Những điều cần lưu ý về bệnh tiêu chảy và thuốc chữa

Tiêu chảy là một bệnh của hệ tiêu hóa. Trong dân gian có vùng gọi là "thác dạ" hoặc "tháo dạ". Các triệu chứng điển hình là đi ngoài trên 3 lần mỗi ngày, phân có nước dính, có hoặc không lẫn máu.

Tác nhân gây bệnh có nhiều nhưng chủ yếu là nhiễm khuẩn nhiễm virut do ăn uống không vệ sinh, ăn phải đồ thiu, mốc, đồ ăn nhiễm khuẩn, virut hoặc ăn nhiều đồ ăn sống, nấu không kỹ. Nếu bệnh phát nhanh và khỏi trong vòng 14 ngày thì gọi là tiêu chảy cấp còn kéo dài hơn là tiêu chảy mạn tính.

Bù nước và chất điện giải

Tiêu chảy là một trong những bệnh tuy không khó chữa nhưng lại là bệnh nguy hiểm do làm mất nước rối loạn điện giải trong cơ thể dẫn đến suy kiệt, trụy tim mạch và tử vong Vì thế, trong điều trị tiêu chảy việc bù nước chất điện giải được coi trọng hàng đầu. Khi bị bệnh tiêu chảy hệ nhung mao trong niêm mạc ruột tăng tiết khiến lượng nước và chất dinh dưỡng không được hấp thu. Mặt khác, nhu động ruột lại tăng lên vì thế khiến người bệnh thường đau bụng tăng số lần đi ngoài, tăng lượng phân và nước theo phân. Tuy nhiên, hệ niêm mạc này lại vẫn có khả năng hấp thu nước nên việc bổ sung nước và chất điện giải vẫn có tác dụng rất tốt. Mặt khác, lúc bị bệnh, bệnh nhân thường khát nên thuận lợi cho việc bổ sung nước.

Các dung dịch bù nước thông dụng là ORS (hay Oresol), viên Hydrite, dung dịch muối đường... Pha dung dịch bù nước đúng giúp người bệnh mau hồi phục và giảm thiểu sụt cân lúc tiêu chảy Mỗi gói ORS pha với 1 lít nước chín để nguội (không nên pha nửa gói ORS với nửa lít nước). Mỗi viên Hydrite pha với 200ml nước. Dung dịch muối đường pha từ 1 lít nước với 1 muỗng cà phê muối gạt ngang và 8 muỗng cà phê đường gạt ngang. Dung dịch bù nước pha quá 12 giờ phải bỏ đi và pha lại dung dịch mới. Trường hợp mất nước, chất điện giải nhiều phải dùng dung dịch tiêm truyền natriclorua 0,9% hay dung dịch ringer lactat. Việc bù nước cần phải đủ lượng và kịp thời. Nếu bù nước chậm, hiệu quả sẽ kém, thậm chí gây tử vong. Nhưng cũng không truyền thừa, truyền quá nhanh, vì sẽ gây rối loạn do thừa hay gây sốc. Phải truyền trong điều kiện nhà cửa, phương tiện bảo đảm, có nhân viên chuyên môn theo dõi, chuẩn bị sẵn phương tiện và thuốc chống sốc.

Theo quan niệm của một số nhà y học, tiêu chảy thực chất là một phản ứng tích cực của cơ thể trước tấn công của các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường tiêu hóa. Vì thế, theo họ việc cần thiết là bù nước và điện giải, ngoài ra không cần dùng bất kể loại thuốc nào khác. Việc sử dụng các thuốc "cầm đi ngoài" sẽ ngăn cản quá trình đào thải tự nhiên này của cơ thể dẫn đến bệnh lâu khỏi.

Thuốc điều trị

Cũng phải thừa nhận vai trò của việc sử dụng kháng sinh trong điều trị các trường hợp đã được xác định có nguyên nhân do nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh nào, liều lượng ra sao phải căn cứ vào việc xác định chính xác các vi khuẩn gây bệnh.

Nguyên nhân do nhiễm Escherichia Coli

đây là nguyên nhân quan trọng gây tiêu chảy trên người và gia súc. E.Coli được xem là vi khuẩn chỉ danh ô nhiễm thực phẩm và nước được đánh giá dựa trên số lượng của chúng. Với các chủng E.Coli thông thường, có thể dùng bactrim, berberin. Trường hợp E.Coli đã kháng thuốc phải dùng đến fluoroquinolon. Với trường hợp E.Coli sinh độc tố thì không dùng kháng sinh vì chúng làm tăng sự phóng thích độc tố, gây chứng tán huyết, urê huyết cao.

Nguyên nhân do nhiễm Samonella:

Salmonella theo thức ăn vào đường tiêu hóa và phát triển ở đó, một số khác đi vào hệ bạch huyết và tuần hoàn gây nhiễm trùng huyết. Nhưng vì Salmonella là vi khuẩn ưa môi trường ruột nên lại nhanh chóng trở về ruột gây viêm ruột Nội độc tố sẽ được thoát ra khi vi khuẩn bị phân hủy trong máu cũng như ở ruột, gây nhiễm độc cấp với hội chứng rối loạn tiêu hóa khá nặng nề, nhưng chỉ sau 1-2 ngày bệnh nhân nhanh chóng trở lại bình thường không để lại di chứng. Ở người già yếu và trẻ nhỏ có thể nặng hơn, đôi khi có tử vong. Các chủng Samonella thông thường (gọi chung là S.non-typhi) hay bị nhiễm vào thức ăn. Chỉ khi nhiễm một lượng lớn, sinh ra đủ độc tố, mới gây nhiễm độc. Biểu hiện thường dữ dội (đau quặn bụng, đi ngoài nhiều lần, sốt). Nhưng khi tách khỏi nguồn lây (thức ăn) thì bệnh không nặng thêm. Chỉ cần dùng thuốc chữa triệu chứng. Với người khỏe mạnh, không cần thiết dùng kháng sinh. Với trẻ nhỏ, người già nếu cần thì dùng bactrim, nếu bị kháng thì dùng fluoroquinolon.

Riêng trường hợp nhiễm Salmonella enterica typhi (chủng thương hàn) cần phải dùng kháng sinh đặc hiệu chữa dứt điểm, cắt đứt nguồn lây (tiệt khuẩn các bệnh phẩm), nếu không, sẽ phát thành dịch. Ở một số vùng (xa xôi, ít dùng kháng sinh, chưa bao giờ có dịch thương hàn) có thể dùng một trong các kháng sinh chloramphenicol bactrim amoxicillin Ở hầu hết các vùng khác (thành thị, đồng bằng, dùng nhiều kháng sinh, đã từng có dịch thương hàn), vi khuẩn kháng hầu hết các thuốc trên "gọi là chủng thương hàn đa kháng", phải dùng kháng sinh fluoroquinolon (thí dụ như ofloxacin).

Kháng sinh diệt vi khuẩn làm chúng phân giải ra nhiều độc tố gây trụy tim mạch, nên không tấn công bằng liều cao ngay ngày đầu, chỉ dùng liều bằng 2/3 liều điều trị thông thường, rồi tăng lên ở các ngày tiếp theo cho đến khi đạt yêu cầu giảm sốt và duy trì liều ấy (xấp xỉ liều điều trị thông thường).

Sau khi dùng một đợt, bệnh khỏi, tuy nhiên có một số ít người bệnh tuy không còn triệu chứng lâm sàng nhưng xét nghiệm phân vẫn còn vi khuẩn. Cần dùng đợt khác kịp thời để chữa dứt điểm.

Nguyên nhân do nhiễm Shigella

Triệu chứng: tiêu chảy sốt đau bụng; có khi là nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhiều trường hợp bị bệnh không được phát hiện. Bệnh lây lan và những người bị nhiễm Shigella có thể phát tán vi khuẩn qua phân của họ sang người khác, ruồi nhặng có thể gây ra sự lây nhiễm Shigella từ phân vào thực phẩm và nếu thực phẩm này được sử dụng cho nhiều người, Shigella theo đó sẽ lây lan rất nhanh chóng. Một nguồn lây nhiễm Shigella khác là rau quả đã bị nhiễm khuẩn khi thu hoạch từ những cánh đồng được tưới bón bằng phân tươi. Shigella cũng có thể lây nhiễm do uống và bơi lội trong nước bị nhiễm Shigella do chất thải chưa qua xử lý. Vệ sinh kém và không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh là yếu tố phổ biến nhất làm tăng khả năng truyền nhiễm của Shigella. Có thể dùng bactrim, negram (acid nalixidic), berberin. Trường hợp bị kháng mới dùng fluoroquinolon.

Nguyên nhân do nhiễm campylo-bacter

Vi khuẩn campylobacter thâm nhập vào đường nội bào, là con đường mà các tế bào sử dụng để tái tạo lại các phân tử từ bề mặt của chúng. Sau đó, nó nhanh chóng chuyển hướng và tạo ra một mạng lưới nội bào riêng gồm các không bào chứa đầy vi khuẩn campylobacter, hay còn gọi là các túi tế bào, các túi này sẽ tiến dần đến nhân, và cuối cùng khu trú gần bộ Golgi - trung tâm vận chuyển của tế bào. Nhiễm bệnh thường do ăn thịt gia cầm chưa nấu chín. Với người còn khả năng miễn dịch dùng erythromycin nhưng phải sau 4 ngày triệu chứng mới giảm. Nếu erythrormycin bị kháng, phải chuyển dùng fluoroquinolon.

Nguyên nhân do nhiễm Rotavirus

Thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Virut gây nên bệnh tiêu chảy do làm giảm hấp thu ở biểu mô ruột do virut và do tác động của độc tố ruột của virut (NSP4). Những tác động trên biểu mô ruột chủ yếu thông qua cơ chế rối loạn điều hòa hằng định nội môi của Ca2+ trong tế bào biểu mô ruột. Cơ chế tăng tiết của tiêu chảy do rotavirus dường như là hậu quả của sự kích thích hệ thống thần kinh ruột. Bệnh có thể phát thành dịch nhưng không nguy hiểm. Hiện không có thuốc đặc hiệu nên chỉ cần dùng thuốc chữa triệu chứng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật