Cách phòng viêm tiết niệu ở phụ nữ chị em nên 'bỏ túi'

Viêm đường tiết niệu ở phụ nữ là một bệnh thường gặp, nhất là lứa tuổi trưởng thành, đã có quan hệ tình dục. Viêm đường tiết niệu gây nên tình trạng mệt mỏi và khó chịu trong đời sống hàng ngày, ảnh hưởng đến lao động, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị nghiêm túc.

Những nguyên nhân

Đường tiết niệu kéo dài từ thận đến lỗ tiểu và có nhiều nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu trong đó nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn nam giới, bởi cấu tạo của niệu đạo nữ giới ngắn hơn, lỗ tiểu lại gần với hậu môn dễ bị nhiễm bẩn. Đó là chưa kể phụ nữ trong những ngày kinh nguyệt hoặc thời kỳ mang thai nếu vệ sinh không sạch sẽ rất dễ viêm đường tiết niệu hoặc có thói quen tắm bồn là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập đường tiết niệu. Bên cạnh đó, ở tuổi trưởng thành nếu không vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu.

Một số trường hợp mắc bệnh sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo) rất dễ dẫn đến viêm đường tiệt niệu. Căn nguyên gây viêm đường tiết niệu chủ yếu do vi khuẩn (chiếm tỉ lệ 70%) hoặc vi nấm. Vi khuẩn thường hay gặp nhất là E.coli, Proteus, Enterobacter, tụ cầu loại gặp nhiều nhất là S. epiermitidis (tụ cầu da), S. saprophyticus (tụ cầu hoại sinh). Đối với vi nấm thường gặp là Candida albicans.

Ngoài ra, có một số yếu tố thuận lợi gây nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu ở phụ nữ đó là thói quen uống ít nước làm cho việc đào thải chất cặn bã chậm lại hoặc thói quen nhịn tiểu làm cho nước tiểu ứ đọng kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn vi nấm tồn tại và phát triển gây bệnh. Một số trượng hợp do đi giày cao gót thường xuyên khiến hông và xương sống bị ảnh hưởng, gây nên tiểu tiện không đều, dễ bị viêm nhiễm đường tiết niệu. Ngoài ra, một số tác giả đề cập đến vai trò di truyền trong viêm đường tiết niệu ở nữ giới, có nghĩa là do gen chỉ huy hoạt động của hệ thống tiết niệu bị lỗi. Hoặc do rối loạn thần kinh thực vật chỉ huy, điều hành hoạt động của bàng quang gây rối loạn tiểu tiện có thể gây nên viêm đường tiết niệu.

Triệu chứng

Viêm tiết niệu ở phụ nữ thường xuất hiện buồn tiểu và rất muốn đi tiểu, có cảm giác đau tức ở bụng dưới (tương ứng với bàng quang), nhất là lúc đi tiểu. Người bệnh có thể đi tiểu buốt tiểu rắt nước tiểu đục có mùi khai nồng. Các triệu chứng này ngày một nặng thêm. Một số trường hợp có sốt do viêm cấp, nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu ở niệu quản, thận, có thể đau ê ẩm vùng thắt lưng. Nhiều trường hợp xuất hiện tiểu đêm thậm chí tiểu dầm.

Viêm đường tiết niệu ở phụ nữ nếu không được phát hiện, chữa trị đúng và người bệnh không thực hiện nghiêm túc do chủ quan, xem thường có thể gây biến chứng viêm đường tiết niệu lan rộng (nhiều bộ phận của đường tiết niệu bị viêm nhiễm), nguy hiểm nhất là gây viêm thận hậu quả có thể suy thận Từ viêm đường tiết niệu, vi sinh vật gây bệnh có thể vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Để chẩn đoán viêm đường tiết niệu ở phụ nữ, ngoài các triệu chứng lâm sàng, cần làm xét nghiệm nước tiểu để tìm căn nguyên gây bệnh (vi khuẩn, vi nấm). Trên cơ sở nuôi cấy vi khuẩn phân lập được vi khuẩn, có thể thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ để tìm kháng sinh có tác dụng mạnh nhất đối với vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, cần siêu âm hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang) để phát hiện sự viêm nhiễm và các tác nhân gây cản trở sự lưu thông nước tiểu (sỏi, di dạng, u…). Trong trường hợp cần thiết có thể nội soi (nội soi bàng quang), chụp X-quang, hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt hơn nữa là chụp cộng hưởng từ (MRI).

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị viêm đường tiết niệu là dùng kháng sinh, đủ liều lượng. Nếu xác định được loại vi khuẩn gì và có kết quả của kháng sinh đồ. Bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc, xem xét nên dùng kháng sinh gì là tốt nhất, bởi vì, còn tùy thuộc vào đối tượng bị bệnh (đang mang thai người có tuổi, thể trạng dị ứng…). Vì vậy, người bệnh không nên ngại đi khám bệnh và không được tự chẩn đoán bệnh cho mình và không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị.

Để phòng bệnh viêm đường tiết niệu ở phụ nữ, trước tiên cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày, nhất là thời kỳ hành kinh mang thai hoặc trước và sau quan hệ tình dục Khi dùng nước để rửa cần phải dội từ trước ra sau để tránh nhiễm bẩn từ hậu môn và mỗi lần đi đại tiện xong, dùng giấy vệ sinh, cần lau từ trước ra sau. Sau khi quan hệ tình dục nên đi tiểu ngay để nước tiểu đẩy vi khuẩn ra khỏi niệu đạo tránh viêm ngược dòng. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (khoảng 1,5 - 2,0 lít) bao gồm cả lượng nước có trong rau canh, hoa quả…

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật