Phương pháp giúp điều trị sỏi đường tiết niệu hiệu quả

Có thể nói tán sỏi (ngoài cơ thể hoặc ngược dòng) đã tạo ra một cuộc cách mạng trong điều trị sỏi đường tiết niệu. Phương pháp này ít gây sang chấn, hạn chế tai biến, được áp dụng khá rộng rãi trong những năm gần đây nhằm làm tan, loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể mà không phải can thiệp phẫu thuật. Trong các phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay như: tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, mổ nội soi, tán sỏi qua da (hay tán sỏi ngoài cơ thể)..., tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được xem là một bước đột phá công nghệ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về kỹ thuật này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện E.

PV: Xin bác sĩ cho biết phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là gì?

ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn: Đây là phương pháp dùng tia laser để “bắn phá” làm vỡ sỏi thành những viên rất nhỏ, từ đó sỏi sẽ được lấy ra ngoài. Nhờ tính ưu việt đó mà tán sỏi laser qua nội soi ngược dòng đã dần thay thế một số phương pháp điều trị khác như mổ mở, mổ nội soi sau phúc mạc….

PV: Phương pháp này chỉ định cho những bệnh nhân nào, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn: Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được áp dụng điều trị đối với những bệnh nhân có sỏi niệu quản kích thước 0,6cm - 2cm sỏi niệu quản nhỏ hơn 0,5cm sẽ điều trị nội khoa 1 tuần không cải thiện lâm sàng, sỏi không di chuyển xuống vị trí thấp hơn, sỏi trên vị trí hẹp niệu quản, sỏi trên polyp sỏi niệu quản trên vị trí sa lồi niệu quản. Với ống nội soi bán cứng có thể tán nội soi ngược dòng những viên sỏi nằm ở vị trí niệu quản 1/3 trên đối với nữ giới dù vị trí gần sát bể thận, còn nam giới nên áp dụng với sỏi ở vị trí thấp hơn.

Một số trường hợp không áp dụng được kỹ thuật này như: bệnh nhân có hẹp niệu đạo ở nam giới, bệnh nhân hẹp niệu quản đoạn dài dưới sỏi, bệnh nhân có rối loạn đông máu Bệnh nhân nhiễm trùng tiết niệu nặng thận ứ nước độ III, IV là chống chỉ định tương đối.

PV: Quy trình của phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser thường diễn ra như thế nào thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn: Trước tiên, bệnh nhân được gây tê tủy sống hoặc gây mê, người bệnh nằm ở tư thế phụ khoa. Sau đó, các bác sĩ dùng ống nội soi niệu quản qua đường niệu đạo lên niệu quản đến sỏi rồi luồn dây dẫn tia laser sát sỏi (cách sỏi 1mm). Tùy theo độ cứng của sỏi mà các bác sĩ sẽ dùng tia laser cường độ tia lớn hay nhỏ bắn vào viên sỏi. Khi sỏi đã được tán vỡ nát sẽ theo nước tiểu xuống bàng quang và ra ngoài. Nếu mảnh sỏi nào lớn hơn 3mm thì bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để lấy bỏ. 

PV: Được xem là một bước ngoặt có tính đột phá trong điều trị sỏi thận, chắc hẳn kỹ thuật này có những ưu điểm vượt trội?

ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn: Phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser có thể tán được tất cả các loại sỏi, tán được những viên sỏi có kích thước lớn, không gây tổn thương niệu quản, thời gian tán sỏi trung bình chỉ 50 phút, thời gian nằm viện ngắn (trung bình là 2 ngày). Quan trọng hơn là do ít hoặc không làm thương tổn đường tiết niệu nên tránh được các biến chứng như nhiễm khuẩn chảy máu và ít gây đau đớn cho bệnh nhân.

Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phổ biến và hay tái phát. Bệnh này thường gặp ở người trẻ trong độ tuổi từ 30 đến 60. Tổng kết của Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam cho thấy tỷ lệ sỏi thận niệu quản chiếm 30 – 40% số bệnh nhân có bệnh lý về tiết niệu. Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ sỏi tiết niệu rất đa dạng, bao gồm sỏi thận sỏi niệu quản sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo trong đó sỏi thận và niệu quản chiếm khoảng 85% các trường hợp

PV: Bệnh viện E đã triển khai kỹ thuật này được bao lâu thưa bác sĩ?

ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn: bệnh viện E là một trong những đơn vị đầu tiên tại miền Bắc triển khai kỹ thuật này từ đầu năm 2011. Từ đó tới nay, chúng tôi đã tiến hành can thiệp nội soi ngược dòng sỏi niệu quản cho trên 2.000 trường hợp, đạt tỷ lệ thành công 98,6%. Trong đó, tỉ lệ lấy sỏi bằng rọ 27,6%, tán sỏi laser 56,2%, đẩy sỏi vào bể thận và kết hợp tán sỏi ngoài cơ thể là 16,2%, các biến chứng xảy ra là không đáng kể. Hiện kỹ thuật này vẫn là một trong những mũi nhọn trong điều trị bệnh nhân tại bệnh viện được mọi người hết sức tin tưởng.

PV: Người bệnh cần làm gì để sỏi tiết niệu không tái phát?

ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn: Để dự phòng sỏi tiết niệu nói chung cũng như tránh tái phát đối với những bệnh nhân tiền sử sỏi thận-tiết niệu được điều trị, biện pháp hàng đầu là chế độ ăn uống hợp lý. Đó là chế độ ăn giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalate canxi có nhiều trong các loại đậu đậu phộng bột cám, sô-cô-la, cà phê và trà đặc, một số loại rau quả như rau bina rau muống rau chân vịt, dâu tây…

Cũng nên hạn chế các loại thịt đỏ như thịt trâu bò, ngựa…, nên ăn nhạt vì những nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng oxalate trong nước tiểu. Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận như: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò.

Ăn uống điều độ thực phẩm chứa canxi như sữa pho mai: Mỗi ngày có thể dùng khoảng 3 ly sữa tươi hoặc một lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như: bơ, pho mai (khoảng 800 - 1.300mg canxi). Tuy nhiên, cũng không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi vì như thế sẽ gây mất cân bằng trong hấp thụ canxi khiến cơ thể hấp thu oxalate nhiều hơn từ ruột và sẽ tạo sỏi thận   Ngoài ra, kiêng cữ thực phẩm chứa canxi sẽ bị loãng xương

Nên ăn nhiều rau tươi: giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi thận Mỗi ngày nên uống từ 1,5 - 2 lít nước, đặc biệt tăng cường dùng nước bột sắn, nước đỗ đen, nước cam chanh, bưởi tươi, những loại thức uống này chứa nhiều citrate giúp chống tạo sỏi. Trường hợp bị sỏi thận tái phát nhiều lần, sau khi xét nghiệm kiểm tra có bằng chứng đa canxi niệu do tăng hấp thu canxi từ ruột thì cần kiêng canxi nhưng không phải kiêng hoàn toàn mà ăn khoảng 400mg/ngày, tương đương 1,5 ly sữa tươi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật