Bạo hành phụ nữ và những tư vấn cần thiết phải biết

Trong thời gian qua, vấn đề phụ nữ bị bạo hành đã và đang xảy ra tại xã hội chúng ta đang sống với mức độ đáng báo động; vì vậy toàn xã hội cần phải quan tâm đến vấn đề này để có biện pháp ngăn chặn.

Thực tế trong một xã hội văn minh, việc bạo hành đối với phụ nữ là vi phạm nghiêm trọng về những quyền của con người cơ bản nhất và mang màu sắc bất bình đẳng giới một cách rõ rệt. Đây cũng là nguyên nhân làm suy giảm tình trạng sức khỏe của người phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, thậm chí có một số trường hợp việc bạo hành dẫn đến thảm trạng phụ nữ bị tử vong

Do đó cần nhận diện rõ các biểu hiện của hành động bạo hành, hậu quả để lại của việc bạo hành đối với sức khỏe của người phụ nữ, xác định một số giả thuyết về nguyên nhân gây nên và vai trò của ngành y tế đối với vấn đề bạo hành phụ nữ; đồng thời phải thực hiện việc tư vấn những nội dung cần thiết cho người phụ nữ bị bạo hành để chủ động ngăn chặn có hiệu quả hành vi này.

Nhận diện các biểu hiện hành vi bạo hành phụ nữ

Hành vi bạo hành đối với phụ nữ có nhiều dạng khác nhau từ tâm lý, thể chất, sinh sản và tình dục cho đến kinh tế. Bạo hành tâm lý là hạnh động lấn át ý kiến, mắng chửi, xúc phạm nhân phẩm, bôi nhọ danh dự và uy tín, lăng nhục, cô lập, đe dọa, bỏ rơi, hành hạ con cái nhất là con riêng của vợ nhằm mục đích làm cho người phụ nữ đau khổ.

Bạo hành thể chất là hành động tạt tai, túm tóc đánh, đấm, đá, bóp cổ, giam hãm hay bỏ nhốt, tạt axít, dùng các loại hung khí... để gây thương tích cho người phụ nữ, thậm chí có thể gây chết người. Bạo hành về sinh sản và tình dục là hành động ngược đãi người phụ nữ trong khi mang thai cưỡng bức tình dục không cho sử dụng biện pháp tránh thai ép buộc người vợ phải sinh bằng được con trai, xúi dục vợ đi vào con đường hành nghề mại dâm hay dùng mỹ nhân kế vì mục đích tư lợi. Bạo hành về kinh tế là hành động không cho người vợ kiếm việc làm, buộc vợ phải lệ thuộc về kinh tế, chiếm đoạt tiền và tài sản riêng của người vợ. Vì vậy trên thực tế cần phải nhận diện rõ các hành động bạo lực cụ thể xảy ra để xác định những hành vi bạo hành đối với người phụ nữ.

Bạo hành phụ nữ cần được loại bỏ với sự tư vấn cần thiết cho phụ nữ để ngăn chặn

Bạo hành phụ nữ cần được loại bỏ với sự tư vấn cần thiết cho phụ nữ để ngăn chặn

Hậu của của hành vi bạo hành đối với sức khỏe phụ nữ

Các hành vi bạo hành đối với người phụ nữ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe kể cả tính mạng của họ. Các hậu quả thường gặp gồm: Về tử vong, người phụ nữ có thể bị chết do hành động giết người, không chịu đựng nổi sự bạo hành dẫn đến hành vi tự tử gây tử vong cho người mẹ khi mang thai Về thể chất, người phụ nữ có thể bị thương tật, tình trạng sức khỏe yếu đi, xuất hiện các bệnh mạn tính bị tàn tật vĩnh viễn; có những hành vi sức khỏe tiêu cực như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu chất ma túy

Về sức khỏe sinh sản, người phụ nữ có thể mắc các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản hay bệnh lây truyền qua đường tình dục nhiễm HIV mang thai không mong muốn phá thai không an toàn, biến chứng do phá thai, bị sẩy thai rối loạn kinh nguyệt rối loạn chức năng tình dục đẻ ra trẻ sơ sinh thiếu tháng hay nhẹ cân... Về sức khỏe tinh thần người phụ nữ có thể bị stress sau chấn thương trầm cảm lo âu có trạng thái hoảng loạn; bị rối loạn ăn uống rối loạn tiêu hóa

Ngoài ra còn dẫn đến những hậu quả khác như: Về kinh tế xã hội sẽ gây nên sự tốn kém cho ngân sách y tế - xã hội của quốc gia, ảnh hưởng đến khả năng thu nhập của gia đình do phải bỏ ra chi phí chữa trị những thương tích, giảm khả năng lao động, con cái không được chăm sóc chu đáo, cản trở cơ hội được học hành và có được việc làm của người phụ nữ. Đối với trẻ em sống ở trong những gia đình mà thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha mẹ xung đột thì sau này sẽ có nhiều khả năng trở thành những kẻ vũ phu, lặp lại những hành vi như cha mẹ hoặc có những hành vi khác thường như lo sợ trầm cảm stress sau chấn thương; trẻ em cũng có nguy cơ bị tử vong do các hành vi bạo hành từ cha mẹ.

Người phụ nữ bị bạo hành sẽ tiếp cận với rượu bia ma túy để tự xoa dịu đi nỗi đau khổ khi có những vấn đề bức xúc, gây hoảng loạn nhằm giúp học đối phó với những ý nghĩ dằn dặt, những ký ức liên quan đến sự cố gây chấn thương; rượu bia và ma túy mà người phụ nữ bị bạo hành sử dụng thực tế có thể là một giải pháp tức thời, có hiệu quả nhanh chóng nhưng lại có khả năng dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn về sau và mất khả năng kiểm soát bản thân.

Nội dung cần tư vấn cho người phụ nữ bị bạo hành

Mục đích cần tư vấn cho người phụ nữ bị bạo hành là xác định mức độ an toàn đối với người phụ nữ và con cái của họ, thảo luận kế hoạch bảo đảm an toàn; xác định các nguy cơ có liên quan đến sức khỏe sinh sản sức khỏe tình dục và giúp người phụ nữ phòng ngừa các nguy cơ này; giúp người phụ nữ nhận biết được họ đang là nạn nhân của việc bạo hành và biết được hành vi bạo hành là hành vi không thể chấp nhận được; giúp người phụ nữ chia sẻ, giải tỏa cảm xúc, động viên, an ủi, giúp họ tự tin và có thể tự ra quyết định; đồng thời cung cấp cho người phụ nữ các địa chỉ cần được hỗ trợ ở trong và ngoài hệ thống y tế, giúp họ liên hệ với các cơ quan hỗ trợ nếu cần.

Các bước tư vấn phải tuân thủ những nguyên tắc, kỹ năng và quy định tư vấn sức khỏe sinh sản. Cần chú trọng các nội dung cụ thể có liên quan đến bạo hành người phụ nữ trong từng bước tư vấn bao gồm: Gặp gỡ và nói chuyện với người phụ nữ việc họ cho nhân viên y tế biết mình đang bị bạo hành là một việc rất tốt vì điều đó sẽ giúp nhân viên y tế hỗ trợ cho họ có hiệu quả hơn, phải nói rõ với người phụ nữ là sự tư vấn có thể không làm giảm hành vi bạo hành ngay được nhưng sẽ giúp họ giảm thiểu những nguy có liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giúp bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình và con cái của họ; đặc biệt qua sự tư vấn, nhân viên y tế có thể giúp người phụ nữ kết nối đến các sự hỗ trợ trong và ngoài ngành y tế khác khi việc hỗ trợ nằm ngoài khả năng của cơ sở; đồng thời khẳng định với họ về tính bí mật thông tin của sự tư vấn cũng như quyền của người phụ nữ không phải trả lời tất cả các câu hỏi, họ có thể dừng cuộc tư vấn nếu muốn.

Gợi hỏi về tiền sử của người phụ nữ như tên, tuổi, hoàn cảnh gia đình, mức độ bị bạo hành, hình thức bị bạo hành...; cần tìm hiểu hiện trạng bị bạo hành của họ ở tất cả các khía cạnh khác nhau như thể xác, tinh thần, tình dục và kinh tế; đánh giá nguy cơ bị mang thai ngoài ý muốn và mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả nhiễm HIV; tìm hiểu nguy cơ về an toàn tính mạng của bản thân họ và con cái sau đợt thăm khám; tìm hiểu nguy cơ họ bị gây khó khăn trong việc thực hiện chăm sóc và điều trị trong lần thăm khám này. Giới thiệu với người phụ nữ tùy theo từng trường hợp cụ thể để cung cấp những thông tin có thể khác nhau.

Các thông tin cơ bản cần cung cấp là khái niệm về bạo hành, thái độ với bạo hành và quyền của người phụ nữ; nguy cơ về bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm HIV, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn; các nguy cơ khác về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục do bạo hành gây ra; thông tin về các biện pháp tình dục an toàn, các cách thức giúp bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân họ và con cái; thông tin về các địa chỉ hỗ trợ cần thiết.

Giúp đỡ và cùng người phụ nữ lập kế hoạch cụ thể cho từng vấn đề như an toàn tình dục, an toàn của bản thân người phụ nữ và con cái của họ trong những trường hợp nguy cấp, chăm sóc các vấn đề liên quan đến nội dung chung và cụ thể là sức khỏe sinh sản sức khỏe tình dục do hành vi bạo hành gây ra, giảm thiểu những nguy cơ bị bạo hành; cần thảo luận chi tiết với người phụ nữ về các việc cần làm trong từng kế hoạch, từng thời gian thực hiện, phương pháp và phương tiện. Phải giải thích, tìm hiểu các khó khăn có thể gặp phải khi thực hiện các kế hoạch đã nêu ở trên; cung cấp các thông tin cần thiết như thông tin về cá nhân và tổ chức có thể hỗ trợ người phụ nữ, thông tin về nơi mua hoặc nhận bao cao su miễn phí...; cung cấp các kỹ năng cần thiết như kỹ năng sử dụng bao cao su kỹ năng thương thuyết, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng thư giãn...; giúp người phụ nữ kết nối với các cá nhân và đơn vị hỗ trợ trong và ngoài cơ sở y tế. Hẹn người phụ nữ thời gian gặp lại, nói họ có thể liên hệ bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết; cho người phụ nữ địa chỉ và số điện thoại liên hệ trong các trường hợp khẩn cấp.

Các vấn đề nên làm và nên tránh khi tư vấn cho người phụ nữ bị bạo hành

Vấn đề nên làm khi tư vấn: phải bảo đảm tính riêng tư, kín đáo, tận dụng mọi thời điểm mà nhân viên y tế tư vấn có thể tiếp xúc riêng với người phụ nữ như tại phòng khám khi đưa họ đi làm các xét nghiệm... Cần lắng nghe một cách tích cực để làm cho người phụ nữ cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng thổ lộ những vấn đề cần thiết. Giúp người phụ nữ mạnh mẽ hơn bằng cách luôn khen ngợi và cho họ biết có nhiều người cũng gặp những hoàn cảnh như vậy, lưu ý tìm các điểm người phụ nữ thực hiện tốt và khen ngợi họ để động viên. Cung cấp các tài liệu tuyên truyền để người phụ nữ có thể tìm hiểu thêm sau buổi tư vấn. Cần để người phụ nữ tự quyết định vấn đề, nhân viên y tế tư vấn chỉ đưa ra các lựa chọn chứ không quyết định thay cho họ. Cũng cần chuẩn bị sẵn khăn giấy sạch trong phòng tư vấn vì người phụ nữ có thể khóc trong khi tiếp xúc.

Vấn đề cần tránh khi tư vấn: không nên tư vấn cho người phụ nữ bị bạo hành khi có mặt người khác như người nhà, người bệnh khác trừ khi người phụ nữ yêu cầu vì việc này có thể gây nguy hiểm cho họ. Không nên phán xét người phụ nữ bị bạo hành, không để cho họ có cảm giác có lỗi và xấu hổ. Không nên quyết định thay cho người phụ nữ bị bạo hành nhưng cần giúp họ nghĩ ra các giải pháp phù hợp để tự quyết định vấn đề.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật