Bệnh sán đường tiêu hóa thường gặp, bạn chớ xem thường!

Nhân dân ta thường có tập quán ăn uống, sinh hoạt rất dễ bị nhiễm giun sán như: ăn rau sống, uống nước lã, ăn gỏi cá, phở bò tái, nem chua, tiết canh... Đồng thời ở vùng trồng rau người dân lại có thói quen dùng phân tươi để tưới rau nên bệnh giun sán có nguy cơ phát triển mạnh.

Nhiễm sán đường tiêu hóa là bệnh do các loại sán sống ký sinh trong hệ tiêu hoá như: sán lá gan lớn (Fasciola hepatica) sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis) sán lá ruột (Fasichosis buski), sán dây lợn (Taenia solium), sán dây bò (Teania saginata) gây ra. Chúng chiếm đoạt các chất dinh dưỡng làm tổn thương, rối loạn chức năng cơ quan tiêu hóa và toàn thân. Các loại sán gây bệnh hay gặp như sau:

Sán lá ruột (Fasciclosis buski)

Khi ăn phải ấu trùng sán hoặc ăn sống hay nhúng tái các loại rau trồng dưới nước như rau muống rau cần, sen, súng... có chứa nang ấu trùng sán sẽ bị nhiễm bệnh Biểu hiện bệnh gồm các triệu chứng: đau bụng lúc đói, đi tiêu lỏng, hội chứng kiết lỵ có thể gặp bệnh cảnh tắc ruột; nếu nhiễm bệnh thời gian kéo dài có biểu hiện thiếu máu phù do thiếu dinh dưỡng; xét nghiệm thấy hồng cầu trong máu giảm bạch cầu ái toan tăng, xét nghiệm phân thấy trứng sán... Điều trị, có thể dùng nước sắc hạt cau: 1g/1kg cân nặng cơ thể. Cách dùng: ngâm hạt cau vào nước lạnh, sau đó sắc với 500ml nước, cạn còn một nửa lượng nước, uống vào lúc đói, sau 3 lần uống có kết quả tốt. Dùng thuốc diệt sán theo chỉ định của bác sĩ. Để phòng bệnh không nên ăn sống những rau, củ dưới nước hay chỉ nhúng tái như cách ăn lẩu. Thực hiện ăn chín, uống sôi; vệ sinh nguồn nước ăn; không bón phân tươi xuống ruộng.

Sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis): do tập quán ăn gỏi cá dẫn đến mắc bệnh vì trong cá có vĩ ấu trùng sán lá sống. Nếu nhiễm loại sán Clonrchis và Opistorchis, thì sau khi ăn gỏi cá có ấu trùng sán lá khoảng 15-20 ngày, sán nhiễm vào ruột theo ống mật chủ lên gan làm tổn thương gan với các triệu chứng: sốt kiểu sốt rét cơn, nôn đau vùng thượng vị đau vùng gan gan to lách to; vàng da; sút cân, phù thũng; có thể dẫn tới xơ gan ung thư gan rất nguy hiểm.

Sán Fasciola hepatica: khoảng 3-4 tháng sau khi nhiễm sán, bệnh nhân có các biểu hiện: hội chứng nhiễm khuẩn máu, tương ứng với thời kỳ sán còn ở trong máu, sốt cơn liên tiếp, vã mồ hôi đau vùng gan đau cơ vùng gáy; sờ thấy gan to, ấn đau; xét nghiệm thấy hồng cầu giảm, bạch cầu ái toan tăng cao đến 75-77%. Sau đó sán lên gan đẻ trứng gây nên các triệu chứng: sốt tái diễn mệt mỏi hoa mắt chóng mặt gầy; hội chứng vàng da tắc mật, gan to, phân bạc màu; đau vùng gan âm ỉ, nhưng có khi đau quặn gan; gan to, da vàng sẫm ợ hơi ứa nước dãi, miệng đắng, lợm giọng, nôn, có khi nôn ra máu đi tiêu lỏng; có thể bị cổ trướng, phù chi dưới; xét nghiệm hồng cầu giảm, xét nghiệm có trứng sán trong dịch tá tràng, dịch mật, phân. Điều trị: có thể dùng một trong số các thuốc sau: Cloroquin diphosphate, hexachloroparaxylol, praziquantel, theo chỉ định của thầy thuốc.

Bệnh sán lá gan phổ biến ở các địa phương có tập quán ăn gỏi cá, hoặc ăn cá chưa nấu chín như Kim Sơn (Ninh Bình), Nghĩa Hưng (Nam Định), Nga Sơn (Thanh Hóa), Phù Mỹ (Bình Định)... Vì vậy để phòng bệnh tuyệt đối không ăn gỏi cá, không ăn rau sống

Sán dây lợn (taenia solium): do ăn phải trứng sán hoặc tự nhiễm.

Bệnh nhân mắc sán dây lợn có thể có các triệu chứng: trẻ em thấy ứa nước dãi, lợm giọng, ợ, nôn dịch mật đau bụng vùng gan, vàng da; trường hợp điển hình có triệu chứng: đau vùng thượng vị giống như loét dạ dày có những cơn đau dễ nhầm với các trường hợp viêm ruột thừa viêm đường mật; trường hợp xơ gan có biểu hiện gan to lách to cổ trướng; chảy máu cam phù chi dưới; nhưng sau khi tẩy sán ra rồi các triệu chứng biến mất; có khi không có triệu chứng gì, mà chỉ thấy đốt sán theo phân ra ngoài; Các triệu chứng ngoài ống tiêu hóa có thể gặp là: cơn động kinh, múa vờn, lo lắng, bẳn tính; ảo ảnh nhìn đôi, thấy mọi vật màu vàng; đánh trống ngực ngoại tâm thu; khó thở như hen, mất tiếng, có khi ho ra máu Điều trị bằng một trong số các thuốc: quinacrin, diclorophen, niclosamid theo chỉ định của bác sĩ. Trong dân gian còn dùng hạt bí ngô để tẩy sán.

Sán dây bò (Taenia saginata):

mắc bệnh vì ăn thịt bò tái có ấu trùng sán, với các triệu chứng: sút cân buồn nôn đau tức vùng thượng vị khi đói, đi tiêu lỏng, đốt sán già tự bò ra ngoài. Chẩn đoán dựa vào đốt sán tự bò ra ngoài qua hậu môn, khác với sán dây lợn là đốt sán chỉ theo phân ra ngoài. Điều trị có thể dùng các thuốc và cách tẩy như với sán dây lợn.

Bệnh sán dây lợn, sán dây bò thường gặp ở các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, như: Bắc Kạn, Vĩnh Phú, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa có phong tục nuôi lợn thả rong, ăn tiết canh lợn, thịt lợn, thịt bò tái hoặc sống, ăn nem chua, ăn rau sống.

Muốn phòng chống bệnh giun sán cần phải thực hiện ăn chín và uống sôi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật