Bật mí những điều cần biết về bệnh viêm phổi tăng cảm

Bệnh viêm phổi tăng cảm còn gọi là viêm phế nang dị ứng ngoại lai là một phản ứng viêm u hạt do đáp ứng miễn dịch với các bụi hữu cơ và các dị ứng nguyên hít phải. Các tổn thương gồm: viêm tổ chức kẽ tạo u hạt, viêm tiểu phế quản tận, viêm phổi tổ chức hoá. Bệnh thường xảy ra vào đầu mùa xuân.

Tuy ai cũng có thể mắc bệnh nhưng viêm phổi tăng cảm thường gặp nhiều hơn ở những người làm một số nghề nghiệp có tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng và hít vào phổi.    

Viêm phổi tăng cảm cấp tính gặp ở những người hít phải các dị ứng nguyên nồng độ cao như: người làm vườn, nông dân hít phải bụi nấm mốc ở rơm, rạ; người nuôi chim hoặc gà, vịt, ngan, ngỗng hít phải hơi phân của chúng khi dọn chuồng; người chế biến mía hít phải loại nấm mốc ở bã mía; người trồng nấm hít phải “bụi” từ sợi nấm và người sử dụng máy điều hòa nhiệt độ mà lâu ngày máy không được vệ sinh có nấm mốc từ trong máy.

 

Sau khi hít phải chất gây dị ứng nồng độ cao vài giờ, các triệu chứng xuất hiện gồm: khó thở ho khan sốt đau cơ đau đầu… nhìn chung các triệu chứng giống như bị cúm. Bác sĩ nghe phổi thấy có ran nổ hai bên phổi. Chụp Xquang thấy hình ảnh kính mờ, lưới nền phổi, các nốt mờ nhỏ dưới 3mm, bóng mờ lan toả vùng thấp.  

Xét nghiệm thấy các kháng thể IgG, IgM, IgA đặc hiệu kháng nguyên tăng. Làm test da với dị ứng nguyên dương tính, nghĩa là người ta dùng các chất nghi ngờ gây bệnh nói trên cho tiếp xúc với da cẳng tay người bệnh thì chúng sẽ gây dị ứng ở vùng da này như gây ngứa da đỏ da, nổi mẩn ngứa trên vùng da đó. Các triệu chứng rầm rộ sau khi bệnh nhân tiếp xúc với chất gây dị ứng từ 6 - 24 giờ, bệnh bớt dần nếu được điều trị từ 1-3 ngày.  

Viêm phổi tăng cảm mạn tính:

những bệnh nhân đã từng bị bệnh cấp tính, sau khi khỏi bệnh đợt cấp, do công việc vẫn tiếp xúc với chất gây dị ứng thì bệnh chuyển sang mạn tính. Ở thể bệnh này, bệnh nhân thường thấy khó thở khi vận động, sụt cân. Khám thấy ran nổ hai bên phổi. Chụp Xquang thấy các đường mờ, phổi tổ ong có thể có canxi hoá ở phổi. Đo thấy tăng áp lực động mạch phổi. Bệnh sẽ tiến triển đến xơ phổi không hồi phục.

Bệnh viêm phổi tăng cảm cần phân biệt với các bệnh: phù phổi cấp hoặc bán cấp; ung thư tiểu phế quản tận hoặc phế nang; bệnh bụi phổi; viêm phổi không điển hình do virut, Mycoplasma…

Trên phạm vi toàn thế giới, tần số mắc bệnh viêm phổi tăng cảm khác nhau giữa các cộng đồng dân cư, do sự khác nhau về cường độ, tần số, thời gian tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Một vài nghiên cứu cho biết:  8-30% người nuôi chim bồ câu mắc bệnh. Bệnh phổi của người làm vườn mắc với tỉ lệ 1- 5%, thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.

Những điểm chú ý trong chữa và phòng bệnh 

Điều trị viêm phổi tăng cảm quan trọng nhất là loại bỏ các dị nguyên. Vì vậy bệnh nhân phải tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với chất dị ứng nguyên thuốc dùng là corticoid với liều có tác dụng do bác sĩ chỉ định trong 2 tuần, sau đó giảm dần liều và dùng ở liều duy trì  từ 1-2 tháng. Ngoài ra còn phải dùng thuốc chữa triệu chứng như thuốc giãn phế quản long đờm cho thở ôxy, nâng cao thể trạng bằng các thuốc vitamin E, A, C…

Phòng bệnh: Những người làm các nghề có yếu tố gây bệnh phải sử dụng các trang bị bảo hộ lao động. Cách hiệu quả nhất là luôn luôn đeo khẩu trang bảo hộ để tránh hít phải các dị ứng nguyên vào phổi. Trong sản xuất, nên loại bỏ các nguyên liệu bị mốc như rơm, rạ, bã mía, mùn cưa. Trong gia đình và cơ quan, định kỳ làm vệ sinh máy điều hòa không khí tránh để máy bị ẩm mốc.  

Thực hiện chế độ dọn vệ sinh hằng tuần cho nhà ở và phòng làm việc để hạn chế tối đa bụi nhà. Thường xuyên làm vệ sinh phân xưởng chế biến thực phẩm chuồng trại chăn nuôi chim và gia cầm, nên dùng vòi nước rửa sạch phân chim và gia cầm để tránh hít phải hơi phân vào phổi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật