Món ăn và bài thuốc từ thịt ngỗng không phải ai cũng biết

Ngoài giá trị ăn uống, thịt ngỗng con được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa bệnh từ lâu đời.

Những món ăn và bài thuốc từ thịt ngỗng

Ngỗng là loài gia cầm sống có tính bầy đàn, được nuôi khá phổ biến ở nước ta. Nhiều địa phương có những gia đình chuyên nuôi ngỗng, có hộ nuôi cả đàn lớn từ mấy chục con đến hàng trăm con mỗi lứa. Ngỗng tương đối dễ nuôi, rất phù hợp với hoàn cảnh miền núi và những địa phương có nhiều bãi cỏ, khe lạch.

Nuôi ngỗng có nhiều lợi ích, chúng ăn cỏ, ăn rau là chính, ít phải dùng lương thực. Hằng ngày người ta chăn thả ngỗng ở quanh nhà, những nơi ngỗng có thể dễ dàng kiếm thức ăn, chúng sẽ tìm cỏ, vặt lá non ăn là chủ yếu, thức ăn hỗn hợp thỉnh thoảng mới cho ăn chỉ để bổ sung khi ngỗng về chuồng. Cuối ngày chăn thả về thường người ta cho ngỗng ăn thêm ít thóc, cám, ngô, khoai hoặc sắn băm nhỏ, thức gì chúng cũng ăn tốt, rất dễ nuôi, chóng lớn, to con, có khối lượng xuất chuồng cao.

Ngỗng thịt có thể xuất chuồng vào 3 - 4 tháng tuổi, lúc này ngỗng có trọng lượng 4-4,5kg, giống ngỗng to có thể đạt 5kg.

Những món ăn và bài thuốc từ thịt ngỗng

Những món ăn và bài thuốc từ thịt ngỗng

Thịt ngỗng ăn ngon và giàu chất dinh dưỡng Theo bảng thành phần hoá học thức ăn Việt Nam của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, trong 100g thịt ngỗng loại 1 có 46,1g nước, 14g protid 39,2g lipid 13mg canxi 210mg photpho 1,8mg sắt, 0,27mg vitamin A, 0,20mg vitamin B1, 0,19mg vitamin B2, 5,7mg vitamin P…, cung cấp được 422Kcal.

Thịt ngỗng loại 2 có giá trị dinh dưỡng thấp hơn, 100g thịt ngỗng loại 2 chỉ cung cấp được 261 Kcal bằng hơn nửa loại 1 vì chứa nhiều nước (60,8g nước so với 46,1g ở loại 1) và ít chất béo hơn nhiều (19,9g lipid so với 39,2g ở loại 1).

Từ thịt ngỗng nhân dân ta chế biến nhiều món ăn ngon như ngỗng quay, ngỗng tẩm bột, ngỗng xào lăn, ngỗng nướng, ngỗng hấp, v.v… mỗi món có hương vị riêng rất hấp dẫn. Đặc biệt món ngỗng quay được nhiều người ưa thích, thường có mặt trong các bữa ăn thịnh soạn vào những ngày vui, ngày Tết.

Với các gia đình phương Tây, trong dịp Tết dương lịch và lễ Noel không thể thiếu con ngỗng quay do họ cho rằng ăn thịt ngỗng quay trong dịp năm mới sẽ gặp may mắn. Còn đối với nhiều gia đình miền núi nước ta, ở những địa phương nuôi nhiều ngỗng, trong dịp Tết Trung thu và Tết 9/9 âm lịch cũng thường hay ăn thịt ngỗng.

Ngoài giá trị ăn uống thịt ngỗng con được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa bệnh từ lâu đời. Theo Đông y, thịt ngỗng vị ngọt, tính bình, chủ trị lợi tạng, ích khí, bổ hư, hoà vị, ngừng tiêu khát. Máu ngỗng cũng được dùng làm thuốc chữa nấc buồn nôn

Chữa tiêu khát:

Ninh thịt ngỗng thật nhừ rồi uống nước

Trường hợp bị đau bụng đầy hơi: Dùng thịt ngỗng hầm thành canh, lấy nước hầm đó cho gạo vào nấu cháo ăn có tác dụng tốt.

Chữa buồn nôn:

Lấy máu ngỗng cho thêm một ít nước, nấu chín rồi uống.

Trước đây để chữa chứng này người ta thường dùng máu ngỗng tươi để uống, mỗi lần 5 - 10ml. Ít năm gần đây, do tình hình dịch cúm gia cầm chúng ta tuyệt đối không dùng tiết ngỗng sống để chữa buồn nôn vì có thể bị lây bệnh rất nguy hiểm.

Chữa âm hư, cơ thể suy nhược, mất ngủ:

Dùng 500g thịt ngỗng, 50g bong bóng cá 5g táo nhân. Đem tất cả nấu chín làm món ăn

Có thật phụ nữ có thai ăn trứng ngỗng sẽ đẻ con khoẻ đẹp, thông minh không?

“Phụ nữ có thai ăn trứng ngỗng sẽ đẻ con mắt to tròn, khoẻ đẹp, thông minh…” Đó là kinh nghiệm dân gian mà các bà, các chị thường mách nhau thực hiện khi mang thai Thực ra trứng ngỗng đâu có tác dụng kỳ diệu ấy, nó cũng không tốt cho sức khoẻ chị em khi có thai và sinh đẻ như người ta nghĩ.

Thực tế trứng ngỗng không được ưa chuộng như các loại trứng gà trứng vịt, trứng cút nên nhân dân rất ít dùng và phần đông những người ăn trứng ngỗng là phụ nữ mang thai Trứng ngỗng ăn không ngon như các loại trứng gia cầm khác. Nhiều phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng khi được hỏi đã cho biết trứng ngỗng mùi vị nhạt nhẽo, kém xa trứng gà, ăn chẳng thích thú gì nhưng vì muốn sinh con đẹp và thông minh nên cố gắng ăn thôi.

Đã vậy giá 1 quả trứng ngỗng lại rất đắt, có khi bằng cả chục trứng gà, vì loại trứng này ít người mua dùng nên hiếm, thường các nhà chăn nuôi ngỗng chỉ để dành lại rất ít để bán cho phụ nữ có thai mua, còn phần lớn trứng đều được ấp để nuôi ngỗng lấy thịt.

Về giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng cũng kém xa trứng gà. Theo một số tài liệu nghiên cứu, trứng ngỗng có 13,5% chất protein 13,2% lipid, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 0,1mg% vitamin PP… So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai.

Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (0,33mg% so với 0,70mg% trong trứng gà). Do đó, các nhà dinh dưỡng khuyên phụ nữ có thai nên tẩm bổ bằng trứng gà thay cho trứng ngỗng sẽ tốt hơn rất nhiều. Chưa nói đến chuyện trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giầu lipid là những chất không có lợi cho sức khoẻ phụ nữ có thai. Chị em có thể bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao nếu lạm dụng những thực phẩm giầu lipid và cholesterol như trứng ngỗng.

Trừ trường hợp chị em thích ăn trứng ngỗng không kể, còn nếu chỉ ăn vì lời đồn đại thì không nên. Cho đến nay, trên thế giới chưa có một công trình nghiên cứu hoặc một tài liệu nào ghi chép khi mang thai ăn trứng ngỗng sẽ sinh con khoẻ mạnh, thông minh.

Muốn sinh con khoẻ mạnh, trí não phát triển, khi có thai người mẹ cần ăn uống đủ chất, trong đó trứng gà là một trong những thực phẩm quí. Trong trứng gà thành phần các chất protein lipid glucid các vitaminchất khoáng có tỷ lệ hợp lý, giúp bồi dưỡng cơ thể rất tốt. Từ trước đến nay, khi đi thăm người mang thai sinh đẻ bao giờ người ta cũng mang theo chục trứng gà làm quà bồi dưỡng cho sản phụ cũng vì vậy. Chúng ta không nên tin những lời mách nhau thiếu cơ sở khoa học thay trứng gà bằng trứng ngỗng, đắt tiền và có hại cho sức khoẻ.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật