Mụn xuất hiện thành vầng, liệu có bị sởi hay không?

Nên theo dõi bé vì nốt ở miệng, phát ban có thể gặp ở một số bệnh lí phát ban khác do vi rút thông thường nhẹ hơn sởi gây nên.

Những ngày qua, khi bệnh sởi đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, Suckhoe.vn thường xuyên nhận được những câu hỏi của các bậc phụ huynh lo ngại con mình mắc sởi khi xuất hiện nhiều mụn thành vầng ở quanh cổ và ngực nhưng không bị sốt; bé được 1,5 tháng tuổi bị mọc nốt ở miệng, phát ban, không sốt, bú bình thường...

Để phân biệt rõ sốt phát ban và sởi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai lưu ý phụ huynh, 2 bệnh đều giống nhau ở thời điểm ủ bệnh. Giai đoạn này, sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp biếng ăn biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy

Sốt phát ban do nhóm siêu vi thông thường hầu hết đều là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý về chế độ dinh dưỡng và cách giữ gìn vệ sinh thân thể thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.

Riêng về bệnh sởi, BS. Nguyễn Thị Thúy - Chuyên khoa Nội - Bộ Y tế, tiếp tục đồng hành cùng Suckhoe.vn, giải đáp những thắc mắc liên quan biểu hiện, triệu chứng, cách phòng ngừa... giúp các mẹ yên tâm khi chăm sóc con cái. 

Câu hỏi 1: Con em 14 tháng tuổi, tự dưng hôm nay lại xuất hiện nhiều mụn thành vầng ở quanh cổ và ngực, không bị sốt. Có phải cháu bị sởi không ạ?

Biểu hiện của bệnh sởi ban đầu có các triệu chứng giống như cảm cúm: chảy nước mũi nước mắt hắt hơi sổ mũi mi mắt sưng phồng, mắt đỏ và quá nhạy cảm với ánh sáng. Sốt cao, có thể lên tới 40 độ. Trẻ mệt mỏi. Ho khan.

Sau đó xuất hiện nội ban (hạt Koplik): các hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, quanh có viền đỏ ở trong miệng. Trẻ chán ăn Các vết ban sẽ xuất hiện khoảng 2-4 ngày sau khi có các triệu chứng đầu tiên và tồn tại trong khoảng 1 tuần.

Ban sởi là những ban dạng dát, sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Những ban này mọc theo thứ tự, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai, lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng 1 tuần sau, những ban này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước. Ban bay đi để lại vết lằn như da hổ. Khi ban lan đến chân thì cơn sốt cũng giảm nếu không có biến chứng.

Em không nói rõ con em đã tiêm phòng sởi chưa, vì cháu đã 14 tháng tuổi, theo lịch tiêm chủng cháu đã phải được tiêm phòng sởi mũi 1 lúc 9 tháng tuổi, và khi cháu 18 tháng cháu sẽ được nhắc lại sởi mũi 2. Nếu cháu được tiêm 1 mũi sởi, hiệu quả miễn dịch khoảng 80-90%.

Biểu hiện mụn như mô tả của em thì không nghĩ đến bệnh sởi có thể là do cháu bị dị ứng với đồ dùng của cháu hoặc các bệnh khác như rôm sảy… Tuy nhiên, em vẫn nên theo dõi nếu nốt mụn đó lan nhanh. Cháu có sốt thì nên đưa cháu đi khám chuyên khoa nhi.

Câu hỏi 2: Chào bác sĩ, bé nhà tôi được 1,5 tháng tuổi. Hiện cháu có biểu hiện như mọc nốt ở miệng, phát ban, không sốt và vẫn bú bình thường. Vậy xin hỏi giờ tôi phải làm gì ạ?

Bé nhà bạn được 1,5 tháng tuổi, không sốt bú bình thường thì không nghĩ nhiều đến bé bị bệnh sởi Tuy nhiên, bạn vẫn nên theo dõi bé vì các nốt ở miệng, phát ban có thể gặp ở một số bệnh lí phát ban khác do vi-rút thông thường nhẹ hơn. Ví dụ như bệnh rubella ban không có trình tự, ít khi có viêm đau hô hấp hay nhiễm vi-rút đường ruột (ban không có trình tự, thường nốt phỏng hay kèm rối loạn tiêu hóa), hoặc một số tình trạng ban khác như ban dị ứng thường kèm theo ngứa, ban sẩn mạnh và thường có nguyên nhân gây dị ứng Nếu bệnh nặng nên thì đưa bé đi khám chuyên khoa nhi ngay.

Cách phòng bệnh tốt nhất cho bé hiện nay là giữ bé trong môi trường sạch sẽ, tránh tiếp xúc nhiều người, cho trẻ bú mẹ đầy đủ và mẹ nên có chế độ ăn uống để có đủ sữa cho bé, vì trong sữa mẹkháng thể phòng bệnh cho bé tới 6-9 tháng, vệ sinh mũi họng sạch sẽ cho bé. Người lớn khi về đến nhà, cần rửa tay, thay quần áo trước khi tiếp xúc với bé. Nếu bạn lúc nhỏ tiêm phòng sởi đủ thì bé của bạn rất khó bị sởi trước 9 tháng tuổi. 

Câu hỏi 3: Con tôi 17 tháng tuổi, đã tiêm vắc-xin sởi lần 1, nhưng hiện nay thấy cháu bị sốt nhẹ 2 ngày rồi, kèm theo đi ngoài phân lỏng, trong người có nổi mẩn đỏ như rôm sảy (nổi nhiều ở lưng, trên đầu), ăn ít hơn, thỉnh thoảng có ho (do trước đây cháu có bị ho kéo dài nhưng chưa dứt hẳn). Xin hỏi bác sĩ, như vậy cháu có bị bệnh sởi không? Và ho có đờm, tôi đã dùng nhiều loại thuốc kháng sinh, siro ho pecton, ích nhi... nhưng cháu chỉ đỡ ho mà không khỏi hẳn. Xin bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ nhiều.

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp lây lan nhanh, thường gặp ở trẻ em Bệnh biểu hiện bằng tình trạng viêm long ở kết mạc mắt niêm mạc đường hô hấp đường tiêu hóa và phát ban đặc hiệu ngoài da.

Mọi trẻ chưa có miễn dịch với sởi đều có thể nhiễm vi-rút sởi, song lứa tuổi mắc nhiều nhất là 2-6 tuổi. Suy dinh dưỡng làm trẻ dễ mắc sởi, nhưng rồi bệnh sởi lại là thủ phạm gây suy dinh dưỡng hoặc làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng thêm.

Vi-rút sởi có thể theo nước bọt người bệnh bắn ra ngoài truyền trực tiếp cho người khác mỗi khi ho hắt hơi nói chuyện; hoặc theo những giọt nhỏ li ti lơ lửng trong không khí, sau đó xâm nhập niêm mạc đường hô hấp trẻ khác. Bệnh có thể gặp ở mọi nơi và thường gặp vào mùa Đông Xuân. Ở thể thường, bệnh lành tính.

- Thời kỳ ủ bệnh trung bình 10-12 ngày, có khi ngắn hơn (7 ngày), có khi dài hơn (20 ngày), thường không có biểu hiện gì. Trong một số trường hợp sau khi tiếp xúc với trẻ ốm, trẻ có sốt nhẹ trong 5-6 ngày rồi khỏi, và 3-4 ngày sau mới sốt cao và chảy nước mắt nước mũi, hoặc tiêu chảy trớ.

- Thời kỳ khởi phát kéo dài 4-5 ngày. Hai triệu chứng nổi bật là sốt và viêm long. Trẻ đột ngột sốt cao 39-39,5 độ C, người mệt mỏi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ, ho nhiều ho khan có khi bị tiêu chảy

Lúc này, khám miệng thấy trên nền đỏ thẫm của niêm mạc má có những chấm trắng nhỏ độ 1mm hơi nổi gợn lên (dấu hiệu Koplik). Có khi chỉ có 2-3 nốt ở phần niêm mạc má đối diện với răng hàm số 1. Các nốt này chỉ tồn tại 24-48 giờ và thường lặn hết sau khi sởi mọc 1 ngày.

- Thời kỳ mọc sởi (5-7 ngày). Phần nhiều ban mọc ở sau tai, chân tóc rồi lan dần theo trình tự: mặt, cổ, lưng, bụng và chân tay. Đến ngày thứ 3, ban mọc khắp người. Có khi các nốt ban hợp với nhau thành từng vầng. Các nốt sởi hình tròn hoặc bầu dục, có màu đỏ hồng nhạt, sờ vào mịn như nhung, ấn vào biến mất, da xung quanh vẫn bình thường. Khi sởi mọc hết thì trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Ban sởi bay cũng theo trình tự như khi mọc, để lại các vết thâm gọi là 'vết lằn da hổ'. Các vết thâm kéo dài khoảng 1 tuần mới hết. Có thể trẻ vẫn còn đau mắt sổ mũi, quấy khóc, không chịu ăn.

- Thời kỳ hồi phục. Trẻ lại sức dần.Thường sau 1 tuần ban sởi bay hết và chỉ sau 2 tuần trẻ trở lại bình thường.

Trên đây là bệnh cảnh lâm sàng của các trường hợp sởi lành tính.

Cháu nhà em đã tiêm vắc-xin sởi mũi 1, khả năng bảo vệ phòng bệnh sởi là khoảng 85%. Tuy nhiên, tùy vào miễn dịch của từng cháu, vẫn có khả năng cháu bị nhiễm sởi. Với mô tả bệnh của cháu nhà em, thì không nghĩ đến cháu bị sởi, nhưng em nên đưa cháu đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi vì cháu có sốt nhẹ, có rối loạn tiêu hóa có thể là bị tiêu chảy do vi-rút rota (vì khi bị bệnh này trẻ có ho, có sốt, hay gặp khi chuyển mùa), để tìm ra bệnh và điều trị sớm cho cháu.

Chúc bé nhà em sớm khỏi bệnh!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật