Sa dây rốn - Nguyên nhân gây suy thai cấp đối với thai nhi

LTS: Vừa qua, tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, cháu bé sơ sinh con của sản phụ Bùi Thị Mỹ Ly được mổ cấp cứu lấy thai vì sa dây rốn, nhưng sau mổ bé bị suy hô hấp nặng, dẫn tới hôn mê.Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng tình trạng không tiến triển, gia đình đã đưa cháu về. Vụ việc này gây sự bức xúc trong gia đình và dư luận, nhiều người đã đặt câu hỏi đây có phải là tai biến bất khả kháng do nguyên nhân sa dây rốn hay không?

Bài viết sau đây nhằm cung cấp kiến thức về tai biến này để bạn đọc hiểu và biết cách xử trí khi cần thiết.

Sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối (sa dây rốn trong bọc ối) hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn sau khi vỡ ối.

Đây là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn.

Nếu không lấy thai ra ngay, có khả năng thai bị chết trong vòng 30 phút. Cứ 300 trẻ chào đời có 1 ca mắc sa dây rốn.

Nguyên nhân có thể dẫn tới sa dây rốn

Về phía mẹ: Những người đẻ nhiều lần nên ngôi thai bình chỉnh không tốt gây các ngôi bất thường; khung chậu hẹp, méo; có khối u tiền đVề phía thai: Đối với các ngôi bất thường, ví dụ ngôi ngược, ngôi ngang do ngôi không tỳ vào cổ tử cung nên dây rốn có thể sa trước ngôi; sa một chi làm dây rốn sa theo.

Về phía phần phụ của thai: Đa ối làm ối căng quá mức, có thể vỡ đột ngột kéo dây rốn sa theo; dây rốn dài bất thường; rau bám thấp. Ngoài ra, nếu bấm ối trong cơn co khi ngôi còn cao lỏng thì cũng dễ bị sa dây rốn.

Chẩn đoán có khó không?

Chẩn đoán thường dễ, trong quá trình chuyển dạ ta có thể nhìn thấy dây rau sa ra ngoài âm hộ, thăm âm đạo thấy dây rốn nằm cuộn trong âm đạo; hoặc thăm âm đạo thấy dây rốn ở cổ tử cung bên cạnh ngôi qua màng ối chưa bị vỡ (sa dây rốn bên ngôi trong bọc ối) hoặc dây rốn ở trước ngôi trong bọc ối chưa bị vỡ (sa dây rốn trước ngôi trong bọc ối). Cổ tử cung thường chưa mở hết.

Ngôi thai còn cao, có thể là ngôi bất thường.

Biến chứng cuối thai kỳ

Sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ

Nếu lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ mắc tổn thương não do thiếu ôxy.

Vì thế, khi phát hiện sản phụ mắc sa dây rốn, cần được cấp cứu kịp thời trong vòng 30 phút thì may ra mới cứu được trẻ.

Thai phụ cần làm gì?

Khi bị sa dây rốn, sản phụ có thể cảm thấy dây rốn trong vùng kín

Khi cảm thấy sự bất thường, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức và thông báo khẩn cấp về tình trạng mắc sa dây rốn của bạn.

Không cố gắng đẩy dây rốn trở lại, tránh ăn uống trước khi sinh vì xác suất bạn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Trong khi chờ xe cấp cứu đến, để giảm rủi ro cho việc dây rốn bị chèn ép quá nhiều, bác sĩ khuyên bạn nên duy trì ở tư thế úp mặt xuống sàn nhà với đầu gối quỳ gập, khuỷu tay và bàn tay úp sát sàn nhà.

Có thể ngăn ngừa được không?

Chẳng có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn.

Tuy nhiên, nếu bạn nằm trong nhóm những nguy cơ cao mắc sa dây rốn như đã nêu ở trên, sau tuần thứ 38 của thai kỳ bạn nên thường xuyên đến bệnh viện khám hoặc lưu trú lại viện để được xử trí kịp thời khi có chuyển dạ.

Xử trí sa dây rốn như thế nào?

Tùy tuyến tiếp nhận thai phụ là tuyến xã hay tuyến huyện mà có những cách xử trí khác nhau.

Sa dây rốn trong bọc ối

Ở các tuyến xã: Cần tư vấn cho sản phụ nằm đầu thấp, mông cao, không rặn để bảo vệ ối khỏi bị vỡ. Tiêm bắp papaverine 40 - 80mg. Sau đó, nhanh chóng chuyển tuyến trên.

Đối với tuyến huyện: Phẫu thuật lấy thai ngay.

Sa dây rốn khi đã vỡ ối

Đối với tuyến xã: Xác định xem dây rốn còn đập không bằng cách kẹp dây rốn vào giữa hai ngón tay để xem dây rốn đập mạnh hay yếu. Đồng thời nghe tim thai trên bụng mẹ.

Nếu xác định là thai đã tử vong (dây rốn hết đập, không nghe thấy tim thai) thì không còn cấp cứu (giải thích cho gia đình và sản phụ là thai nhi không còn tim thai và chỉ để cuộc đẻ diễn ra bình thường mà không phải chuyển mổ cấp cứu).

Nếu thai còn sống, cho sản phụ nằm chổng mông, nhẹ nhàng đẩy dây rốn lên. Tiêm bắp papaverine 40 - 80mg nếu cơn co nhanh. Tư vấn cho sản phụ về việc không nên rặn và những diễn biến xấu có thể xảy ra đối với thai nhi Đồng thời nhanh chóng chuyến lên tuyến trên.

Lưu ý, trước khi chuyển tuyến nếu có điều kiện cần bọc dây rốn bị sa vào gạc lớn tẩm huyết thanh mặn đẳng trương 9‰ ấm, đóng khố vô khuẩn cho sản phụ rồi chuyển ngay lên tuyến trên.

Ngoài ra, cũng có thể đặt ống thông Foley và bơm đầy bàng quang bằng 500ml huyết thanh đẳng trương 9‰, dùng kẹp để kẹp đầu ống thông lại nhằm cho đầu thai nhi không xuống thấp hơn.

Đối với tuyến huyện: Xác định xem dây rốn còn đập không bằng cách kẹp dây rau vào giữa hai ngón tay và nghe tim thai. Nếu thai còn sống phải tìm cách mổ lấy thai ra ngay.

Trong khi chờ đợi mổ, nên cho người bệnh nằm đầu thấp, mông cao để dây rau đỡ bị ép chặt giữa ngôi và tiểu khung. Nếu thai đã tử vong thì theo dõi để cuộc đẻ tiến triển bình thường.

Khám thai định kì giúp phát hiện yếu tố nguy cơ

TS. BS. Lưu Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế cho biết: Sa dây rốn là một trong những tai biến sản khoa gây hậu quả là suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông khi mẹ chuyển dạ, thai nhi dồn áp lực lên dây rốn gây giảm hoặc ngăn chặn toàn bộ việc cung cấp máu từ mẹ sang bé.

Nếu mổ cấp cứu lấy thai chậm thai nhi sẽ bị suy hô hấp hôn mê và tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ bị tổn thương não do thiếu ôxy dẫn đến di chứng.

Tùy từng trường hợp sa dây rốn mà thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ, thậm chí trong thời gian từ vài phút đến gần 30 phút. Vì thế nên khi phát hiện sản phụ bị sa dây rốn thì biện pháp phẫu thuật cứu thai nhi là ưu việt nhất.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn do mẹ (sinh đẻ nhiều lần); do thai (ngôi thai bất thường); do phần phụ (đa ối...); do bấm ối khi ngôi còn cao lỏng...

Để cấp cứu kịp thời, ở những tuyến cơ sở không có điều kiện vận chuyển bằng ôtô thì gần như không có cơ hội để cứu sống thai nhi.

Vì thời gian vàng để cứu sống thai nhi là quá ngắn nên đây cũng là điều vô cùng khó khăn ở các tuyến cơ sở như xã phòng khám khu vực, vùng sâu vùng xa... không có điều kiện mổ lấy thai cũng như không có phương tiện vận chuyển (vì phải chuyển bằng xe ôtô).

Cho đến nay cũng chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất để tránh tai biến này, các thai phụ cần đi khám thai định kỳ; bác sĩ có thể phát hiện yếu tố nguy cơ để cảnh báo cũng như tư vấn chọn nơi đẻ an toàn (có điều kiện mổ đẻ).

Về phía cán bộ y tế, khi phát hiện sa dây rốn cần khẩn trương gọi điện xin tuyến trên hỗ trợ, đồng thời xử trí nhanh cho sản phụ như tiêm giảm co, bọc dây rốn bằng huyết thanh ấm, hướng dẫn tư thế sản phụ nằm mông cao, không được rặn...

Đồng thời tư vấn cặn kẽ cho thai phụ và gia đình tình huống xấu có thể xảy ra để cùng bình tĩnh hạn chế mức thấp nhất về rủi ro.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật