Cách phát hiện và chữa bệnh sốt xuất huyết kịp thời

Theo quy định, phần lớn các trường hợp bệnh sốt xuất huyết (SXH) thể nhẹ và thông thường đều có thể điều trị ngoại trú tại nhà với sự theo dõi của y tế cơ sở hoặc điều trị tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Khi phát hiện thấy bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm mới chuyển đến bệnh viện nơi gần nhất để có điều kiện điều trị những biến chứng trầm trọng nhằm hạn chế hậu quả xấu xảy ra.

Phát hiện, chẩn đoán và điều trị

Trên thực tế theo dõi, trạm y tế xã, phường, thị trấn cần phải nghi ngờ có ổ dịch hay dịch SXH bùng phát xảy ra trong cộng đồng tại địa phương khi thấy nhiều người bị sốt cao đột ngột nhưng chưa rõ nguyên nhân; sốt thường kéo dài từ 2-7 ngày, đồng thời kèm theo các triệu chứng xuất huyết như chảy máu cam chảy máu răng lợi xuất huyết dưới da đi tiểu ra máu nôn ra máu rong kinh hoặc có những vết bầm tím ở quanh nơi tiêm chích.

Càng cần phải nghi ngờ hơn khi thấy những trường hợp sốt mà không đáp ứng điều trị đặc hiệu với các bệnh thông thường như viêm họng viêm phổi sốt rét hoặc phát hiện có người bệnh tử vong trong vòng 1 tuần sau khi bị sốt kèm theo dấu hiệu xuất huyết chưa rõ nguyên nhân.

Tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; khi người bệnh đến khám với các triệu chứng như sốt cao đột ngột đau nhức người chán ăn mệt mỏi có dấu hiệu dây thắt dương tính... phải xem xét tình hình một cách cụ thể. Nếu bệnh nhân tỉnh táo gan không sưng to và đau mạch và huyết áp bình thường đi tiểu nhiều chân tay ấm thì có thể cho điều trị ngoại trú tại nhà và theo dõi. Hướng dẫn cho người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân uống nước đun sôi để nguội hoặc uống nước trái cây như nước cam, chanh, dừa.

Nếu bị sốt cao từ 39oC trở lên, phải lau mát cho bệnh nhân và cho uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol đơn chất, lưu ý không được dùng thuốc hạ sốt loại aspirin vì dễ gây xuất huyết, toan máu. Đồng thời khuyến cáo người bệnh phải đến trạm y tế khám lại mỗi ngày cho đến khi hết sốt được 2 ngày. Nếu tại cơ sở y tế không có điều kiện xét nghiệm hematocrit và tiểu cầu thì nên chuyển lên tuyến trên các trường hợp xuất hiện dấu hiệu cảnh báo, không nên truyền dịch khi chưa có chỉ định cần thiết.

Khi phát hiện thấy bệnh nhân có các triệu chứng như lừ đừ, vật vã, chân tay lạnh, da ẩm, đi tiểu ít nôn nhiều huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp gan to có dấu hiệu xuất huyết... cần phải theo dõi sát tình hình và cảnh báo nguy cơ bệnh nặng.

Nếu trạm y tế không có y sĩ, bác sĩ và không có điều kiện để truyền dịch bằng đường tĩnh mạch thì cho bệnh nhân tích cực bù nước bằng đường uống và chuyển gấp người bệnh đến bệnh viện nơi gần nhất để xử trí điều trị. Nếu trạm y tế có y sĩ, bác sĩ và có điều kiện để truyền dịch bằng đường tĩnh mạch thì truyền ngay dung dịch mặn đẳng trương NaCl 0,9% hoặc dung dịch ringer lactat với tốc độ truyền từ 15-20ml/kg trọng lượng cơ thể trong một giờ rồi chuyển ngay người bệnh đến bệnh viện nơi gần nhất để tiếp tục điều trị trong điều kiện an toàn; lưu ý tiếp tục truyền dịch trong lúc di chuyển bệnh nhân và phải có nhân viên y tế đi kèm theo để hỗ trợ.

Nếu trường hợp bệnh nhân đến khám mà không đo được huyết áp, mạnh nhanh, nhỏ và khó bắt thì phải bơm trực tiếp vào tĩnh mạch dung dịch mặn đẳng trương NaCl 0,9% hoặc dung dịch ringer lactat cho đến khi đo được huyết áp, mạch bắt được và rõ rồi mới chuyển gấp đến bệnh viện để điều trị.

Trách nhiệm đối với cộng đồng

Cán bộ, nhân viên y tế ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn phụ trách có nhiệm vụ truyền thông giáo dục sức khỏe phổ biến cho cộng đồng người dân về những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh SXH như bị sốt cao đột ngột, mệt mỏi, chán ăn nhức đầu có biểu hiện xuất huyết ở da và niêm mạc thì gia đình nên đưa người bệnh đến khám tại trạm y tế để chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị.

Hướng dẫn cho người dân biết cách chăm sóc người bệnh SXH để có thể điều trị ngoại trú tại gia đình như cho ăn uống bình thường, uống nhiều nước trái cây loại cam chanh, dừa; biết cách pha dung dịch oresol để uống theo chỉ dẫn trên bao bì. Khi sốt cao trừ 39oC trở lên, người nhà biết cách lau mát và cho uống thuốc hạ sốt paracetamol do y tế chỉ định. Lưu ý cấm không được dùng các loại thuốc giảm đau hạ sốt như aspirin analgin, ibuprofen... để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Ngoài ra, cũng phải hướng dẫn cho gia đình và người nhà bệnh nhân biết cụ thể các triệu chứng nặng của SXH để đưa ngay người bệnh đến khám tại trạm y tế như có tình trạng đang sốt cao mà nhiệt độ đột ngột hạ xuống, chân tay lạnh, người thấy bứt rứt, vật vã hoặc li bì, da ẩm, toát nhiều mồ hôi nôn ói và đau bụng nhiều, đi tiểu ít và có các biểu hiện xuất huyết nặng.

Cần lưu ý rằng mọi sự chần chừ, chậm trễ, lưu giữ bệnh nhân ở nhà khi đã có dấu hiệu cảnh báo sẽ rất nguy hại đến sức khỏe kể cả tính mạng của người bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tất cả các trường hợp SXH thể nhẹ và thông thường sau khi được phát hiện, chẩn đoán đều có thể điều trị ngoại trú tại nhà với sự theo dõi của y tế cơ sở hoặc điều trị tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Đối với những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo mới chỉ định cho nhập viện để xử trí điều trị phù hợp, không nên tập trung quá nhiều tại bệnh viện gây tình trạng quá tải; đồng thời sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm các loại bênh khác. Nên nhớ rằng, hiện nay bệnh SXH do muỗi truyền chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy việc phòng bệnh tích cực vẫn là biện pháp tốt nhất. Khi đã bị mắc bệnh với dấu hiệu nghi ngờ, cần được phát hiện sớm và xử trí điều trị kịp thời tại cơ sở; không để bệnh phát triển với những biến chứng trầm trọng của SXH nặng vì rất dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật