Xuất hiện phương pháp mới điều trị thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau và giảm, mất khả năng vận động ở người cao tuổi tại hầu hết các nước trên thế giới.

Bệnh chiếm tỉ lệ cao và chi phí điều trị tốn kém

Trong số các vị trí thoái hóa khớp thì thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới vào năm 2000, tỷ lệ thoái hóa khớp gối là 1.770 trên 100.000 nam giới và 2.693 trên 100.000 nữ giới.

Tại Mỹ, tỷ lệ thoái hóa khớp gối gây triệu chứng chiếm khoảng 4,9% người lớn trên 26 tuổi, 16,7% người lớn trên 45 tuổi và 12,1% người lớn trên 60 tuổi. Tại một số nước châu Á, tỷ lệ thoái hóa khớp gối gây triệu chứng trên dân số nói chung chiếm tỷ lệ 0,9% ở nam giới và 1,1% ở nữ giới. Ở Việt Nam chưa có thống kê chính xác nào nhưng thoái hóa khớp gối chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh lý cơ xương khớp.

Việc điều trị bệnh hiện nay là gánh nặng rất tốn kém cho cá nhân người bệnh nói riêng và toàn xã hội nói chung với chi phí điều trị cao, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn trong khi có nhiều tai biến nặng nề.

Các biện pháp điều trị kinh điển

Các phương pháp điều trị bao gồm giáo dục bệnh nhân về cách phòng ngừa bệnh, chống các tư thế xấu, giảm các yếu tố nguy cơ gây nặng bệnh kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa. Điều trị nội khoa bao gồm các biện pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu: chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tắm suối khoáng, đắp bùn… thường đơn giản, dễ làm, ít biến chứng song hiệu quả chưa cao.

Các biện pháp dùng thuốc giảm đau thuốc chống viêm không steroid có hiệu quả nhanh chóng nhưng do tác động toàn thân hay gây nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày hành tá tràng xuất huyết tiêu hóa tăng huyết áp tổn thương gan thận… trong đó có biến chứng nặng có thể gây tử vong

Tiêm corticoid tại khớp gối có tác dụng cải thiện triệu chứng nhanh chóng nhưng dùng kéo dài có thể gây tổn thương thoái hóa sụn khớp hoặc gây biến chứng tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc Tiêm chất nhờn acid hyalorunic (HA) vào khớp có tác dụng tái tạo chức năng bảo vệ, bôi trơn và chống xóc cho khớp nhưng theo nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả không ổn định lâu dài, không có chức năng bảo vệ, tái tạo sụn khớp.

Nhìn chung, các biện pháp nội khoa hiện nay điều trị thoái hóa khớp gối chủ yếu nhằm hai mục đích: giảm đau và cải thiện chức năng vận động khớp, tức là vẫn điều trị triệu chứng bệnh chứ chưa đạt tới đích cải thiện được chất lượng sụn khớp hay làm ngừng quá trình thoái hóa.

Điều trị ngoại khoa bao gồm đục xương chỉnh trục nội soi khớp can thiệp, thay khớp gối nhân tạo một phần hay toàn phần chỉ được chỉ định trong những trường hợp có biến đổi giải phẫu khớp hoặc ở giai đoạn muộn của bệnh và thường gây tốn kém nhiều cho bệnh nhân.

Như vậy, việc nghiên cứu tìm ra một kỹ thuật điều trị mới, thực sự tác động tới sự phục hồi sụn, độc lập hoặc phối hợp tốt với các phương pháp điều trị hiện tại nhằm đem lại kết quả cao trong điều trị bệnh, hạn chế các biến chứng và nhu cầu thay khớp nhân tạo là một việc làm cấp thiết.

Có nhiều biện pháp đang được nghiên cứu như liệu pháp tế bào gốc tự thân nguồn gốc trung mô (tủy xương hoặc mô mỡ), liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu tự thân… đã mở ra một hướng mới điều trị bảo tồn thoái hóa khớp với đích tác động tới căn nguyên của bệnh là sụn khớp.

Và phương pháp dùng huyết tương giàu tiểu cầu

Từ 20 năm nay, liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma- PRP) tự thân đã được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng. Huyết tương giàu tiểu cầu tự thân là huyết tương sau khi tách chiết từ một lượng máu của chính bệnh nhân có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với trong máu bình thường.

Sở dĩ cần một nồng độ lớn tiểu cầu trong PRP để điều trị vì vai trò quan trọng và chủ yếu của tiểu cầu trong liệu pháp PRP. Khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng (growth factor) có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương

Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào gốc nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen…tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm...

Trong chuyên ngành cơ xương khớp liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích sự lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.

Trên thế giới, trong khoảng vài năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ PRP tự thân tiêm trực tiếp vào trong khớp là một liệu pháp có triển vọng trong điều trị thoái hóa khớp gối với cơ chế là PRP chứa chất chống viêm và các yếu tố tăng trưởng thúc đẩy sự tăng sinh của sụn khớp.

Nghiên cứu của tác giả Sampson và cộng sự trên các bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát và thứ phát: các bệnh nhân được tiêm 3 mũi PRP tự thân khớp gối tổn thương với liệu trình cách 4 tuần tiêm một mũi. Nhóm nghiên cứu chỉ dùng acetaminophen để giảm đau khi đau nhiều mà không dùng kèm các thuốc cũng như các biện pháp khác vẫn thường dùng để điều trị bệnh thoái hóa.

Kết quả: sau 1 năm điều trị, 61,5% bệnh nhân cải thiện cả hai thang điểm đau VAS (Visual Analog Scale) và thang điểm KOOS (Knee injury and Osteoarthritis Outcome Score) và hài lòng với liệu trình điều trị. 6 tháng sau điều trị, một số bệnh nhân có sự cải thiện bề dày sụn khớp khi đo trên siêu âm chứng tỏ liệu pháp tác động tích cực đến sự tăng sinh sụn khớp. Các tai biến, tác dụng phụ hầu như không có ngoại trừ một số bệnh nhân có cảm giác đau tăng tại chỗ ít ngày sau tiêm.

Một nghiên cứu khác của tác giả Kon và cộng sự trên 100 bệnh nhân thoái hóa khớp gối với 115 khớp được tiêm PRP. Mỗi khớp gối được tiêm 3 mũi PRP tự thân theo liệu trình cách 3 tuần tiêm 1 mũi.

Các bệnh nhân trong nghiên cứu được lượng giá thay đổi trên lâm sàng bằng thang điểm IKDC (International Knee Documentation Committee) chỉ số EQ VAS (Emotional Quotient VAS) và mức độ hài lòng của bệnh nhân tại các thời điểm trước khi điều trị, kết thúc điều trị (2 tháng sau mũi tiêm đầu), 6 tháng và 12 tháng sau mũi tiêm đầu cũng như các tác dụng phụ, tai biến có thể gặp. Kết quả 80% bày tỏ sự hài lòng với kết quả điều trị.

Các chỉ số IKDC, EQ VAS đều cải thiện, trong đó cải thiện rõ ở thời điểm kết thúc điều trị đến 6 tháng sau, sau đó kết quả cải thiện có xu hướng giảm hơn trong thời gian từ 6- 12 tháng nhưng vẫn cao hơn có ý nghĩa so với thời điểm trước điều trị. Trong nghiên cứu này không có tác dụng phụ nghiêm trọng, ngoại trừ một trường hợp khớp gối sưng đau rõ rệt sau tiêm nhưng tự giảm đau dần sau 2 tuần.

Các tác dụng phụ hay gặp là đau nhẹ thường gặp trong 2 hay 3 ngày đầu tiên, thường tự khỏi hoặc sau uống thuốc giảm đau acetaminophen liều thấp, ngắn ngày.

Một nghiên cứu khác cũng của tác giả Kon và cộng sự trên 150 bệnh nhân được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 gồm 50 bệnh nhân điều trị PRP, nhóm 2 gồm 50 bệnh nhân được điều trị acid hyalorunic trọng lượng phân tử cao (HHA- Hight weight hyalorunic acid) và nhóm 3 gồm 50 bệnh nhân được điều trị acid hyalorunic trọng lượng phân tử thấp (LHA- Low weight hyalorunic acid).

Các chỉ số về tuổi, giới, tiền sử bệnh… không có sự khác biệt giữa 3 nhóm. Khi đánh giá tại thời điểm 2 tháng sau mũi tiêm đầu, kết quả tương đương ở nhóm điều trị PRP và LHA, trong khi nhóm điều trị HHA có sự cải thiện kém hơn. Theo dõi từ thời điểm 2 đến 6 tháng thì nhóm điều trị PRP có kết quả tốt hơn rõ ràng so với nhóm điều trị LHA và HHA (kết quả ở nhóm này kém nhất).

Mức độ hài lòng của nhóm điều trị PRP là 82% so với 64% trong nhóm điều trị LHA và 66 % trong nhóm điều trị HHA. Như vậy kết quả điều trị bằng PRP tốt hơn và ổn định hơn (thời gian duy trì kéo dài hơn) so với điều trị bằng HA.

Nghiên cứu của Sanchez và cộng sự trên 60 bệnh nhân thoái hóa khớp gối chia làm hai nhóm đồng nhất về tuổi, giới, chỉ số BMI và phân bố mức độ nặng trên Xquang: 30 bệnh nhân nhóm nghiên cứu điều trị PRP với liệu trình 3 mũi, mỗi tuần tiêm khớp gối 1 mũi. 30 bệnh nhân nhóm chứng được tiêm HA cũng với liệu trình 3 mũi như trên.

Kết quả sau 2 tháng điều trị tỷ lệ bệnh nhân trong nhóm điều trị PRP cải thiện triệu chứng đau thành công cao hơn so với nhóm điều trị HA. Các tác dụng phụ được ghi nhận là đau nhẹ, phản ứng viêm và có thể tràn dịch khớp gối sau tiêm được ghi nhận ở một số bệnh nhân thuộc cả hai nhóm, không có biến chứng nặng.

Tóm lại, với tác động vào cơ chế bệnh sinh của bệnh thoái hóa khớp kỹ thuật tách chiết PRP đơn giản, an toàn do lấy máu tự thân, liệu pháp điều trị PRP đang hứa hẹn là một trong những lựa chọn điều trị tốt cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Nó cho kết quả tốt hơn và lâu dài hơn với điều trị bằng tiêm tại chỗ chất nhờn acid hyalorunic, một liệu pháp điều trị được coi là tiêu chuẩn và đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật