Nhịn ăn để giảm cân, phản khoa học! Bạn biết vì sao không?

Gần đây, người ta truyền nhau phương pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn để thanh lọc cơ thể và đã có nhiều người làm theo cách này. Mới đây nhất, ca đột tử của một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội

LTS: Gần đây, người ta truyền nhau phương pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn để thanh lọc cơ thể và đã có nhiều người làm theo cách này. Mới đây nhất, ca đột tử của một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội (chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng được biết nạn nhân cũng đang áp dụng chế độ nhịn ăn 10 ngày trước khi chết) đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những ai đã, đang và mong muốn áp dụng liệu pháp nhịn ăn chữa bệnh hay để giảm cân làm đẹp này. 

Nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể

Trong cơ thể, lượng nước chiếm 50% đối với người già và khoảng 60% đối với người trẻ. Giả sử đối với một người nặng 50kg, ở người trẻ, lượng nước đã chiếm tới 30kg! Bộ xương của chúng ta nặng vào khoảng 15% trọng lượng cơ thể, tức là nặng khoảng 7,5kg.

Từ đó suy ra trọng lượng của toàn bộ phần còn lại (cơ nội tạng lớp mỡ, da...) chỉ chiếm 50 – (30 + 7,5) = 12,5kg. Trong đó, chỉ có lớp mỡ và cơ bắp là nguồn dự trữ năng lượng đáng kể nhất, còn lượng đường dự trữ dưới dạng glycogen chỉ chiếm 1 - 2% tổng lượng cơ, một ít trong hồng cầu và khoảng 10% trọng lượng của gan. Như vậy, nếu nhịn ăn liên tục, cơ thể bạn sẽ nhanh chóng suy sụp!

Một ngày, trung bình mỗi người cần từ 1.800 - 2.000kcal cho chuyển hóa cơ bản và các hoạt động nói chung. Trong đó, chỉ riêng bộ não đã tiêu tới 18% trong tổng số năng lượng nói trên, ước tính khoảng 324kcal, tương đương với 80g đường.

Con người có thể nhịn ăn được bao lâu?

Sau khi nhịn ăn hoàn toàn, con người có thể sống sót được bao lâu phụ thuộc vào cân nặng, hệ gen tình trạng sức khỏe và quan trọng nhất là có bị mất nước mất các chất điện giải hay không. Ở tuổi 74, Mahatma Gandhi - nhà đấu tranh phi bạo lực cho nền độc lập của Ấn Độ đã nhịn ăn hoàn toàn tới 21 ngày, chỉ uống nước trắng.

Lịch sử cũng ghi nhận những vụ tuyệt thực mà số người sống sót có thể qua được 73 ngày nhịn ăn. Cũng có những người sử dụng các phương pháp khí công, ngồi thiền trong một thời gian dài mà hầu như không ăn gì đáng kể.

Tuy vậy, đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ (nhịn ăn để đấu tranh, để tiếp tục tồn tại) còn tuyệt đại đa số chúng ta - những con người bình thường, việc nhịn ăn hoàn toàn trong một thời gian dài luôn kèm theo những hệ lụy đáng tiếc, nói chi đến việc nhịn ăn để đẹp, để sống khỏe hơn.

Cơ thể “tự ăn thịt mình” khi bị đói

Khi lượng calo cung cấp cho cơ thể bị giảm hoặc dừng hẳn, đầu tiên, cơ thể sử dụng lượng glycogen dự trữ để chuyển thành đường glucose Lượng glycogen chỉ có thể đủ cung cấp trong vòng 24h. Khi nguồn này cạn kiệt, cơ thể chuyển sang dùng lượng mỡ dự trữ để chuyển hóa sinh năng lượng.

Mỡ sẽ được gan chuyển hóa thành các thể ketone để có thể qua được hàng rào máu não nuôi não bộ thay cho đường glucose 3-4 ngày tiếp theo, khi lượng mỡ dự trữ đã thuyên giảm, cơ thể lại phải sử dụng đến nguồn protein là thành phần chính của hệ cơ bắp.

Protein sẽ được cắt thành các acid amin (amino acid), đi vào hệ tuần hoàn tới gan và được chuyển hóa thành đường với tỷ lệ vào khoảng 2 - 3g protein thì chuyển được thành 1g đường glucose. Mỗi ngày, để duy trì nguồn năng lượng tối thiểu cho não bộ hoạt động, cần ít nhất 10g glucose hay tương đương 30g protein

Như vậy, nếu nhịn đói, chỉ trong vài ngày, khối lượng cơ của bạn sẽ teo tóp thê thảm. Ở những người béo phì lượng protein có thể cạn kiệt và bệnh nhân sẽ chết trước khi cơ thể sử dụng hết lượng mỡ dự trữ.

Nhịn ăn kéo dài, nguy hiểm không?

Sau một thời gian nhịn đói, năng lượng dự trữ của cơ thể đã cạn. Bạn sẽ đối mặt với những nguy cơ như: Thứ nhất là nguy cơ hạ đường huyết Khi lượng đường trong máu xuống quá thấp, não bị thiếu nguồn năng lượng chính nên hoạt động điện học của các tế bào thần kinh sẽ bị rối loạn.

Bệnh nhân sẽ nhanh chóng đi vào hôn mê và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị tích cực. Việc đói ăn gây thiếu năng lượng, thiếu các vi chất như đồng, kẽm... và các chất điện giải chính như canxi natri kali từ đó dẫn tới tổn thương các tạng quan trọng như tim thận phổi và trong phần lớn các trường hợp, bệnh nhân tử vong do loạn nhịp tim hoặc ngừng tim Bên cạnh đó, nhịn ăn kéo dài cũng có thể gây nên những bệnh đường tiêu hóa mà đặc biệt là nhiễm khuẩn kỵ khí gây viêm ruột hoại tử sau khi ăn trở lại.

Thay cho lời kết

Qua phân tích như trên, việc giảm cân không bao giờ gắn liền với một chế độ nhịn ăn kéo dài. Bạn vẫn phải duy trì việc ăn uống để cung cấp đầy đủ calo cho cơ thể hoạt động bình thường và tăng cường tập luyện để “đốt cháy” lượng mỡ thừa một cách từ từ theo những phác đồ do các chuyên gia về dinh dưỡng tư vấn cho bạn.

Cổ nhân có câu “dục tốc bất đạt”, thành Rome không xây dựng xong trong một ngày. Mọi thứ đều phải có lộ trình và đòi hỏi thời gian. Nếu bạn nôn nóng, không có phương pháp giảm cân khoa học thì sẽ chuốc lấy những hậu quả khôn lường. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật