Luyện tập và ăn uống như thế nào khi bị bệnh đái tháo đường?

Gần đây tôi thấy người mệt mỏi, đi khám bệnh, qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết tôi bị bệnh đái tháo đường. Tôi đang rất lo lắng về căn bệnh của mình. Vì thời gian có hạn, bệnh nhân đông nên tôi chỉ được bác sĩ giải thích sơ qua về căn bệnh này và dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn sử  dụng  đơn thuốc. Tôi nghe nói để điều trị căn bệnh đái tháo đường ngoài việc dùng thuốc còn phải kiên trì, liên tục duy trì chế độ ăn uống và luyện tập thể dục. Vậy cụ thể tôi cần ăn uống, luyện tập như thế nào?

Phạm Xuân – Nam Định

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm bệnh do rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đều gây ra thiếu hụt insulin nhiều hoặc ít đi kèm với các mức độ kháng insulin dẫn đến hệ quả là cơ thể không sử dụng được đường glucose làm cho mức đường này tăng lên trong máu một cách mạn tính gây ra các biến chứng trên mắt răng lợi tim mạch, thần kinh, bàn chân... ĐTĐ là bệnh mạn tính cho tới nay y học chưa có khả năng điều trị khỏi hẳn. 

Điều trị bệnh tiểu đường cần liên tục, bền bỉ, suốt cuộc đời, ngoài việc dùng thuốc theo hướng dẫn chế độ ăn uống và luyện tập đúng cách là 2 yếu tố có tính chất nền tảng, xuyên suốt đời sống cho bất kỳ người bệnh tiểu đường nào.

Chế độ ăn uống và luyện tập đúng cách là 2 yếu tố cho bất kỳ người bệnh tiểu đường nào

Chế độ ăn uống và luyện tập đúng cách là 2 yếu tố cho bất kỳ người bệnh tiểu đường nào

Nguyên tắc tổng quát nhất về mặt ăn uống mà bất cứ người bệnh ĐTĐ nào cũng nên áp dụng là ăn nhiều bữa trong ngày, lựa chọn đúng những thực phẩm không làm tăng đường huyết, ăn chậm, nhai kỹ. Số bữa ăn trong ngày tùy theo thể trạng và lao động nặng hay nhẹ dao động từ 4 đến 8 bữa. Ngoài ra, người bệnh cần phối hợp bữa ăn với uống thuốc đúng giờ để tránh tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn. Tốt nhất là 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ, trong đó mỗi bữa chính chiếm khoảng 20-25% và bữa phụ chiếm 10-15% khẩu phần.  

Các bữa ăn nên cách nhau 2-3h. Nếu có dùng thuốc hạ đường huyết vào ban đêm, cần ăn thêm một bữa nhỏ sau khi uống thuốc khoảng 30-60 phút. Về lựa chọn thực phẩm nên nấu những món nhiều rau bởi lượng rau trung bình mà người bệnh cần là khoảng 300gr một ngày. Phương pháp nấu món ăn phù hợp cho người bệnh là hấp cách thủy, luộc, nướng và hạn chế việc chiên xào, dùng dầu mỡ vì lượng dầu mà người bệnh được khuyến cáo dùng chỉ vào khoảng 2 muỗng canh một ngày.  

Đường là gia vị nên hết sức hạn chế. Có thể dùng các loại đường dành cho người ăn kiêng có nguồn gốc thiên nhiên và được kiểm định như Equal tốt cho sức khỏe với lượng năng lượng thấp hơn nhiều lần so với đường thông thường. Tuân thủ các nguyên tắc và thực hiện đều đặn chế độ ăn uống là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa các biến chứng, giúp bệnh nhân ĐTĐ không bỏ lỡ những niềm vui trong cuộc sống  

Tập thể dục, thể thao là một phương pháp điều trị đơn giản và không mất tiền nhưng có thể đem lại hiệu quả cao trong kiểm soát glucose máu, hạn chế các biến chứng của ĐTĐ nhất là các biến chứng tim mạch, và góp phần duy trì khả năng lao động, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ĐTĐ.  

Luyện tập đều dặn mỗi ngày sẽ làm giảm cholesterol toàn phần trong máu, giảm triglycerid, tăng HDL, giảm LDL giảm cân giảm huyết áp kết quả giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch. Luyện tập đều dặn mỗi ngày cũng sẽ làm giảm tình trạng kháng insulin kiểm soát glucose máu tốt hơn, làm chậm biến chứng của bệnh ĐTĐ.  

Môn thể dục an toàn được khuyến cáo áp dụng cho người bệnh ĐTĐ là những môn đi bộ, đạp xe đạp, đi bộ nhanh. Thời gian tập luyện đều mỗi ngày là: 30 - 60 phút/lần  tập và 4 - 7 lần/tuần. Không tập trong môi trường quá nóng, hoặc quá lạnh. Chọn trang phục, giày dép phù hợp: đúng kích cỡ, vừa chân, đi đứng thoải mái, êm nhẹ, che chắn, bảo vệ ngón và gót chân.  

Nên mang tất chân đủ ẩm, thấm hút mồ hôi Khi đang tập mà huyết áp tâm thu cao từ 180mmHg trở lên thì hạn chế cường độ tập để huyết áp không vượt qua số trên. Nếu chưa bị biến chứng thần kinh ngoại biên ở bàn chân thì nên chọn môn đi bộ, đạp xe đạp, bơi, thái cực quyền dưỡng sinh cần kiểm tra bàn chân sau mỗi lần tập để phát hiện các tổn thương.  

Với người trẻ tuổi bị ĐTĐ týp I, nếu không có yếu tố nguy cơ tim mạch cũng như chưa có biến chứng của ĐTĐ thì có thể luyện tập nhiều môn từ nhẹ đến nặng, riêng những môn nặng cần có ý kiến của bác sĩ nội tiết tư vấn, các môn tập an toàn cho đối tượng này như môn quần vợt, cầu lông, khiêu vũ, đi bộ, đi bộ nhanh, đạp xe đạp, bơi…  

Người ĐTĐ ở mọi đối tượng không nên tập các môn: cử tạ, đua xe đạp, lặn vì có nguy cơ gây biến chứng mạch máu cao. 

Hãy chuẩn bị sẵn kẹo, bánh, đường, bữa ăn nhẹ… để phòng trường hợp lượng đường huyết hạ xuống mức nguy hiểm trong hay sau luyện tập. Nếu có sử dụng insulin tiêm, nên tiêm insulin trước khi tập khoảng 60 phút.  

Nên uống đủ nước trước trong và sau khi tập. Nếu bị đau trong quá trình tập thể dục bạn nên ngừng luyện tập ngay, để tránh làm tổn thương đến mô và khớp. Khi tập luyện  nếu cảm thấy mệt mỏi run tăng tiết mồ hôi hồi hộp đánh trống ngực cảm giác đói, tê môi, tê đầu lưỡi nhức đầu nôn. Có nghĩa là bạn bị hạ đường huyết Phải ngưng tập, uống 150ml nước trái cây hay ăn khẩu phần 15mg carbonhydrate (kẹo, bánh quy, cốc sữa)… Sau đó, đến gặp bác sĩ nội tiết để được tư vấn một chương trình tập hiệu quả, an toàn.         

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật