Cảnh giác với căn bệnh thủy đậu khi vào mùa hanh khô

Thủy đậu là bệnh rất dễ lây, tỷ lệ mắc bệnh trên 90% ở những người mẫn cảm với virut. Sự nhiễm bệnh ngang nhau ở cả hai giới nam và nữ cũng như ở các dân tộc trên thế giới. Virut thủy đậu có thể gây dịch trong một vùng dân số lớn, cao điểm là mùa đông xuân.

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính do virut Varicella Zoster gây ra, xảy ra ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, trẻ em mắc nhiều hơn người lớn và thường nhẹ hơn người lớn.

Bệnh lây lan như thế nào?

Thủy đậu là bệnh rất dễ lây, luôn có nguy cơ bùng phát thành dịch. Cơ thể người là nguồn chứa virut Varicella Zoster (VZV) duy nhất. Vì vậy bệnh thủy đậu lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa người lành với người bệnh thông qua tiếp xúc với các nốt ban ngứa, các nốt phỏng nước ở da nước bọt dịch tiết mũi họng, hay do hít phải không khí có dịch tiết mũi họng của người bệnh. Nếu mẹ bị bệnh có thể lây truyền sang thai nhi qua rau thai và gây nên những dị tật bẩm sinh như teo chi, dị tật ở mắt, ở hệ thần kinh trung ương... Bệnh nhân thủy đậu có thể lây bệnh cho người lành trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày trước khi phát ban cho đến khi các nốt phỏng nước khô vẩy.

Biểu hiện của bệnh

Nhiễm thủy đậu tiến triển qua 2 thời kỳ: Thời kỳ ủ bệnh thay đổi từ 10-21 ngày, thường gặp từ 14-17 ngày, thời kỳ này bệnh nhân không có biểu hiện gì; Thời kỳ phát bệnh xuất hiện các triệu chứng: khó chịu, nổi ban, sốt nhẹ. Ở những bệnh nhân có khả năng miễn dịch bệnh thường biểu hiện lành tính với các triệu chứng: mệt mỏi sốt 37,8-39,4oC trong 3-5 ngày, tổn thương ở da gồm: dát sẩn, bọng nước và vảy ở các giai đoạn khác nhau. Tổn thương tiến triển ban đầu là dạng dát sẩn, rồi trở thành bọng nước từ vài giờ đến vài ngày, xuất hiện ở mặt rồi nhanh chóng lan khắp cơ thể. Ban đỏ, có đáy màu đỏ đường kính 5-10mm, đám nọ nối kế tiếp đám kia sau 2-4 ngày. Nhiều khi tổn thương ở cả niêm mạc vùng hầu họng và ở âm đạo. Tùy theo sức đề kháng của bệnh nhân mà biểu hiện bệnh nặng nhẹ khác nhau: có người rất ít tổn thương, nhưng người khác lại có đến 2.000 tổn thương. Bọng nước ít thấy ở trẻ em nhưng lại có nhiều ở người lớn. So với bệnh nhân đầu tiên, các ca bệnh thứ nhì và thứ ba trong gia đình hay nhóm trẻ xuất hiện nhiều bọng nước hơn. Các nốt phỏng nước vỡ ra, khô lại thành vảy và bong vảy sau 5-10 ngày, các vảy này không để lại sẹo.

Biến chứng cần chú ý

Thủy đậu là một bệnh nhẹ, lành tính thường tiến triến khoảng 10-15 ngày rồi tự khỏi. Tuy nhiên nếu cơ thể suy yếu hay do chăm sóc kém vẫn có một số biến chứng:

- Bội nhiễm thứ phát ở da do Streptococcus pyogenes hay Staphylococcus aureus, do da bị trầy xước.

- Tổn thương thần kinh trung ương: hội chứng mất điều vận tiểu não cấp tính và kích thích màng não thường xuất hiện trong khoảng 21 ngày sau khi khởi phát ban.

- Viêm màng não vô khuẩn, viêm não, viêm tủy cắt ngang, hội chứng Guiillain-Barré và hội chứng Reye.

- viêm phổi do virut thủy đậu là biến chứng nguy hiểm nhất, thường gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em. Bệnh khởi phát trong vòng 3-5 ngày với các biểu hiện: thở nhanh khó thở ho và sốt, tím tái đau ngực kiểu màng phổi và ho ra máu Xquang thấy các thâm nhiễm dạng nốt và viêm phổi kẽ Bệnh viêm phổi giảm dần cùng với sự cải thiện tình trạng ban ở da nhưng bệnh nhân có thể sốt kéo dài và suy giảm chức năng phổi trong vài tuần.

- Các biến chứng khác như viêm cơ tim tổn thương giác mạc viêm thận viêm khớp chảy máu nội tạng viêm cầu thận cấp và viêm gan cũng có thể gặp.

Cách chữa trị khi bị thủy đậu

Bệnh thủy đậu thường diễn biến nhẹ và tự khỏi nên có thể điều trị tại nhà và chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bệnh nhân nên được nằm trong phòng riêng, thoáng khí. Dùng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh mũi họng cho bệnh nhân. Tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm kín. Cần phải cắt móng tay cho trẻ nhỏ, có thể dùng bao tay vải để trẻ khỏi gãi trầy xước các nốt phỏng làm nhiễm khuẩn da. Có thể dùng dung dịch xanh methylen chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ, cho trẻ dùng các thuốc an thần thuốc hạ nhiệt giảm đau

Người lớn có khả năng miễn dịch bình thường, cần chú ý phòng chống các biến chứng. Chống ngứa bằng cách băng ướt tại chỗ hoặc dùng thuốc chống ngứa. Có thể dùng thuốc uống: acyclovir 800mg, người lớn 5 lần/ngày, liên tục từ 5-7 ngày; trẻ em dưới 12 tuổi dùng liều 20mg/kg mỗi 6 giờ có kết quả tốt; người suy giảm miễn dịch dùng acyclovir tiêm tĩnh mạch để làm giảm biến chứng nội tạng. Ngoài ra những bệnh nhân bị viêm phổi do thủy đậu cần phải hút dịch tiết phế quản và thông khí hỗ trợ.

 

Phòng bệnh hiệu quả bằng cách nào?

Có thể dùng các phương pháp phòng bệnh như sau: phát hiện bệnh sớm cách ly bệnh nhân để tránh lây lan cho cộng đồng, thời gian cách ly từ lúc bắt đầu phát ban cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn; Cho bệnh nhân sử dụng đồ dùng riêng như khăn mặt, chăn, gối, màn, bát đũa, cốc chén...; Dùng khẩu trang khi tiếp xúc chăm sóc bệnh nhân. Riêng phụ nữ đang mang thai nên tuyệt đối tránh tiếp xúc với bệnh nhân. Tiêm chủng vaccin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật