Các thể bệnh và một số dấu hiệu nhận biết sốt rét ác tính

Sốt rét ác tính gồm hai nhóm là sốt rét ác tính có hôn mê thường chiếm đa số và sốt rét ác tính có hội chứng phủ tạng không hôn mê có tỷ lệ thấp hơn. Chính vì có tỷ lệ thấp và hiếm gặp nên trên lâm sàng cần lưu ý phát hiện các trường hợp sốt rét ác tính không hôn mê để xử trí kịp thời, nếu chủ quan bệnh nhân có nguy cơ tử vong do bị biến chứng trầm trọng.

Sốt rét ác tính có hội chứng phủ tạng không hôn mê mà chỉ có hội chứng phủ tạng đơn thuần thường ít khi được chú ý trên lâm sàng vì hiếm gặp nên dễ bị bỏ sót. Các nhà khoa học ghi nhận hội chứng phủ tạng đơn thuần có thể xảy ra ở một số cơ quan gây nên suy tuần hoàn cấp tính và sốc rối loạn tiêu hóa nặng giống bệnh tả suy gan cấp suy thận cấp phù phổi cấp và suy hô hấp cấp tính tiến triển xuất huyết và đông máu rải rác nội mạch, tiểu huyết cầu tố hội chứng bụng cấp...

Mặc dù người bệnh không bị hôn mê nhưng các trường hợp có biểu hiện hội chứng bệnh lý trầm trọng ở các phủ tạng đơn thuần cũng được gọi là sốt rét ác tính với những tên gọi thông thường như sốt rét ác tính thể giá lạnh, thể giống tả suy hô hấp phù phổi suy thận cấp, suy gan cấp...

Những trường hợp sốt rét ác tính có hội chứng phủ tạng không hôn mê thường do tình trạng rối loạn vi tuần hoàn, tuy xảy ra ở nhiều phủ tạng nhưng chúng có khả năng xuất hiện nổi trội ở một phủ tạng nhất định; có thể phủ tạng đó đã sẵn có những tổn thương cũ... Sốt rét ác tính có hội chứng phủ tạng không hôn mê còn được gọi là thể phủ tạng không hôn mê thường hiếm gặp trên lâm sàng.

Thực tế ghi nhận sốt rét ác tính thể suy thận cấp chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1,4%; trong khi đó biến chứng suy thận cấp ở sốt rét ác tính thể não phối hợp hội chứng phủ tạng chiếm tỷ lệ phổ biến và cao hơn nhiều. So với sốt rét ác tính thể não hoặc thể não phối hợp với hội chứng phủ tạng thì sốt rét ác tính thể phủ tạng không hôn mê khó xác định hơn nhiều, việc chẩn đoán bệnh dễ bị nhầm lẫn.

Các thể bệnh và dấu hiệu nhận biết

Như trên đã nêu, sốt rét ác tính có hội chứng phủ tạng không hôn mê bao gồm các thể bệnh khác nhau tùy thuộc vào phủ tạng bị thương tổn. Các nhà khoa học đã xác định các thể bệnh bao gồm: thể sốc và suy tuần hoàn cấp, thể giống tả và rối loạn tiêu hóa nặng, thể suy gan cấp, thể suy thận cấp, thể phù phổi cấp và suy hô hấp cấp tính tiến triển, thể xuất huyết và có đông máu rải rác nội mạch, thể tiểu huyết cầu tố, thể bụng cấp...

Thể sốc và suy tuần hoàn cấp: Được xác định trong các trường hợp sốt rét nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum, sốt cao với nhiệt độ trên 39-40oC hoặc có thể từ 35- 36oC đối với thể giá lạnh; huyết áp dưới 80mmHg hoặc bị kẹt, đối với trẻ em từ 1-5 tuổi thì huyết áp dưới 5mmHg; biểu hiện sốc xuất hiện sớm trong 3 ngày đầu, bị lạnh và ướt nhớp đầu chi, đi tiểu ít chỉ số hematocrite có xu hướng cao, áp lực tĩnh mạnh trung tâm bình thường nhưng có khi tăng nhẹ.

Không được xác định sốt rét ác tính thể sốc và suy tuần hoàn cấp đối với các trường hợp: Sốc do mất nước thường phổ biến ở bệnh sốt rét vì sốt cao kéo dài, vã nhiều mồ hôi nôn dẫn đến tụt huyết áp áp lực tĩnh mạch trung tâm thấp, có dấu hiệu mất nước huyết áp thấp, mạch nhanh trong hạ đường huyết; đây là một đặc điểm của hạ đường huyết thường gặp trong chẩn đoán sốt rét có biến chứng hạ đường huyết

Sốc nội độc tố do nhiễm trùng máu loại vi khuẩn gram âm, thường được chẩn đoán là sốt rét ác tính hoặc sốt rét nặng có biến chứng bội nhiễm trùng huyết gram âm và sốc. Suy tuần hoàn trong giai đoạn người bệnh hấp hối sắp tử vong

Thể giống tả và rối loạn tiêu hóa nặng: Được xác định khi bệnh nhân đang mắc sốt rét, sốt với nhiệt độ cao xét nghiệm máuký sinh trùng Plasmodium falciparum, bị tiêu chảy nhiều lần, phân toàn nước không có chất nhầy, mũi, máu; có dấu hiệu mất nước và chất điện giải nặng, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ và khó bắt.

Không được xác định sốt rét ác tính thể giống tả và rối loạn tiêu hóa nặng đối với những trường hợp: có nôn mửa đi tiêu chảy nhưng không bị mất nước và chất điện giải không tụt huyết áp Trường hợp tiêu chảy với phân có chất nhầy, mũi, máu kèm theo đau quặn bụng để loại trừ bệnh lỵ trực khuẩn hoặc nhiễm khuẩn Salmonella phối hợp với sốt rét.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật