Khi đau bụng không phải bệnh từ bụng thì nguyên nhân từ đâu?

Đau bụng là biểu hiện của rất nhiều bệnh tại các cơ quan trong ổ bụng như cơn đau do viêm loét dạ dày - tá tràng, cơn đau quặn thận do sỏi thận - niệu quản,

cơn đau trong viêm đại tràng co thắt… và việc chẩn đoán xác định các loại bệnh lý này thường không mấy khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đau bụng lại có nguồn gốc từ các bệnh lý mà ít người nghĩ đến như nguyên nhân do… tim mạch.

Nhồi máu cơ tim sau dưới

Bệnh nhân nữ 57 tuổi được đưa vào khoa cấp cứu với triệu chứng đau bụng nhiều vùng thượng vị hơn 2 ngày buồn nôn nôn ra ít dịch lẫn thức ăn. Khám thấy tình trạng bệnh nhân tỉnh, mạch 70 lần/phút, không đều huyết áp (HA) 150/90mmHg. Các xét nghiệm cơ bản cho kết quả bình thường. Làm điện tâm đồ cho thấy có hình ảnh nhồi máu cơ tim (NMCT) sau dưới. Các xét nghiệm về NMCT (như men CKMB, troponin T) cũng cho kết quả tương tự.

Thông thường, các cơn đau do NMCT có biểu hiện ở vùng ngực trước tim đau như bóp nghẹt lấy tim và lan lên cổ hoặc cánh tay trái. Tuy vậy, trong trường hợp NMCT sau dưới, do vị trí tổn thương ở phía sau và dưới của tim ngay sát trên cơ hoành nên cơn đau nhiều khi có vị trí ở vùng thượng vị hoặc dưới mũi ức. Vì vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân bị NMCT sau dưới được chẩn đoán là cơn đau dạ dày cấp, rối loạn tiêu hóa… Việc chẩn đoán NMCT sau dưới là rất dễ dàng nếu người thầy thuốc nghĩ đến căn bệnh này và cho làm ngay điện tim (ECG) và men CKMB hay troponin T hoặc troponin I nếu có điều kiện.

Trước một bệnh nhân đau thượng vị chưa được chẩn đoán xác định rõ ràng nguyên nhân lại có các yếu tố nguy cơ như tuổi cao trên 45, tiền sử hút thuốc lá đái tháo đường tăng huyết áp mỡ máu cao, nhất thiết phải được làm điện tim và các xét nghiệm để loại trừ NMCT sau dưới. Nếu bỏ sót thì hậu quả sẽ rất tai hại và có thể gây tử vong cho bệnh nhân do NMCT thường gây suy thất phải cấp và các loạn nhịp nặng.

Tắc động mạch mạc treo

Bệnh nhân nữ 44 tuổi, tiền sử bị hẹp hai lá do thấp, loạn nhịp tim hoàn toàn suy tim độ II. Trước vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng nhiều kèm theo tiêu chảy 2 - 3 lần/ngày. Bệnh nhân đã đi khám và được chẩn đoán là ngộ độc thức ăn điều trị bằng kháng sinh không đỡ. Bệnh nhân đau bụng ngày càng tăng gia đình đưa vào viện. Khám thấy bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, tim loạn nhịp hoàn toàn, bụng trướng, ấn đau khắp bụng. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm chẩn đoán, siêu âm và chụp cắt lớp ổ bụng. Kết quả nghi ngờ tắc động mạch mạc treo do huyết khối từ tâm nhĩ trái trôi xuống. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu. Khi mở ổ bụng thấy có nhiều dịch đen ruột non bị hoại tử nhiều đoạn dài do tắc động mạch mạc treo.

Hệ thống động mạch mạc treo là hệ thống động mạch nuôi ruột bao gồm động mạch mạc treo tràng trên và mạc treo tràng dưới. Nguyên nhân gây tắc các động mạch này thường do cục máu đông từ tâm nhĩ trái (hình thành trong một số bệnh như loạn nhịp hoàn toàn, nhĩ trái giãn quá to…) bong ra, xuống tâm thất trái, theo dòng máu xuống động mạch chủ bụng, trôi vào các động mạch nhỏ như động mạch mạc treo, kẹt lại và gây tắc. Tắc động mạch mạc treo cũng có thể do xơ vữa mạch và điều này hay xảy ra ở người già

Các triệu chứng biểu hiện của tắc mạch mạc treo bao gồm đau bụng không rõ nguyên nhân tiêu chảy dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc và  có các triệu chứng như loạn nhịp hoàn toàn, xơ vữa mạch kèm theo. Chẩn đoán tắc động mạch mạc treo tương đối khó, phải dựa vào một số xét nghiệm như D-Dimer, chụp mạch, CT, MRI ổ bụng và nhiều trường hợp không rõ có thể nội soi thăm dò ổ bụng để xác định chẩn đoán.

Lời khuyên của thầy thuốc

Một số trường hợp khác cũng có thể gây các cơn đau bụng cấp như tắc mạch thận tắc mạch lách, mạch tử cung buồng trứng… cũng có thể xảy ra nên cần lưu ý đến các nguyên nhân tim mạch ở bất cứ một trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân nào.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật