Điều chỉnh lối sống và dùng thuốc trong trào ngược dạ dày - thực quản

Trào ngược dạ dày - thực quản tuy ít ảnh hưởng đến tính mạng nhưng những khó chịu, biến chứng... làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống  Đối với việc điều trị bệnh này, điều chỉnh lối sống và dùng thuốc ảnh hưởng đến kết quả rất lớn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản ngày nay rất thường gặp. Bệnh tuy không khó điều trị nhưng khả năng tái phát rất cao, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Khi dùng thuốc cũng phải cẩn thận, không được tự ý dùng thuốc, việc dùng thuốc, thay thế thuốc, ngưng thuốc cần phải tư vấn ý kiến của bác sĩ.

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản chiếm tỉ lệ khoảng 10 - 15% trong dân số nhưng xu thế ngày càng tăng do những thay đổi về chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt. Cơ chế bệnh sinh do trào ngược lượng thức ăn có kèm dịch vị từ dạ dày lên trên thực quản, vốn không có lớp bao phủ nhầy như ở dạ dày, gây triệu chứng viêm, nóng rát và có thể gây loạn sản thực quản, chít hẹp thực quản. Bệnh cũng có thể gây những khó chịu khác như: cảm giác nặng ngực làm dễ nhầm lẫn với đau ngực do nguyên nhân bệnh tim mạch; viêm xoang do hít, rối loạn tiêu hóa...

Điều chỉnh lối sống

Stress, căng thẳng thần kinh: sẽ làm rối loạn điều vận của dạ dày ruột, làm dạ dày tiết nhiều dịch vị cũng như giảm chất bảo vệ. Bản thân stress cũng là một trong những nguyên nhân dây loét dạ dày yếu tố thuận lợi của bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản. Nhiều khảo sát cho thấy bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản chiếm tỉ lệ cao hơn ở thành thị so với nông thôn do cường độ làm việc căng thẳng hơn. Do đó, trong vài trường hợp nặng nề, thầy thuốc có thể phải nhờ đến vài loại thuốc chống lo âu nhẹ.

Đừng để stress ảnh hưởng đến da dày của bạn

Đừng để stress ảnh hưởng đến da dày của bạn

Béo phì, thừa cân: tình trạng thừa cân làm tăng áp lực ổ bụng, càng làm tăng nguy cơ trào ngược luồng thức ăn từ dạ dày lên thực quản. Các trường hợp mắc áo quá chật, ôm sát phụ nữ dùng áo lót quá chật cũng làm tăng nguy cơ này. Bệnh nhân nên theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI), nếu trên 25 (chuẩn thừa cân béo phì) thì nên giảm cân để làm giảm nhẹ áp lực trong khoang bụng.

Chế độ ăn: bệnh nhân nên chia thức ăn làm nhiều lần trong ngày, tránh dồn một lần quá nhiều. Nên ăn buổi cuối trước ngủ ít nhất 3 - 4 giờ để thức ăn thoát một phần ra khỏi dạ dày và xuống tá tràng, tránh trào ngược. Trong vài trường hợp người bệnh nên nằm đầu cao 30o trẻ em bị trào ngược thường phải nằm đầu cao và nghiêng sang bên để tránh hít sặc.

Dùng thuốc

Thuốc kháng acid: thường dùng như: nhôm hydroxyt, magiê hydroxyt thuốc kháng acid này có tác dụng trung hòa acid nhanh, tuy nhiên bất lợi của thuốc này là phải dùng nhiều lần trong ngày, có nhiều biến chứng trên đường tiêu hóa như tiêu chảy hay táo bón thậm chí trong vài trường hợp sau khi dùng thuốc sẽ gây “tác dụng ngược” dẫn đến hậu quả là sản xuất lượng dịch vị (HCl) nhiều hơn.

Thuốc kháng thụ thể H2: Ranitidin cimetidin Chúng ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày, nên ức chế bài tiết cả dịch acid cơ bản (khi đói) và dịch acid do kích thích (bởi thức ăn histamin cafein, insulin…).

Thuốc ức chế bơm proton: đại diện tiêu biểu nhất là omeprazole (liều thông thường nhất là 20mg/lần cho người lớn), có tác dụng ức chế kênh K+H+ATPase trên dạ dày do đó làm giảm sản xuất acid dịch vị. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm ức chế bơm proton, ức chế bài tiết acid mạnh hơn nhóm thuốc kháng H2.

Thuốc kháng Dopamic: nhóm thuốc này sẽ làm tăng vận động của dạ dày, làm tăng co bóp do đó sẽ tống xuất thức ăn xuống tá tràng. Hiện có 2 hoạt chất thường dùng là Metoclopramid (biệt dược thường dùng là Primperan), thuốc này ngày nay được dùng rất hạn chế do ghi nhận nhiều tác dụng ngoại ý lên thần kinh (hội chứng ngoại tháp), đặc biệt ở trẻ em thuốc thứ hai là domperidon Hiện có nhiều luồng ý kiến liên quan đến Domperidon làm hoang mang, tuy nhiên với liều lượng thấp có tác dụng (10mg/lần cho người lớn) thì tác dụng bất lợi rất hiếm gặp.

Phối hợp thuốc: hiện có nhiều dạng phối hợp thuốc dùng điều trị trào ngược dạ dày - thực quản, thường thấy là phối hợp Omeprazol và domperidon, thuận tiện cho việc dùng thuốc Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý dùng, tuy đa phần thuộc thuốc không cần phải kê toa, phải có tư vấn của thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Phẫu thuật: chỉ định rất hạn chế khi điều trị nội khoa thất bại hay có các biến chứng nặng xảy ra. Có thể là phẫu thuật tạo hình thực quản khi có biến chứng teo hẹp, phẩu thuật bơm làm tăng khối lượng cơ dạ dày trong trường hợp bất sản hay dị dạng dạ dày, phẩu thuật Nissen, Toupet...

BS. DƯƠNG MINH HÙNG

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật