Vitamin C: Có phòng chữa được cúm mùa hay cúm A/H1N1? Cùng tìm hiểu nhé!

Từ quảng cáo và do đồn thổi, một số người đã dùng vitamin (VIT) C trong dạng viên thực phẩm chức năng có hàm lượt VIT thấp (60mg/viên), hay dùng viên C sủi bọt (có hàm lượng VIT C cao (1.000mg/viên) để phòng cúm A/H1N1.

Vit C không phòng chống được cúm mùa, cúm gây dịch A/H1N1

Để phòng được cúm thì phải dùng vắc-xin phòng cúm, vắc-xin chủ động tạo ra miễn dịch đặc hiệu virus cúm luôn thay hình đổi dạng (biến thể) nên mỗi năm, WHO phải dự tính týp cúm mùa chủ yếu xảy ra trên từng vùng khuyến cáo tiêm loại vắc-xin cúm đặc hiệu tương thích với týp cúm ấy. Còn cúm gây dịch A/H1N1 hiện chưa có vắc-xin tương thích với nó (theo các thông tin nghiên cứu thì sớm nhất là phải 6 tháng nữa mới có vắc-xin phòng cúm A/H1N1 trên thị trường).

Muốn chống cúm mùa hay cúm gây dịch A/H1N1 thì phải dùng thuốc kháng lại virus đó (tamiflu, relenza, amantadin), đồng thời cơ thể phải có khả năng tạo ra miễn dịch tự nhiên góp phần cùng với thuốc

Có nhiều yếu tố nội sinh như interferon và các chất từ ngoài đưa vào Vit E, kẽm, chất béo (DHA, ARA...) có vai trò tăng cường miễn dịch tự nhiên.

Cách đây khá lâu, một nhà sinh hóa học đưa ra giả thiết Vit C tăng cường miễn dịch tự nhiên. Theo đó, Vit C tăng cường chức năng hoạt động bạch cầu tăng nồng độ interferon tăng nồng độ và đáp ứng kháng thể tăng tiết hormone tuyến ức bảo đảm sự toàn vẹn của chất nền. Lúc đầu nhiều người ủng hộ. Chính do giả thiết này, cho đến nay một số thầy thuốc khi điều trị nhiễm khuẩn thường cho thêm Vit C liều cao (1.000mg/ngày). Tuy nhiên, về sau nhiều người khác nghi ngờ. Một nghiên cứu nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm cả cúm tại Mascova (Liên Xô cũ) cho biết: dùng Vit C với liều cao (1.000mg/ngày) không làm thay đổi tiến trình nhiễm khuẩn; cụ thể: không giảm được số ngày mắc bệnh, không giảm được tỷ lệ chuyển sang nặng, không làm nhanh hơn quá trình hồi phục. Như vậy, dùng Vit C để tăng cường miễn dịch chỉ là một giả thiết còn tranh luận. Dùng Vit C để phòng cúm theo như quảng cáo đồn thổi là không có cơ sở khoa học vững chắc. Thêm đó, ngay cả theo giả thiết Vit C tăng cường miễn dịch chăng nữa thì cũng phải dùng liều cao và phải dùng với nhiều chất khác (như nói trên) chứ dùng Vit C liều thấp hay dùng liều cao đơn độc (Vit C sủi bọt) thì cũng không có ý nghĩa.

Những lạm dụng khác về Vit C

Lạm dùng Vit C để chữa nám, làm đẹp da

Collagen chiếm tới 45% thành phần protein cấu tạo da, cũng là một protein quan trọng trong việc liên kết các cấu trúc cơ thể với nhau (mô liên kết sụn khớp dây chằng). Vit C có vai trò xúc tác tạo ra collagen đặc biệt là tạo ra liên kết amino prolin để hình thành hydroxyprolin, làm cho collagen ổn định. Nhưng để thực hiện chức năng này còn cần Vit A, E, B, các vi lượng (lưu huỳnh selen iod, magie), các chất béo, các protein chứa nhiều collagen. Tất cả chúng được cung cấp qua thức ăn, sau đó phải qua nhiều quá trình chuyển hóa. Như vậy muốn có hiệu năng tái tạo làm đẹp da phải thực hiện chế độ ăn đầy đủ chất, chứ không thể chỉ dùng mỹ phẩm bôi Vit C lên da, hay chỉ dùng Vit C đơn thuần là đủ. Khi ra nắng, dưới tác dụng của tia tử ngoại tế bào biểu bì tiết ra melanin làm cho da có màu (xạm). Khi vào tối, melamin bị hủy trả lại màu ban đầu cho da (hết xạm) màu. Khi dãi nắng nhiều (quá ngưỡng chịu đựng bình thường), da sẽ bị xạm. Phải chờ ít nhất 80 ngày, tế bào biểu bì bị xạm tróc ra, hay muốn nhanh hơn thì lột lớp biểu bì bị xạm đi (dễ bị tai biến), cơ thể sinh ra lớp tế bào mới (non), sẽ hết xạm. Lớp tế bào non không có lớp bảo vệ, dễ bị tác động của tia tử ngoại, bị xạm lại nặng hơn, nên phải kiêng nắng. Da cũng có thể xạm (màu đồng đen) do suy tuyến thượng thận Trong cả hai trường hợp, không thể dùng Vit C chữa được. Dùng Vit C uống, tiêm tĩnh mạch kéo dài chữa xạm da là không có cơ sở khoa học.

Lạm dùng Vit C chống lão hóa

Do quá trình chuyển hóa (hô hấp tế bào) mà cơ thể tự sinh ra gốc tự do (nội sinh). Mặt khác, do các chất độc hại từ môi trường (mỹ phẩm dược phẩm thuốc trừ sâu hữu cơ, khói bụi…) xâm nhập vào cơ thể tương tác với nhau tạo ra gốc tự do (ngoại nhập). Gốc tự do gây nên quá trình oxy hóa - khử, làm hư hỏng tế bào, thúc đẩy quá trình lão hóa

Cơ thể vốn có những chất chống oxy hóa nội sinh (như: glutathion peroxidase, catalase, superoxid dismutase, coenzym 10...) và các chất từ ngoài đưa vào (như Vit E, C, beta-caroten selenium kẽm…). Trong cơ thể, các chất này tạo ra một “mạng lưới chống oxy hóa”, kích hoạt, làm tăng hiệu lực của nhau. Để có tác dụng ấy, mỗi chất cần có một ngưỡng nồng độ nhất định. Ngoài ra, mỗi chất còn có một vai trò riêng: Vit C tan trong nước chống lại gốc tự do ngay ở dịch ngoại bào, Vit E tan trong lipid nên chống lại gốc tự do đã thâm nhập vào ở màng tế bào

Khi cơ thể bị bệnh hay suy nhược thì sẽ giảm sút sinh tổng hợp và hấp thu các chất này, giảm khả năng chống oxy hóa nên cơ thể sẽ dễ bị lão hóa Lúc đó cần bổ sung các chất đó qua thức ăn hoặc qua dùng thuốc Nếu dùng các chất trên để làm chậm sự lão hóa thì phải phối hợp nhiều chất, liều mỗi chất phải đủ mức cần thiết (ví dụ: Vit C = 500mg, Vit E = 400mg, selenium =

50μg, beta-carotten = 15mg, coenzym10 = 30 - 50mg). Nếu chỉ dùng thuần túy Vit C thì dù với liều cao, hiệu năng này cũng rất kém. Hiện nay, một số người dùng Vit C dưới dạng viên sủi hàm lượng cao (500 - 1.000mg) thường xuyên như một thứ nước giải khát để bồi bổ chống lão hóa là không đúng và không có hiệu quả.

Tác hại khi dùng Vit C liều cao và/hoặc kéo dài

Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) khuyến cáo: nhu cầu Vit C mỗi ngày từ trẻ sơ sinh đến 3 tuổi 25 - 30mg, từ 4 - 18 tuổi 30 - 40mg, người lớn trung bình 45mg, trong thai kỳ 50mg, khi nuôi con bú 70mg. Cần cung cấp đủ, nhưng không nên thừa, thừa sẽ có hại:

- Dùng Vit C kích thích thường xuyên, cơ thể quen đi, khi không dùng sẽ thấy mỏi mệt.

- Dùng Vit C liều cao kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa; tăng hấp thu sắt (gây thừa sắt); giảm sự hấp thu đồng, niken (xương chậm phát triển, dễ biến dạng); giảm độ bền hồng cầu; giảm khả năng diệt khuẩn của bạch cầu; người thiếu men G6PD còn có thể bị tán huyết.

- Dùng thừa Vit C trong thai kỳ còn có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai. Ngoài ra, do Vit C đi qua nhau thai làm tăng bất thường nhu cầu Vit C, trẻ sinh ra có thể bị bệnh scorbus.

- Vit C chuyển hóa thành acid oxalic, dùng liều cao kéo dài có thể gây sỏi oxalat.

- Gần đây, một số nghiên cứu cho biết thừa Vit C làm mất đi “sự cân bằng vốn có”, làm tăng “sự tích tụ” những phân tử kép; “sự tích tụ” này có vai trò nhất định trong các bệnh ung thư thấp khớp xơ vữa mạch. Cần thu thập thêm chứng cứ nhưng đây là cảnh báo đáng quan tâm.

- Vit C gây kích thích nhẹ làm khó ngủ không nên dùng vào buổi tối.

- Vit C dùng dạng uống, đặc biệt là tiêm dễ gây dị ứng (một phần là do sự biến chất của Vit C và chất bảo quản). Tuyệt đối không dùng khi sản phẩm đã bị biến màu.

- Thói quen dùng thường xuyên liều cao Vit C như một loại kẹo (viên ngậm) hay như nước giải khát (viên sủi) sẽ gây thừa Vit C, không có lợi (như trên). Mặt khác, khi dùng liều cao sẽ làm giảm sự hấp thu Vit C trong những lần dùng sau đó. Khi dùng liều cao kéo dài mà lại ngừng đột ngột có thể gây ra phản ứng nghịch thường, trong đó có phản ứng làm tăng các triệu chứng bệnh scorbus.

Chế độ ăn uống hiện nay ít khi bị thiếu Vit C nghiêm trọng, gây ra bệnh scorbus điển hình, có chăng chỉ thiếu ở mức cận lâm sàng ảnh hưởng phần nào đến dinh dưỡng Nếu có bổ sung Vit C thì chỉ nên bổ sung vừa đủ, cùng với một số chất khác (dùng Vit tổng hợp chứa cả các Vit khác và vi lượng) hay dùng thức ăn. Như vậy sẽ có lợi và tránh tai biến do Vit C gây ra. Nước ta giàu rau quả chứa Vit C, dùng Vit C dưới dạng dược phẩm liều cao và thường xuyên là một nghịch lý.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật