Tìm hiểu cơ chế tác động của một số loại thuốc ít ai biết

Cơ chế tác động của thuốc là cách thức thuốc hoạt động trong cơ thể để mang lại hiệu quả phòng ngừa và điều trị bệnh. Nắm rõ cơ chế tác động của thuốc sẽ giúp chúng ta sử dụng thuốc hợp lý và nâng cao hiệu quả điều trị!

Tìm hiểu về thuốc

Thuốc là những hợp chất hóa học, đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu phòng ngừa và điều trị bệnh của con người.

Ngày nay, cùng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học nói chung và lĩnh vực y dược nói riêng, nhiều loại thuốc đã được nghiên cứu sản xuất. Ước tính hiện nay có khoảng 8.000 loại thuốc khác nhau được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị bệnh.

Tùy theo mức độ an toàn của thuốc thuốc được phân chia làm hai nhóm: nhóm thuốc kê đơn và nhóm thuốc không kê đơn. Nhóm thuốc kê đơn là những thuốc chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của thầy thuốc (có độ an toàn thấp)  và nhóm thuốc không kê đơn là những thuốc có thể mua tự do ở các nhà thuốc (có độ an toàn cao).

Ngoài ra, thuốc còn được xếp vào các nhóm thuốc khác nhau tùy theo tính chất và công dụng của thuốc như nhóm thuốc giảm đau nhóm thuốc kháng viêm, nhóm thuốc chống động kinh…

Thuốc được đưa vào cơ thể theo nhiều con đường khác nhau (đường miệng, đường máu, đường da…) tương ứng với các dạng thuốc viên, thuốc tiêm, thuốc dùng ngoài… Sau khi hấp thu vào cơ thể, thuốc sẽ được hệ tuần hoàn phân phối đến các cơ quan trong cơ thể và từ đây thuốc sẽ gắn kết với các thụ thể (receptor) ở ngoài màng tế bào hay với các enzym ở trong tế bào.

Cơ chế tác động của một số loại thuốc

Các nhóm thuốc khác nhau sẽ có cơ chế tác động khác nhau trong phòng ngừa và điều trị bệnh. Sau đây là cơ chế tác động của một số loại thuốc:

Thuốc kháng sinh:

Khi các vi sinh vật như: vi khuẩn virút… xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn.

Thuốc kháng sinh có vai trò rất quan trọng trong điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn gây ra như: lao thương hàn dịch tả… và được chia thành nhiều nhóm thuốc khác nhau:

- Nhóm beta-lactamin (penicillin, ampicillin, amoxicillin, cephalosporin…).

- Nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, roxithromycin…).

- Nhóm teracyclin (doxycylin, minocyclin…).

- Nhóm phenicol (chloramphenicol, thiamphenicol).

Nhóm aminoglycosid (streptomycin, kanamycin…).

Nhóm quinolon (offloxacin, ciprofloxacin…)…

Các thuốc chống kháng sinh sẽ tiêu diệt trực tiếp lên các vi sinh vật (diệt khuẩn) hay ngăn chặn sự phát triển, sinh sôi của vi sinh vật (kìm khuẩn) theo các cơ chế tác động:

- Ức chế tổng hợp vách tế bào hay hủy tính thấm màng tế bào.

- Ức chế tổng hợp protid

- Ức chế tổng hợp acid nucleic (AND và ARN).

- Ức chế tổng hợp các chất chuyển hóa cần thiết cho tế bào.

Thuốc kháng viêm:

Viêm là đáp ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch đối với các tổn thương gây ra do nhiểm khuẩn, tác nhân hóa học, vật lý hay yếu tố miễn dịch… với các biểu hiện sưng, nóng, đỏ đau và làm giảm chức năng ở vùng bị ảnh hưởng.

Thuốc kháng viêm là những thuốc tác động ức chế lên phản ứng này, làm giảm các triệu chứng viêm (sưng  nóng, đỏ, đau) và phục hồi chức năng vùng bị ảnh hưởng.

Có hai nhóm thuốc kháng viêm thường gặp là nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID) và nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid.

Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID):

Nhóm thuốc NSAID (Ibuprofen, ketoprofen, meloxicam…) gồm nhiều loại thuốc có cấu trúc hóa học khác nhau nhưng giống nhau về tác dụng điều trị và tác dụng phụ của thuốc.

Cơ chế tác động:

Nhóm thuốc NSAID ức chế sự hoạt động của các enzym cyclooxygenase (COX) tham gia vào quá trình sản xuất prostaglandin (PG). PG là hoạt chất trung gian gây viêm đau sốt và có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột…

Enzym COX được chia làm 2 loại: COX-1 và COX-2.

COX-1: có trong các mô của cơ thể. Nếu COX-1 bị ức chế, sẽ gây ra các tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa (viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa).

COX-2: không có trong các mô của cơ thể, chỉ được tạo ra khi có sự kích thích của các hoạt chất trung gian gây viêm như cytokines. Nếu COX-2 bị ức chế, sẽ kiểm soát được quá trình viêm mà không gây ra các tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa

Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid:

Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid (prednisolon, dexamthason, betamethason…) là những thuốc tổng hợp có tính chất và cấu trúc hóa học tương tự cortisol là một hoóc-môn glucocorticoid do vỏ thượng thận tiết ra.

Cơ chế tác động :

Trong quá trình viêm, các bạch cầu thoát ra khỏi mạch máu để xâm nhập các mô bị viêm chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn virút…Các thuốc kháng viêm corticosteroid ngăn chặn quá trình này do làm giảm số lượng của tế bào lympho, bạch cầu ưa eosin, bạch cầu đơn nhân trong máu ngọai biên, làm giảm sự di chuyển của chúng đến các mô bị viêm và ức chế sự hoạt động của các tế bào lympho và các đại thực bào

Ngoài ra, các thuốc kháng viêm corticosteroid còn ức chế enzym COX và phospholipase A2 là những enzym tham gia quá trình tổng hợp prostaglandin.

Thuốc giảm đau:

Thuốc giảm đau thường được chia làm hai nhóm: nhóm thuốc giảm đau thông thường (paracetamol, aspirin…) và nhóm thuốc giảm đau opioid (codein, tramadol...).

Cơ chế tác động:

Thuốc giảm đau giảm phản ứng đau của cơ thể do giảm truyền các tín hiệu đau đến não và tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể.

Thuốc kháng ung thư

Ung  thư là dạng bệnh lý khi các tế bào bình thường trở nên bất thường do đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát (các tế bào bất thường này được gọi là các tế bào ung thư), xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu.

Cơ chế tác động:

Các thuốc kháng ung thư được chia làm 3 nhóm và tác động theo cơ chế khác nhau:

Nhóm liệu pháp hóa học (dororubicin, cisplatin…): tấn công trực tiếp để tiêu diệt hay làm chậm sự phát triển, lan rộng của các tế bào ung thu.

Nhóm liệu pháp miễn dịch (interferon alpha, trastuzumab…): tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư

Nhóm liệu pháp chống tăng sinh mạch máu (bevacizumab, itraconazol…): ngăn chặn việc hình thành các mạch máu mới, nên cắt đứt nguồn cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng khối u ung thư.

Vitamin và khoáng chất

Khi cơ thể thiếu vitamin C sẽ gây ra bệnh scorbut với các triệu chứng xuất huyết ở nướu răng hay xuất huyết dưới da…

Khi cơ thể thiếu sắt sẽ gây ra bệnh thiếu máu với triệu chứng da xanh xao mệt mỏi hơi thở nông, nhịp tim nhanh…

Cơ chế tác động:

Nhóm thuốc vitamin và khoáng chất tác động bằng cách bổ sung sự thiếu hụt các chất thiết yếu này đáp ứng cho nhu cầu hoạt động của cơ thể.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật