ, đã điều trị gì... Bạn cũng không nên quá lo lắng, có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và thai nhi.
Để phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh, đem lại hiệu quả có thể đạt đến trên 95%. Với những trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị viêm gan B, thông thường bác sĩ sẽ cho tiêm huyết thanh đặc hiệu chống vi-rút viêm gan B ngay trong phòng sinh và tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng
Bạn cần lưu ý cho lần mang thai sau, trước khi quyết định mang thai, bạn nên đi kiểm tra và điều trị ổn định bệnh viêm gan B, khi vi-rút viêm gan B đã trở về ngưỡng an toàn rồi mới quyết định mang thai. Điều này sẽ phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm sang cho con bạn.
Câu hỏi 3: Vợ em năm nay 20 tuổi, bị mắc bệnh viêm gan B, liệu vợ em có sinh con được không và có cách nào để phòng chống không lây sang con không. Bác sĩ tư vấn giúp em. Em cám ơn!
Trả lời:
Khoảng 60% số trẻ sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B không mắc căn bệnh này, và không phải đứa trẻ nào mang mầm bệnh cũng bị bệnh suốt đời. Do vậy, vợ em bị viêm gan B vẫn có thể mang thai, nhưng phải tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu xét nghiệm HBsAg (+) / HBeAg (+) thì khả năng mẹ truyền bệnh cho con là 90%. Nếu xét nghiệm HBsAg (+) / HBeAg (-) thì khả năng mẹ truyền bệnh cho con chỉ là 5-10%. Chính vì thế, trước khi quyết định có thai, vợ em cần đi khám tổng quát, nếu HBsAg (-) hoặc không có quá trình tăng lên của vi-rút viêm gan B thì vẫn có thể mang thai bình thường.
Nếu HBsAg (+), vợ em cần điều trị bằng các thuốc ức chế quá trình nhân lên của vi-rút để giảm nồng độ của vi-rút trong máu, HBsAg (+) chuyển thành HBsAg (-) thì mới mang thai. HBsAg (-) thì khả năng lây nhiễm cho bé gần như không có. Thông thường, khi xét nghiệm HBsAg (+) và định lượng HBsAg dưới 5 đơn vị copi thì cũng có thể mang thai.
Trong quá trình mang thai vợ em không nên dùng thuốc điều trị viêm gan B (kể cả những thuốc bổ gan) vì thuốc có ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, thai nhi và trong khi sinh đẻ. Lúc này, vợ em cần bồi dưỡng ăn uống đủ chất, giảm thiểu lao động… để tăng khả năng chống lại bệnh tật.
Ngay trong 24 giờ đầu sau sinh, vợ chồng em hãy cho bé tiêm vắc-xin viêm gan B. Đây là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con (phòng ngừa được 80-95%).
Chúc các em hạnh phúc!
- Ăn bao nhiêu thịt đỏ mỗi ngày thì không gây hại? Sự thật... (Thứ năm, 12:35:06 25/03/2021)
- Vì sao hạt dẻ cười tốt cho người bệnh tiểu đường? (Thứ năm, 16:44:03 18/03/2021)
- Khi nào nổi hạch là dấu hiệu ung thư? Nổi hạch kèm dấu hiệu... (Thứ Ba, 08:58:04 02/02/2021)
- Những ai có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ? (Thứ năm, 16:15:01 29/10/2020)
- Nhạc sĩ Trần Tiến bị đồn mắc ung thư vòm họng, căn bệnh... (Thứ năm, 08:30:04 08/10/2020)
- Bị sốt xuất huyết nên kiêng gì? (Thứ bảy, 18:00:04 03/10/2020)
- Vì sao răng sữa bị sâu? (Thứ sáu, 15:31:01 02/10/2020)
- Cần làm gì khi trẻ bị tiêu chảy cấp? (Thứ Ba, 10:35:02 22/09/2020)
- Triệu chứng thường gặp khi bị đau gót chân (Thứ sáu, 13:31:08 18/09/2020)
- Cơ thể xuất hiện "1 tím 2 yếu 3 nhiều” cảnh báo tim gặp... (Chủ nhật, 07:32:08 16/08/2020)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:09 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:03 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:03 12/02/2023