Y học hiện đại chưa thật sự bó tay với ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là khối u ác tính xuất phát từ lớp tế bào che phủ vòm họng. Đây là một trong các ung thư thường gặp ở Việt Nam, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc ở nam giới nhiều hơn ở nữ giới.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng

Hiện nay có nhiều giả thuyết được đưa ra về nguyên nhân của ung thư vòm họng. Cũng giống như các bệnh ung thư khác thuộc đường hô hấp - tiêu hóa hút thuốc lá - thuốc lào và sử dụng đồ uốngcồn (rượu, bia) được coi là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng.

Bên cạnh đó, việc ăn nhiều những thức ăn lên men như dưa muối cá muối khô... cũng đã được chứng minh là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Gần đây, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan của virus Ebstein-Barr (EBV) với bệnh ung thư vòm họng trong đó những người bị nhiễm virus Ebstein-Barr từ nhỏ có thể xuất hiện đột biến ở các gien gây ung thư vòm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nhiều giả thuyết về bất thường trong bộ gien di truyền cũng được đề cập khi các nhà khoa học quan sát thấy bệnh ung thư vòm họng xảy ra với tỷ lệ cao ở nhóm người vùng Đông Nam Á và Quảng Đông, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời một số trường hợp ung thư vòm họng có tính chất gia đình.

Chính do những nguyên nhân như nhiễm virus EBV và nguyên nhân di truyền làm cho bệnh ung thư vòm họng có thể xuất hiện ở cả các lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên, khác với đa số các ung thư khác thường chỉ xuất hiện nhiều ở người tuổi trung niên và người cao tuổi.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng virus Ebstein-Barr thường bị nhiễm từ rất sớm trong những năm đầu đời, và hiện tượng một số ung thư vòm họng có yếu tố gia đình là do gien di truyền, còn bản thân bệnh ung thư vòm họng không thể bị lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và người lành, giữa những người trong gia đình, cũng như giữa người có nhiễm virus Ebstein-Barr và người chưa nhiễm virus.

Các biểu hiện sớm của ung thư vòm họng là gì?

Các triệu chứng sớm của ung thư vòm họng cụ thể như sau:

Ù tai một bên, tiếng ù thường trầm như tiếng còi tàu, hoặc có cảm giác nút kín lỗ tai, ù tự nhiên xuất hiện (trước đó không có ngã, chấn thương hay va đập gì vào vùng tai), kéo dài liên tục, có thể tăng dần, có thể kèm theo giảm nghe mức độ nhẹ cùng bên tai bị ù. Triệu chứng ù tai là do u chèn ép vào vòi tai gây tắc vòi tai và viêm tai giữa ứ dịch cùng bên u.

Chảy máu mũi, xì mũi lẫn máu hoặc chảy dịch mũi lẫn máu, máu có thể chảy ra ở cửa mũi trước, ít khi là máu tươi mà hay lẫn với dịch mũi, có thể không chảy ra cửa mũi trước mà người bệnh khịt xuống họng sau đó khạc ra dịch lẫn máu, dịch này trông lờ lờ như máu cá hoặc như nước rửa thịt. Lượng máu chảy mỗi lần thường ít nhưng triệu chứng này có thể tái phát nhiều lần. Chảy máu là do khối u bị hoại tử và vỡ một số mạch máu nhỏ.

Nhìn mờ, giảm thị lực một bên mắt, sụp mi, lác ngoài hoặc tự nhiên xuất hiện nhìn một thành hai. Triệu chứng này xuất hiện chứng tỏ khối u ở vòm họng chèn ép vào các dây thần kinh sọ số II, III, VI.

Nổi khối hạch to ở cổ, hạch điển hình thường nằm ở dưới tai hoặc sau góc hàm, cứng, chắc, ấn không đau

Cần làm gì để phát hiện sớm ung thư vòm họng?

Khi thấy có ít nhất một trong các triệu chứng bất thường trên, bạn cần đi khám sớm tại chuyên khoa Tai Mũi Họng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi bệnh, đánh giá tiền sử bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ, sau đó sử dụng các dụng cụ thăm khám và phát hiện khối u.

Khoảng 10 năm trở lại đây, thiết bị nội soi Tai Mũi Họng đã trở nên phổ cập ở Việt Nam (có thể được trang bị ở cả các tuyến huyện), vì vậy việc nội soi phát hiện sớm ung thư vòm họng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với thời kì chưa áp dụng nội soi.

Sau khi thăm khám, nếu nghi ngờ có khối u, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết (dùng dụng cụ lấy một mảnh nhỏ của khối nghi ngờ u đem cắt, nhuộm và soi dưới kính hiển vi để tìm các tế bào ung thư). Thủ thuật sinh thiết vòm họng có thể tiến hành ngay tại phòng khám Tai Mũi Họng, vô cảm bằng gây tê tại chỗ.

Nếu kết quả sinh thiết phát hiện có tế bào ung thư vòm họng bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn làm thêm các xét nghiệm và thăm dò cần thiết (như xét nghiệm máu chụp cắt lớp vi tính chụp cộng hưởng từ ) để xác định mức độ và giai đoạn của bệnh, từ đó tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Các phương pháp điều trị

Ung thư vòm họng có đặc điểm là tương đối nhạy cảm với điều trị xạ và hóa chất chống ung thư. Vì vậy, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm (khi tổn thương còn khu trú ở vòm họng, chưa di căn xa) và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì khả năng khỏi bệnh tương đối cao, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến 70 - 90%.

Ở giai đoạn I, bệnh có thể được điều trị chỉ bằng xạ trị đơn thuần, với liều xạ 5 ngày/tuần, kéo dài từ 6 - 8 tuần liên tiếp. Hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh những kỹ thuật xạ trị kinh điển (như xạ trị sử dụng nguồn tia Cobalt, xạ trị bằng máy gia tốc), nhiều trung tâm ung bướu ở các thành phố lớn đã triển khai các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như: xạ trị mô phỏng ba chiều, xạ trị điều biến liều...

Các kỹ thuật mới này cho tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao, đồng thời làm giảm đáng kể tác dụng phụ của phương pháp xạ trị trên cơ thể người bệnh. Tuy nhiên do phải sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, đắt tiền nên giá thành điều trị của các kỹ thuật mới này còn tương đối cao.

Điều trị cho bệnh nhân ung thư vòm họng

Điều trị cho bệnh nhân ung thư vòm họng

Ở các giai đoạn sau, ung thư vòm họng thường được điều trị phối hợp cả xạ trị và truyền hóa chất. Phẫu thuật hiện chỉ được áp dụng cho những trường hợp khối u và/hoặc hạch cổ sót hoặc tái phát sau điều trị phối hợp hóa chất và xạ trị. Tuy nhiên ở giai đoạn bệnh đã tiến xa hoặc có di căn thì khả năng khỏi bệnh giảm thấp, tỷ lệ sống sau 5 năm dao động từ 10 đến 40%.

Bên cạnh các phương pháp điều trị kinh điển trên, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang có nhiều nghiên cứu các phương pháp điều trị tiên tiến dựa trên các tiến bộ về miễn dịch học, sinh học phân tử, công nghệ gien... như điều trị bằng kháng thể đơn dòng, sử dụng thuốc điều trị trúng đích, sử dụng đồng vị phóng xạ gắn kháng thể đặc hiệu... với những kết quả bước đầu tương đối khả quan.

Phòng bệnh

Hiện nay, do chưa tìm được nguyên nhân chính xác nên chưa có khuyến cáo phòng bệnh đặc hiệu cho ung thư vòm họng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra vai trò của virus Ebstein-Barr trong nguyên nhân gây bệnh, vì vậy đang có nhiều nghiên cứu phát triển vắc - xin phòng virus này, với hy vọng khi tiêm vắc - xin đặc hiệu sẽ làm giảm nhiễm EBV, từ đó giảm khả năng mắc ung thư vòm họng.

Ngoài ra, mọi người đều có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như: chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, không ăn quá nhiều các thực phẩm lên men như dưa muối, cá muối, hạn chế sử dụng thuốcthuốc lào và đồ uống có cồn; tích cực rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao thể trạng. Khi có các biểu hiện bất thường ở Tai Mũi Họng như: ù tai một bên, xì mũi hoặc khịt khạc mũi lẫn máu, nổi hạch cổ... nên đi khám sớm tại chuyên khoa Tai Mũi Họng để được nội soi vòm họng loại trừ bệnh.

Ngoài ra, ở những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc lá thuốc lào uống rượu bia nhiều, có người thân trong gia đình bị ung thư vòm họng ) có thể đi khám và nội soi vòm họng định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát và phát hiện bệnh sớm. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật