Triệu chứng và những hướng điều trị dứt điểm bệnh lao xương khớp

Lao xương khớp được coi là lao thứ phát, do vi khuẩn lao sau khi qua phổi hoặc hệ thống tiêu hóa sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó của hệ thống cơ xương khớp gây bệnh. Bệnh lao xương khớp có thể bị đơn độc hoặc kèm theo lao tại phổi hay tại các cơ quan khác.

Nguyên nhân và triệu chứng

Lao xương khớp là tình trạng nhiễm khuẩn của hệ thống xương khớp do trực khuẩn lao có tên là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là tình trạng lao ngoài phổi phổ biến, chiếm khoảng 7% tổng số các thể lao. Lao xương khớp có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi, tất cả các xương khớp trong cơ thể; trong đó lao cột sống chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60-70% tổng số lao xương khớp, sau đó đến lao khớp háng (10%), khớp gối (5%)…

Lao cột sống còn gọi là bệnh Pott, là tình trạng viêm đốt sống - đĩa đệm do lao hay gặp nhất. Biểu hiện toàn thân: bệnh nhân sốt nhẹ về chiều, vã mồ hôi gầy sút da xanh xao ăn uống kém. Biểu hiện tại chỗ: thường bệnh nhân đau cột sống âm ỉ liên tục, đau tăng về đêm. Khi bị lâu có thể dẫn đến xẹp đốt sống gây gù nhọn. Lao có thể rò mủ ra ngoài, chất mủ giống như bã đậu.

Cũng có khi lao tạo thành ổ áp-xe lạnh cạnh cột sống Khi để muộn có thể gặp một số biến chứng chèn ép thần kinh xung quanh do xẹp đốt sống thoát vị đĩa đệm do áp-xe lạnh, do viêm màng nhện tủy. Nếu chèn ép thần kinh ở vùng cột sống thắt lưng gây yếu liệt hai chân rối loạn cảm giác vùng hậu môn sinh dục, đại tiểu tiện không tự chủ. Nếu chèn ép ở cột sống cổ có thể gây liệt tứ chi. Chèn ép vùng ngực gây đau thần kinh liên sườn, rối loạn cảm giác, yếu liệt hai chân...

Trường hợp lao cột sống có áp-xe lạnh, khối áp-xe có thể vỡ vào trung thất  gây hội chứng trung thất, hoặc vỡ vào màng tim màng phổi gây chèn ép tim phổi cấp dẫn đến suy hô hấp trụy tim mạch. Nếu áp-xe vỡ vào cơ thắt lưng chậu gây viêm cơ thắt lưng chậu.

Lao khớp ngoại biên hay gặp là lao khớp háng, khớp gối và một số khớp khác ít gặp hơn như khuỷu tay, cổ tay, cổ chân… Biểu hiện tại chỗ là tình trạng viêm khớp: sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ thường ở một khớp đơn độc; khớp bị tổn thương hạn chế vận động, có thể có lỗ rò ra chất hoại tử bã đậu hay mảnh xương chết. Lâu ngày cơ quanh khớp viêm bị teo, hạn chế vận động. Biểu hiện toàn thân của lao khớp ngoại biên cũng tương tự như lao cột sống Cần lưu ý hiện nay lao nói chung và lao xương khớp nói riêng thường phối hợp với các bệnh suy giảm miễn dịch nhiễm HIV, đái tháo đường…

Vấn đề điều trị

Điều trị lao xương khớp bao gồm điều trị cơ bản tức điều trị nguyên nhân bệnh và điều trị phối hợp.

Điều trị cơ bản, tức là dùng thuốc chống lao điều trị nguyên nhân theo các nguyên tắc sau: phối hợp các thuốc chống lao với ít nhất 3 loại thuốc trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì. Dùng thuốc đúng liều: liều thấp không hiệu quả, dễ tạo vi khuẩn kháng thuốc, ngược lại liều cao dễ gây tai biến. Dùng thuốc đều đặn đặn để đạt sự hấp thu thuốc tối đa. Dùng thuốc đủ thời gian, theo 2 giai đoạn: tấn công từ 2-3 tháng và duy trì từ 4-6 tháng. Cần theo dõi quản lý bệnh theo nguyên tắc DOST (Directly Observed Treatment, Short course) tức là điều trị phác đồ ngắn ngày có theo dõi, kiểm soát trực tiếp việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Cần thường xuyên kiểm tra tình trạng toàn thân, tại chỗ, tiến triển của bệnh cũng như các tai biến có thể xảy ra khi dùng thuốc.

Các thuốc chống lao thường dùng và liều lượng thuốc khi dùng hàng ngày là: Streptomycin (S), Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazynamid (Z), Ethambutol (E). Trong trường hợp dùng phác đồ 3 lần một tuần thì liều lượng có sự thay đổi, thường là cao hơn liều hằng ngày.

Các phác đồ chuẩn: đối với lao xương khớp mới phát hiện: dùng phác đồ 2 S(E) HRZ/6HE hoặc 2S(E)RHZ/4RH. Phác đồ 2 S(E) HRZ/6HE có nghĩa là trong 2 tháng đầu dùng 4 loại kháng sinh phối hợp: streptomycin hoặc ethambutol, isoniazid, rifampicin, pyrazynamid; 4 tháng sau dùng hai loại thuốc là isoniazid và ethambutol hằng ngày. Phác đồ này chỉ áp dụng khi kiểm soát trực tiếp được bệnh nhân ở cả giai đoạn duy trì.

Với lao xương khớp tái phát, hoặc thất bại sau phác đồ trên, hoặc điều trị lại sau bỏ thuốc hoặc với thể lao nặng thì áp dụng phác đồ: 2SHRZE/1HRZE/5H3R3E3, có nghĩa là trong 2 tháng đầu dùng 5 loại thuốc phối hợp, tháng thứ ba dùng 4 loại thuốc, 5 tháng tiếp theo dùng 3 loại thuốc mỗi tuần 3 ngày.

Một số trường hợp lao xương khớp đặc biệt như lao ở trẻ em người già phụ nữ có thai hay cho con bú, người suy gan thận cần đặc biệt chú ý và có những hướng dẫn điều trị, theo dõi riêng.

Khi sử dụng thuốc chống lao kéo dài cần đặc biệt chú ý đến các tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn đau bụng) đau khớp rối loạn về thần kinh ngoại biên (tê bì, bỏng rát ở chân) mẩn ngứa phát ban… Trường hợp nặng có thể có ù tai chóng mặt hay điếc do dùng streptomycin; xuất huyết dưới da thiếu máu huyết tán do dùng rifampicin, giảm thị lực do dùng ethambutol; vàng da viêm gan do R, H, Z…, hay có thể sốc phản vệ do thuốc. Vì vậy cần theo dõi chặt chẽ về lâm sàng xét nghiệm máu để có thái độ xử trí thích hợp.

Điều trị phối hợp: Ngoài điều trị thuốc cơ bản, đặc hiệu thì trong lao xương khớp, việc điều trị phối hợp rất quan trọng.

Bất động tương đối vùng tổn thương: bất động trong thời gian tiến triển của bệnh bằng máng bột, áo bột, nẹp bột hay áo, nẹp chỉnh hình; sau đó nếu có thể thì vận động trở lại sớm để tránh dính, cứng khớp.

Điều trị tốt bệnh phối hợp: HIV đái tháo đường

Phòng, điều trị các tác dụng phụ của thuốc.

Nghỉ ngơi hợp lý, nâng cao thể trạng chế độ ăn uống nhiều đạm vitamin  

Kết hợp thuốc giảm đau chống viêm, giãn cơ nếu đau nhiều.

Điều trị ngoại khoa phối hợp trong các trường hợp cần thiết: phẫu thuật loại bỏ ổ tổn thương, giải phóng chèn ép, điều trị chỉnh hình...

Phòng bệnh

Cách ly người bệnh, tránh lây nhiễm. Những người trong gia đình có tiếp xúc với bệnh nhân lao cần được khám và chụp Xquang phổi để phát hiện sớm tình trạng nhiễm lao, từ đó có biện pháp điều trị và quản lý hợp lý, tránh lây lan.

Người bệnh cần được theo dõi quản lý chặt chẽ, tuân thủ các nguyên tắc điều trị bệnh nhằm tránh hiện tượng lao tái phát, lao kháng thuốc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật