Phòng ngừa viêm thanh quản cấp tính, bạn nên biết để áp dụng

Viêm thanh quản cấp tính là một bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nếu không được chữa trị đúng, kịp thời sẽ trở thành bệnh mạn tính gây khó khăn cho điều trị và người bệnh gặp nhiều phiền toái, nhất là khi giao tiếp.

Thanh quản là một phần của đường hô hấp có hình ống, trên thông với hầu, dưới nối với khí quản, có nhiệm vụ phát âm và dẫn khí. Vị trí của thanh quản nằm ở cổ, phía trước hầu, trong đó có 2 dây thanh âm sẽ rung chuyển và phát ra âm thanh dưới tác động của luồng không khí đi qua. Bên trong thanh quản được phủ bởi niêm mạc liên tục với niêm mạc họng hầu, khí quản và tạo nên các xoang cộng hưởng âm thanh. Tổ chức dưới niêm mạc rất dễ phù nề do vậy, khi viêm nhiễm dễ làm tắc nghẽn đường hô hấp Đây là bệnh thường gặp, có thể riêng biệt hay phối hợp với viêm nhiễm đường hô hấp, nhất là hô hấp trên.

Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp

Tổn thương của viêm thanh quản cấp tính là ở ngay niêm mạc thanh quản và có thể lan xuống lớp dưới. Diễn biến từ xung huyết, phù nề, loét niêm mạc đến viêm cơ hoại tử sụn. Nguyên nhân gây viêm có thể do thay đổi thời tiết, bởi vì khi thời tiết thay đổi (mưa, nắng, nóng lạnh thất thường), nhất là lạnh đột ngột (đang nóng vào phòng máy lạnh đột ngột uống nước lạnh nước đá bia lạnh hoặc bị lạnh do gặp mưa đột ngột không có gì che chắn…) là điều kiện thích hợp cho các loại vi sinh vật gây bệnh ở đường hô hấp trên (mũi, họng, hầu, thanh quản…) phát triển. Có những loại vi sinh vật bình thường chúng cư trú ở đó nhưng không gây bệnh (tụ cầu, liên cầu, phế cầu, H. influenzae, vi nấm virut…) nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ gây bệnh (được gọi là gây bệnh cơ hội), trong đó có gây viêm thanh quản cấp Bên cạnh đó viêm thanh quản cấp có thể do nói to, nói nhiều, nói liên tục trong một khoảng thời gian dài (giáo viên, thuyết trình viên, ca sĩ, hướng dẫn viên du lịch phát thanh viên hoặc khóc nhiều hoặc la hét nhiều…) viêm thanh quản cấp có thể do hít phải khí độc hoặc hít khói bụi nhiều (khói thuốc khói bếp, khói công nghiệp, khói do đốt rơm, rạ…) hoặc hít phải hóa chất (người làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc trong các nhà máy hóa chất…). Một số người mắc chứng bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, đôi khi bị viêm thanh quản cấp do dịch dạ dày trào ngược lên.

Trong trường hợp đặc biệt có thể viêm thanh quản cấp do vi khuẩn bạch hầu (thể bệnh bạch hầu thanh quản) tuy rằng bệnh này gặp chủ yếu ở trẻ em nhất là trẻ không được tiêm chủng vắc-xin bạch hầu.

Triệu chứng của viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp tính thường có biểu hiện của nhiễm trùng toàn thân như cảm giác ớn lạnh, gai rét đau người và có thể có sốt nhẹ (khoảng 380C). Song song với các dấu hiệu đó, họng bị khô đau rát khi nuốt hoặc khi ăn, uống. Một số dấu hiệu khác kèm theo là nhức đầu mệt mỏi chảy mũi. Tiếp theo đó, xuất hiện triệu chứng điển hình là giọng nói khàn, thậm chí mất tiếng. Ngoài ra, người bệnh ho lúc đầu chưa có đờm vài ngày sau ho có đờm trường hợp bệnh nhân bị kèm theo viêm khí quản phế quản sẽ có nhiều đờm và đờm có màu vàng hoặc xanh (nếu tác nhân gây bệnh là tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh) hoặc đờm trắng trong.

Biến chứng do viêm thanh quản cấp

Khi viêm thanh quản cấp, nếu không điều trị dứt điểm có thể chuyển sang viêm mạn tính sẽ gây ho, có đờm nhày và nuốt khó (do đau vùng cổ họng), đặc biệt xuất tiết nhiều, chảy vào đường thở gây ho sặc sụa làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người bệnh, đặc biệt là giáo viên, phát thanh viên, ca sĩ, hướng dẫn viên du lịch, người tiếp xúc nhiều với công chúng…Nặng hơn là khàn tiếng mất tiếng kéo dài gây cản trở lớn đến công việc. Bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ hoại tử sụn rất nguy hiểm cho người bệnh.

Nguyên tắc điều trị

Khi nghi bị viêm thanh quản cấp, cần đi khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị đúng, sớm nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, nhất là các đối tượng cần nói nhiều. Song song với dùng thuốc cần hạn chế nói đến mức tối đa. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh và tự điều trị cho mình hoặc người nhà nếu không có chuyên môn y học. Nếu làm điều đó bệnh không những không khỏi mà còn làm nặng thêm hoặc gây khó khăn cho bác sĩ khi được khám bệnh.

Ðể phòng bệnh viêm thanh quản, cần tránh lạnh, nhất là vùng cổ, vì vậy, không nên uống nước lạnh, nước đá bia lạnh. Không nên hút thuốc lá, nhất là những người có nghề nghiệp liên quan đến giọng nói (giáo viên, ca sĩ…). Nếu làm việc ở môi trường độc hại hoặc sống ở nơi có nhiều khói bụi, cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Hạn chế nói nhiều, nói to, nhất là không nên hò, reo, cười thái quá. Cần vệ sinh họng, miệng hằng ngày bằng hình thức đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, tốt nhất được súc họng bằng nước muối nhạt (nước muối sinh lý 0,9%) trước khi đánh răng

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật