Phương pháp chữa trị bệnh u lympho ác tính hiệu quả

Phương pháp chữa trị

Bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị trên từng bệnh nhân cụ thể. Nói chung, điều trị u lympho ác tính không Hodgkin dựa vào giai đoạn bệnh, loại tế bào bị bệnh, thể bệnh phát triển chậm hay nhanh, tuổi và sức khỏe chung của bệnh nhân.

Hiện nay, hai vũ khí chính để điều trị u lympho ác tính không Hodgkin là hóa trị liệu (điều trị hóa chất) và xạ trị (điều trị tia xạ). Ngoài ra, điều trị sinh học có thể được áp dụng. Một số trường hợp với điều kiện cho phép có thể ghép tủy. Một số ít trường hợp có thể cần phẫu thuật.

Điều trị hóa chất: Là phương pháp sử dụng các thuốc đưa vào cơ thể nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư Điều trị hóa chất trong u lympho ác tính không Hodgkin thường phối hợp nhiều loại thuốc. Bệnh nhân có thể được điều trị hóa chất đơn thuần hoặc phối hợp với tia xạ tùy từng trường hợp cụ thể.

Khi điều trị hóa chất thuốc được cho theo từng đợt. Mỗi đợt điều trị gồm một số ngày dùng thuốc hóa chất, sau đó là thời gian nghỉ để cơ thể hồi phục. Đợt tiếp theo sẽ lặp lại với các ngày dùng thuốc và ngày nghỉ như vậy. Hầu hết các thuốc chống ung thư được đóng trong lọ hoặc ống. Khi dùng, người ta pha thuốc với các dung dịch tiêm truyền và đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch Một số thuốc được bào chế dạng viên để dùng đường uống. Cách điều trị hóa chất như vậy gọi là điều trị toàn thân hay điều trị hệ thống, thuốc sẽ theo dòng máu đi khắp cơ thể. Khi điều trị hóa chất, bệnh nhân thường ở ngoại trú. Bệnh nhân có thể nghỉ ở nhà, chỉ đến bệnh viện khi làm xét nghiệm, bác sĩ khám lại và đánh giá điều trị và lúc dùng thuốc dạng tiêm truyền. Một số trường hợp, tùy theo loại thuốc và phác đồ hóa chất, tùy theo sức khỏe chung, có thể bệnh nhân phải lưu lại trong bệnh viện thêm một vài ngày.

Cách theo dõi bệnh

Những người mắc u lympho ác tính không Hodgkin nên đi khám, theo dõi định kỳ sau khi điều trị 3-6 tháng 1 lần. Theo dõi là một phần quan trọng của toàn bộ việc điều trị nhằm phát hiện bất kỳ thay đổi về sức khỏe, ung thư mới hoặc bệnh cũ tái phát để điều trị càng sớm càng tốt. Giữa các lần hẹn khám định kỳ, bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin nên báo cho thầy thuốc chuyên khoa hoặc đi khám ngay khi có các bất thường về sức khỏe.

Điều trị tia:

Là phương pháp sử dụng các tia có năng lượng cao để diệt tế bào ung thư Các tia được ứng dụng cho điều trị ung thư có thể là tia X, các tia phóng xạ. Với u lympho ác tính không Hodgkin, điều trị tia xạ là từ bên ngoài. Tia có năng lượng cao được phát ra từ một máy chiếu trực tiếp lên khu vực bị bệnh. Đây là điều trị tại chỗ, tác dụng lên hạch, u ở vùng được chiếu. Gần đây ở Việt Nam đã có tia xạ bằng máy gia tốc là công nghệ cao, tăng hiệu quả của điều trị lên đáng kể. Bệnh nhân có thể được điều trị tia xạ đơn thuần hoặc kết hợp với điều trị hóa chất tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Đôi khi có một số trường hợp cần phải điều trị dự phòng vào thần kinh trung ương để diệt các tế bào không thể phát hiện được có thể đã có ở khu vực này. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc hóa chất vào dịch não tủy hoặc tia xạ hệ thần kinh trung ương hoặc cả hai phương pháp.

Ghép tủy, ghép tế bào gốc: Là một phương pháp điều trị cho các bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin tái phát (bệnh quay trở lại). Cả ghép tủy và ghép tế bào gốc ngoại vi hoặc ở dây rốn (nhau thai) là các tế bào rất non, có thể sản sinh ra các tế bào máu.

Quá trình ghép sẽ thay thế các tế bào máu bị tổn hại hoặc bị tiêu diệt sau khi điều trị hóa chất liều cao hoặc tia xạ toàn thân. Tủy xương tế bào gốc có thể lấy từ chính bệnh nhân hoặc từ người khác, được ghép cho bệnh nhân.

Điều trị sinh học: Là phương pháp sử dụng hệ miễn dịch của cơ thể để diệt tế bào ung thư hoặc làm giảm các tác dụng phụ của điều trị. Người ta dùng các chất do cơ thể sinh ra hoặc được bào chế để trực tiếp chống u hoặc kích thích, tăng cường hoặc làm hồi phục hệ miễn dịch tự nhiên của bệnh nhân để chống lại bệnh.

Phẫu thuật: Với u lympho ác tính không Hodgkin, phẫu thuật chủ yếu để lấy hạch chẩn đoán và thường là phẫu thuật nhỏ (tiểu phẫu). Chỉ một số ít trường hợp có u, hạch ở vị trí đặc biệt (ống tiêu hóa), phẫu thuật mới đóng vai trò điều trị.

Chuẩn bị cho điều trị: Khi được chẩn đoán ung thư bệnh nhân thường bị căng thẳng lo lắng. Trạng thái tinh thần như vậy làm cho bệnh nhân khó có thể nghĩ được mọi điều mà họ cần hỏi bác sĩ. Thường bệnh nhân nên viết sẵn ra một danh sách các câu hỏi và khi hỏi nên ghi lại những điều bác sĩ trả lời và dặn dò. Bệnh nhân không cần phải hỏi hết các câu hỏi và nhớ hết các giải đáp trong một lần mà có thể hỏi vào các dịp khác để có thêm thông tin.

Dinh dưỡng trong thời gian điều trị: Ăn uống tốt trong thời gian điều trị sẽ giúp có đủ năng lượng và đạm cần thiết ngăn ngừa hiện tượng sút cân và hồi phục sức khỏe Khi dinh dưỡng tốt thì bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh và dễ chịu hơn, có sức lực hơn.

Nhiều bệnh nhân ung thư khó có thể đảm bảo được ăn uống tốt và cân bằng với đầy đủ các chất do ăn không ngon miệng. Thêm vào đó, tác dụng phụ của điều trị như buồn nôn nôn đau miệng cũng làm ăn uống kém đi. Thông thường, bệnh nhân có cảm giác mùi vị của thức ăn thay đổi. Do tâm lý, bệnh nhân đang điều trị ung thư cũng không thể ăn ngon miệng khi họ mệt mỏi cơ thể không thoải mái.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu bệnh nhân ăn uống tốt sẽ chịu đựng được các tác dụng phụ của điều trị tốt hơn và có các chất để giúp hồi phục da tóc cơ và các cơ quan bị tổn hại trong điều trị.

Nhiều bệnh nhân thấy ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày thì dễ ăn hơn ăn 3 bữa lớn mỗi ngày. Bệnh nhân và gia đình có thể hỏi thêm bác sĩ, y tá để có lời khuyên về cách ăn uống đủ chất trong thời gian điều trị.

Lui bệnh và tiên lượng

Bất kỳ ai khi mắc ung thư đều lo đến tương lai ra sao. Hiểu về bản chất của bệnh và diễn biến tiếp theo ra sao sẽ giúp bệnh nhân và những người thân lập các kế hoạch, thay đổi cách sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và có quyết định hợp lý về tiền bạc, tài sản.

Tiên lượng cho bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khoảng trên 50% số người bệnh này là có tiên lượng tốt, có khả năng chữa khỏi bệnh. Bác sĩ điều trị là người nắm rõ tình trạng bệnh của bệnh nhân, có thể giúp bệnh nhân và gia đình hiểu về cách thức và khả năng điều trị cũng như thảo luận với bệnh nhân về tiên lượng.

Mặc dù nhiều bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin được điều trị thành công, bác sĩ thường dùng từ “lui bệnh” hơn là “khỏi bệnh” bởi vì ung thư có thể quay trở lại (tức bệnh tái phát). Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về khả năng tái phát.

Giúp đỡ người bệnh

Sống chung với một căn bệnh trầm trọng không đơn giản. Người bị ung thư và người chăm sóc bệnh nhân ung thư phải đối mặt với nhiều vấn đề và thử thách. Bạn bè và họ hàng là những người có thể giúp đỡ nhiều, nhất là về tinh thần. Việc bệnh nhân trao đổi, nói chuyện với bệnh nhân ung thư khác cũng rất hữu ích. Bệnh nhân ung thư thường hợp với nhau thành các nhóm để họ có thể chia sẻ những gì họ học được và kinh nghiệm của bản thân khi đương đầu với bệnh tật và các tác dụng của điều trị.

Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ mỗi người một khác. Các phương pháp điều trị, các cách giải quyết bệnh tật có tác dụng đối với người này nhưng lại không hiệu quả ở người khác. Những người bệnh ung thư có thể lo lắng về gia đình việc làm, duy trì các hoạt động hàng ngày hoặc các quan hệ cá nhân. Trong khi điều trị họ có thể lo lắng về các xét nghiệm, các phương pháp điều trị, nằm viện, chi phí điều trị. Bác sĩ, y tá có thể trả lời các câu hỏi về điều trị, làm việc hoặc các hoạt động khác. Các nhà tâm lý, những người hoạt động xã hội có thể giúp ích cho những người muốn nói về những cảm xúc và thảo luận về những lo lắng của họ.       

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật