Suy tim - Hậu quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau

Thuật ngữ “suy tim” nhằm để chỉ tình trạng co bóp của trái tim không đạt hiệu quả như mong muốn, theo nhu cầu của cơ thể.

Bản thân suy tim không phải là một bệnh mà là hậu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đại đa số các trường hợp, suy tim là tình trạng giảm khả năng co bóp của quả tim dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, đồng thời gây ứ trệ nước tại các cơ quan, nên được gọi là suy tim ứ huyết (ứ máu).

Nguyên nhân gây suy tim

Có nhiều nguyên nhân gây suy tim như do bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim do bệnh van tim bệnh tim bẩm sinh bệnh cơ tim bệnh ở màng ngoài tim do tăng huyết áp mạn tính, loạn nhịp timsuy tim trong bệnh phổi mạn tính...

Ngoài ra có một số nguyên nhân khác như suy tim do thừa dịch (trong một số trường hợp lượng dịch bị ứ lại trong hệ thống tuần hoàn quá nhiều làm tim quá tải gây suy tim như, truyền quá nhiều dịch suy thận xơ gan) suy tim do, thiếu vitamine B1 (hay gặp ở người nghiện rượu suy dinh dưỡng) suy tim trong các bệnh nội tiết như suy hoặc cường chức năng tuyến giáp

Tuy nhiên khoảng 40% các trường hợp suy tim không thể tìm được một nguyên nhân cụ thể nào.

Các biểu hiện thường gặp Các biểu hiện của suy tim mà bệnh nhân có thể nhận biết được:

Khó thở: Cảm giác hụt hơi, thiếu không khí, ngột thở. Đây triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Trong suy tim cấp thì khó thở xuất hiện đột ngột và nặng lên nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Còn trong suy tim mạn tính thì biểu hiện khó thở tùy thuộc vào mức độ và tiến triển của suy tim. Ban đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức như leo cầu thang, đi bộ một quãng đường dài, mang vác vật nặng hoặc khi sinh hoạt tình dục Về sau khó thở xuất hiện thường xuyên hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi, thậm chí là khi ngủ làm cho người bệnh phải ngồi dậy để thở.

Khó thở biểu hiện bằng thở nhanh, nếu khó thở nhiều thường kèm theo dấu hiệu tím da ở môi và đầu ngón chân, tay.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khó thở không phải là triệu chứng chỉ có khi bị suy tim, mà còn là biểu hiện trong nhiều bệnh khác. Bởi vậy, trên thực tế nhiều khi rất khó phân biệt được chính xác nguyên nhân của các dấu hiệu trên là do suy tim hay do bệnh ở phổi hoặc do tình trạng bệnh lý khác.

Triệu chứng phù: Biểu hiện phù trong suy tim là hậu quả của ứ trệ nước trong cơ thể. Do khi tim suy, sức co bóp của cơ tim giảm, máu đến các cơ quan trong cơ thể không đầy đủ như lúc bình thường cũng như không lưu chuyển lại tim và dẫn tới ứ dịch ở các mô mềm gây ra phù. Bên cạnh đó, khi lượng máu đến thận không đủ, cơ quan này sẽ tiết ra các chất gây giữ lại nước và muối trong cơ thể.

Lượng dịch thừa ra, cứ tích luỹ dần lên một cách từ từ. Khi dịch tích tụ nhiều sẽ ngấm qua thành mạch máu gây ứ nước ở nhiều cơ quan. Dịch thường có khuynh hướng ứ trệ ở các khu vực lỏng lẻo của cơ thể, như ở chân gây ra biểu hiện “phù”. Đồng thời nước cũng có thể ứ đọng trong khoang màng phổi, màng tim làm khó thở nặng nề hơn.

Ban đầu, phù thường kín đáo ở mắt cá hoặc mu chân, với đặc điểm là mềm ấn ngón tay sẽ lõm và khi bỏ ngón tay ra vết lõm tồn tại lâu mới hồi phục, phù rõ về cuối ngày và nhẹ về sáng sớm (khác với phù do bệnh thận là phù rõ vào buổi sáng). Khi bệnh tiến triển mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, phù sẽ tăng dần và rất dễ nhận biết. Phù thường đi kèm với khó thở.

Các biểu hiện khác cần lưu ý: Mệt mỏi, làm việc gắng sức rất dễ mệt là biểu hiện rất thường gặp, có thể lẫn với các bệnh khác, do suy tim dẫn tới không cung cấp đủ ôxy nuôi dưỡng cơ thể; khó ngủ về đêm vì khó thở; ho kéo dài không có đờm; đi tiểu nhiều về đêm; chướng bụng chán ăn; suy giảm trí nhớ Khi có những biểu hiện nghi ngờ trên, nhất là khi đã có một số rối loạn về tim mạch (như tăng huyết áp bệnh van tim...), các bạn cần đến khám để kịp thời điều trị.

Làm sao điều trị?

Ban đầu điều trị suy tim nhằm mục đích giảm triệu chứng của suy tim (chủ yếu là khó thở và phù). Tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn của suy tim, các bác sĩ sẽ chỉ dùng thuốc hoặc có thêm các biện pháp hỗ trợ tích cực như thở ôxy, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở.

Điều trị căn nguyên gây suy tim, cùng với việc điều trị triệu chứng. Việc điều trị nguyên nhân rất quan trọng, có thể tiến hành ngay nếu có thể (suy tim do truyền nhiều dịch, do tràn dịch màng ngoài tim, rối loạn nhịp tim cấp, thiếu vitamin B1, suy hoặc cường chức năng tuyến giáp ), hoặc sau khi triệu chứng suy tim đã ổn định và tình trạng bệnh nhân cho phép. Ví dụ: Nếu do hở hay hẹp van tim thì có thể mổ thay hoặc sửa van tim...

Tuy vậy, nhiều trường hợp không thể tìm thấy hoặc không thể điều trị được căn nguyên gây suy tim nữa. Khi đó các thầy thuốc sẽ cho dùng thuốc làm chậm hoặc thay đổi diễn tiến xấu đi của bệnh.

Lời khuyên đối với bệnh nhân bị suy tim

Ăn chế độ giảm muối (giảm mặn, không mì chính...) vì ăn nhiều muối sẽ gây giữ nước và phù. Nên tránh mì chính, bột ngọt, các đồ chế biến sẵn. Lựa chọn các thức ăn có ít muối. Lượng muối trung bình một ngày không nên quá 2 gam.

Hạn chế lượng nước (uống và ăn vào cơ thể) nhất là khi bệnh nặng.

Thực hiện chế độ giảm cân nếu bị béo phì

Không uống rượu đặc biệt đối với bệnh nhân suy tim do rượu.

Không hút thuốc lá.

Hoạt động thể lực phù hợp. Không nên chỉ ngồi một chỗ vì suy tim làm ứ máu, nếu không vận động sẽ khiến dễ bị tắc mạch hơn. Tuy nhiên, không giống như các cơ bắp khác, hoạt động nhiều không làm tim khoẻ hơn mà có thể còn có hại nếu quá mức. Tốt nhất là tuân thủ chế độ hoạt động thể lực theo lời khuyên của bác sĩ. Biện pháp dễ làm nhất và có hiệu quả là đi bộ, bắt đầu từ từ và tăng dần. Dừng ngay các hoạt động thể lực như bơi, đi bộ nhanh, mang vác vật nặng hoặc sinh hoạt tình dục mà thấy hơi khó thở đau ngực hoặc hoa mắt.

Thường xuyên theo dõi cân nặng tăng cân là dấu hiệu sớm cho biết tình trạng ứ nước trong cơ thể, suy tim nặng lên.

Dành thời gian để nghỉ ngơi, nhất là khi mệt.

Uống thuốc đều theo đơn. Không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ. Nên uống thuốc vào các giờ nhất định tuỳ theo công việc hay hoạt động để tránh quên thuốc Cần nhớ các thuốc chữa suy tim không phải là thuốc bổ, không thể tự thay đổi liều. Rất nhiều người tự ý ngừng một loại thuốc chỉ vì khó uống (như gói muối kali) hoặc tự tăng liều vì coi đó là thuốc trợ tim (như digoxin) mà không biết rằng bác sĩ đã phối hợp các thuốc với liều tối ưu để tránh biến chứng. Nhiều người đã tử vong vì không tuân thủ trong dùng thuốc.

Đi khám ngay nếu có các biểu hiện bất thường hoặc khi các dấu hiệu suy tim nặng lên. Đối với suy tim, điều trị càng sớm càng dễ dàng và càng hiệu quả.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật