Vạch mặt những “kẻ thù” khiến cơ thể bạn luôn mệt mỏi

Thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân, hay đôi khi chỉ là những sở thích lại có tác động lớn đến sức khỏe và các trạng thái của cơ thể.

Tình trạng mệt mỏi không rõ nguyên nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống và là một trong những vấn đề sức khỏe làm giảm sút chất lượng sống, ảnh hưởng hiệu quả công việc. Song không phải ai cũng biết rằng thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân, hay đôi khi chỉ là những sở thích lại có tác động lớn đến sức khỏe và các trạng thái của cơ thể.

Thiếu ngủ - nguyên nhân hàng đầu gây mỏi mệt

Thiếu ngủ không chỉ gây hao hụt năng lượng trong cơ thể mà còn khiến sức khỏe hệ thần kinh bị ảnh hưởng đáng kể giấc ngủ ban đêm có vai trò quan trọng, giúp não bộ và cơ thể nghỉ ngơi lấy lại năng lượng cho một ngày làm việc mới. Đặc biệt khi ngủ, cơ thể tiết ra hormon tăng trưởng giúp cơ thể phát triển. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ nhanh chóng khiến cho cơ thể suy nhược, hệ thần kinh mệt mỏi, uể oải và giảm sút đáng kể chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc.

Bỏ qua việc tập luyện đều đặn hàng ngày

Duy trì chế độ tập luyện thể chất hàng ngày rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu chỉ vì lý do hôm nay hơi mệt mỏi mà bạn bỏ qua việc tập luyện, đó sẽ là một sai lầm. Chế độ tập luyện đều đặn, thường xuyên sẽ có lợi cho hệ tim mạch, giúp lượng oxy và dinh dưỡng vận chuyển đến các tế bào trong cơ thể và tế bào thần kinh được tăng cường và điều đó sẽ giúp đẩy lùi mệt mỏi.

Không uống đủ nước

Quá trình khử nước trong cơ thể diễn ra thường xuyên và khiến cơ thể bị mất đi khoảng 2% lượng chất lỏng. Điều này sẽ khiến cho năng lượng trong cơ thể bị tiêu hao. Theo nghiên cứu của Viện y học thể thao Helth Ben Hogan, Texas, Mỹ: quá trình khử nước gây ra sự sụt giảm dung tích máu trong cơ thể, khiến cho nồng độ máu trở nên đậm đặc hơn. Khi đó đòi hỏi tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, kèm theo đó là tốc độ oxy và dinh dưỡng được đưa đến các cơ quan và tế bào cũng bị chậm đi. Nếu không bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, thì sẽ càng khiến cho cơ thể thêm mệt mỏi.

Không hấp thụ đủ lượng sắt

Những biểu hiện của việc thiếu hụt chất sắt trong cơ thể đó là bạn cảm thấy uể oải, lờ đờ, những cảm giác khó chịu, mệt và không thể tập trung. Ngoài ra, theo tiến sỹ Goodson – Viện y học thể thao Helth Ben Hogan, Texas: thiếu sắt còn dẫn tới tình trạng mỏi mệt cho cơ thể bởi lượng oxy vận chuyển đến các cơ và các tế bào không được đảm bảo. Những triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất nếu chế độ ăn đảm bảo có chứa các loại thực phẩm giàu chất sắt như trứng rau xanh các loại hạt kèm theo thực phẩm giàu vitamin C bởi vitamin C giúp cải thiện khả năng hấp thụ sắt.

Quá cầu toàn

Việc bạn cố gắng làm cho mọi việc thật hoàn hảo khiến bạn phải cố gắng nhiều hơn, bỏ ra nhiều thời gian và sức lực hơn mức cần thiết. Theo tiến sỹ Irene S. Levine – chuyên khoa thần kinh Đại học New York – Mỹ: Những người quá cầu toàn thường bị rơi vào một trạng thái, đó là họ thấy thật khó để thành công, và rốt cuộc thường bị rơi vào cảm giác thất vọng, không thể thỏa mãn khiến họ luôn mệt mỏi và cáu gắt. Ngoài ra, việc mất nhiều thời gian để làm việc trong khi điều đó không thực sự mang lại sự cải thiện đáng kể cũng khiến cho cơ thể mệt mỏi thường xuyên.

Bỏ qua bữa sáng

Mỗi bữa ăn đều có nhiệm vụ là cung cấp năng lượng cho cơ thể, kể cả khi bạn ngủ, cơ thể vẫn tiếp tục hấp thụ bữa tối để lấy năng lượng cho quá trình hô hấp tim co bóp để bơm máu và cung cấp oxy đi khắp cơ thể. Bởi vậy khi bạn tỉnh dậy vào buổi sáng, cơ thể sẽ đói và tiếp tục cần được bổ sung năng lượng bằng bữa ăn sáng Nếu bỏ qua bữa sáng, chắc chắn cơ thể không thể tránh được cảm giác uể oải, mỏi mệt. Bữa sáng tốt nhất là bữa sáng với các loại thực phẩm như ngũ cốc đạm có thể cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể.

Lạm dụng các thực phẩm ngọt

Ăn nhiều đồ ăn có chứa đường và chất bột đường sẽ làm tăng lượng đường trong máu khiến cho cơ thể phải sản sinh thêm lượng insulin để chuyển hóa lượng đường dư thừa. Đồng thời lượng đường trong máu cao sẽ khiến các tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh dễ bị mắc các viêm nhiễm hơn, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dễ gây ra tình trạng mệt mỏi.

Làm việc ở nơi nhiều tiếng ồn

Tiếng ồn không chỉ gây ra sự khó chịu mà còn hạn chế khả năng tập trung của não bộ, làm giảm khả năng xử lý thông tin của não. Theo nghiên cứu của Trường đại học Princeton, Hoa Kỳ: Làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái bị động, và gây ra sự mệt mỏi cho hệ thần kinh do bị tác động bởi các âm thanh khác, vì vậy nếu có thể, hãy tìm nơi yên tĩnh để tập trung vào công việc và giảm stress cho bản thân.

Uống rượu và các chất kích thích trước khi đi ngủ

Uống rượu trước khi đi ngủ không hề khiến bạn dễ ngủ hơn, mà còn gây ức chế hệ thần kinh khiến giấc ngủ không tự nhiên. Đó cũng là lý do vì sao người uống rượu trước khi đi ngủ thường bị tỉnh giấc giữa đêm, và thường bị rơi vào trạng thái mỏi mệt đau đầu sau khi ngủ dậy.

Bắt đầu buổi sáng với một cốc trà hay cà phê có thể mang lại sự tỉnh táo và sảng khoái cho cơ thể, song nếu sử dụng cà phê và trà vào buổi tối trước giờ ngủ có thể sẽ khiến cho đồng hồ sinh học bị chậm lại, cảm giác tỉnh táo kéo dài hơn, và khó đi vào giấc ngủ hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho cơ thể mỏi mệt sau khi ngủ dậy.

Sử dụng thiết bị công nghệ trước giờ đi ngủ

Tiếp xúc với ánh sáng từ điện thoại thông minh, hay máy tính trước giờ đi ngủ sẽ khiến ảnh hưởng tới nhịp sinh học của cơ thể bởi những ánh sáng từ thiết bị công nghệ ức chế sản sinh ra melatonin – loại hormon giúp tạo ra trạng thái buồn ngủ và thức giấc tự nhiên của con người.

Ngủ dậy muộn vào cuối tuần

Thói quen ngủ nướng vào ngày nghỉ cuối tuần là một trong những thói quen xấu của không ít người. Song ngủ thêm 20 phút hay một vài giờ vào buổi sáng ngày nghỉ không làm cơ thể cảm thấy khỏe khoắn hơn bởi thời gian ngủ thêm đó không giúp bạn phục hồi năng lượng của cơ thể mà chỉ khiến đầu óc mụ mị và cơ thể mệt mỏi hơn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật