Viêm cơ, ung thư xương là một trong những nguyên nhân gây nên chứng chân to

Chân to (có trường hợp chỉ một chân to, có trường hợp cả hai chân to) là một biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau. Khi gặp chân to thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và xác định nguyên nhân gây chân to, từ đó mới có biện pháp điều trị thích hợp.

Các nguyên nhân gây chân to

Viêm tắc tĩnh mạch: Gặp ở phụ nữ sau sinh hoặc sảy thai; sau phẫu thuật các cơ quan ở khung chậu; sau nhiễm khuẩn thương hàn đinh râu; trong suy tim gầy mòn ung thư làm tắc tĩnh mạch Có tiền sử viêm tắc tĩnh mạch ở một hoặc hai chân.

Bệnh nhân sốt 37,5-38oC, mạch nhanh đau nhiều ở bụng chân khi bóp. Chân phù trắng từ mắt cá đến đùi, phù căng bóng, chắc, ấn lõm, màu da tái nhợt, phù diễn biến từ từ dẫn đến phù cứng, không đau. Có thể tràn dịch khớp gối. Biến chứng là tắc tĩnh mạch và nhồi máu phổi (gặp 5-6% viêm tắc tĩnh mạch).

Bệnh chân voi: Là bệnh tắc hệ tĩnh mạch do giun chỉ Phù chi dưới rất to, phù cứng, ấn không lõm, không đau da rất dày, biến dạng. Phù có thể lan sang bộ phận sinh dục, có thể tràn dịch màng tinh hoàn da bìu cũng xơ cứng, xù xì. Tiểu ra dưỡng chất. Sinh thiết da: tăng sinh tổ chức liên kết, có hiện tượng chèn ép bạch mạch. Chỗ tắc có thể thấy giun chỉ. Trong tiền sử có bệnh viêm bạch mạch, thử máu ban đêm thấy có giun chỉ.

Phình giãn tĩnh mạch: Là suy các van tĩnh mạch do rối loạn điều hòa giữa hệ tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu ở chân. Hệ thống van tĩnh mạch có tác dụng giữ máu không tụt trở lại, hệ sâu khó giãn, hệ nông van yếu, tổ chức liên kết yếu nên dễ giãn. Bệnh nhân đứng thấy tĩnh mạch nổi rõ. Có những mao mạch nổi ở dưới da. Có thể thấy tĩnh mạch ngoằn ngoèo từng búi. Có thể to hai chân hoặc một bên to, bên kia nhỏ hơn. Giai đoạn mất bù có đau dữ dội, da rất ngứa, có biến chứng loét da ở chân, rất khó điều trị.

Viêm bạch mạch: Có hai thể. Thể cấp tính (viêm bạch mạch lan rộng): phản ứng toàn thân rất rõ, sốt, rét run, tại chỗ chân phù, các hạch bạch huyết ở đùi và đau. Thể mạn tính là hậu quả của những thời kỳ viêm bạch mạch huyết cấp tính tái phát. Có loại viêm bạch mạch lan tràn, có loại chỉ viêm ống bạch huyết

Chứng giãn tĩnh mạch phì đại: Có các triệu chứng là phình giãn tĩnh mạch chủ yếu một chi, thường ở cẳng chân. Phần mềm, cơ, tổ chức dưới da phù nề phì đại, xương cẳng chân cũng to ra. Da phù, dày cộm, thô ráp, nhăn nheo. Là bệnh bẩm sinh thường được phát hiện sớm. Đôi khi có thêm một số dị tật khác như mất xương sườn số 1, rò động - tĩnh mạch.

Viêm cơ: Thường gặp viêm cơ trên người suy mòn, người bị đái tháo đường sức miễn dịch kém. Do tụ cầu vàng, gặp ở vùng nhiệt đới. Nếu do liên cầu hay gây hội chứng sốc. Bệnh nhân sốt cao. Đau vùng cơ viêm chân không cử động được, có khi từng nhóm cơ mất cử động. Phản ứng màng xương ít. Đùi to ra, dân gian gọi là "lên bắp chuối ở chân.

U cơ: Có hai loại: u tổ chức đệm và u tổ chức liên kết. Bệnh thường gặp ở nam giới từ độ tuổi 40-50. Tiến triển từ từ ở những cơ sâu. Triệu chứng đau là chủ yếu. Có hiện tượng u bành trướng ra các cơ khác, chân to ra. Tổ chức dưới da bị thâm nhiễm, chèn ép, gây phù nề, xơ cứng. Có phản ứng màng xương dày lên, u cơ di căn vào các tổ chức hạch bẹn, bụng.

Cốt tủy viêm: Nguyên nhân thường do tụ cầu vàng Khởi phát rầm rộ: sốt cao, rét run. Bạch cầu tăng cao, có khi co giật Da ở vùng sưng viêm tấy đỏ, tăng nhiệt. Đau tăng khu trú ở vùng tổn thương, nên phải nằm ở tư thế nửa gấp. Cơ co cứng, không cử động được. Khi có mủ thì màng xương bị phá thủng, mảnh xương chết được đùn ra ngoài theo lỗ rò. Có thể tràn dịch khớp gối dần chuyển sang giai đoạn mạn tính. Lớp xương mới bồi đắp chồng lên nhau như vỏ củ hành Có khi xương to gấp đôi xương bình thường, làm chân càng to. Xquang xương mất chất canxi màng xương bong tách vồng lên, lớp xương mới hình thành ở trong màng xương, có hình mảnh xương chết nằm trong vùng tổn thương.

Ung thư xương: Thể trạng suy sụp nhanh. Vị trí hay gặp ở các xương dài "gần đầu gối, xa khuỷu tay". Tại vùng có u nổi to rất đau, hạn chế vận động. Trên da có hiện tượng chèn ép tĩnh mạch, bạch mạch. U chèn vào dây thần kinh gây đau, đôi khi có tràn dịch khớp gối, một chấn thương nhẹ có thể gãy xương Xquang có hiện tượng xương bị phá hủy, xương to, có nhiều thớ dọc, màng xương bị phá hủy. Biến chứng di căn vào phổi.

Điều trị như thế nào?

Tùy bệnh mà phương pháp điều trị là nội khoa hay ngoại khoa, cụ thể như:

Viêm tắc tĩnh mạch, viêm bạch mạch: Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, tìm vị trí và nguyên nhân để điều trị triệt để kết hợp dùng thuốc chống đông, chống viêm giảm đau

Bệnh chân voi do giun chỉ: Giai đoạn đầu dùng thuốc diệt giun chỉ. Giai đoạn sau, hệ thống bạch mạch bị phá vỡ thì rất khó khăn, tùy trường hợp có thể phẫu thuật.

Bệnh phình giãn tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch phì đại: Điều trị nội khoa ban đầu, nếu không đỡ thì phẫu thuật cắt bỏ chỗ phình giãn.

Bệnh viêm cơ và viêm cốt tủy: Điều trị nội khoa giai đoạn đầu. Nếu bệnh không khỏi, giai đoạn thành mủ hoặc có mảnh xương chết thì phẫu thuật dẫn lưu mủ và nạo xương lấy mảnh xương chết.

Các bệnh u cơ và ung thư xương: nếu được xác định chắc chắn về tế bào học thì tiến hành mổ sớm, cắt tổ chức ung thư tránh di căn đi nơi khác. Sau khi mổ, tùy từng trường hợp có thể điều trị bổ sung bằng tia xạ hay hóa trị liệu

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật