Gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong mùa xuân, bạn nên thận trọng!

Với khí hậu lạnh, độ ẩm cao kèm mưa phùn là điều kiện thuận lợi để virút gây bệnh phát triển. Bởi vậy, một số bệnh truyền nhiễm như bệnh cúm, sốt phát ban, viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ), thủy đậu... có xu hướng gia tăng bệnh nhân mắc. Khác biệt so với chu kỳ hàng năm, năm nay bệnh dịch xuất hiện và kéo dài hàng tháng, đối tượng mắc không chỉ là trẻ em mà còn xuất hiện nhiều ở người lớn và phụ nữ mang thai.

Nhiều bệnh bùng phát

Khảo sát tại một số bệnh viện như: bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt Trung ương... cho thấy, hiện nay các bệnh như: sốt phát ban thủy đậu đau mắt đỏ... có xu hướng diễn biến phức tạp với số bệnh nhân mắc ngày càng tăng.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 900 trường hợp sốt phát ban do virút (trong đó 70% là do virút Rubella). Điểm khác biệt, năm nay sốt phát ban do virút rubella gia tăng ở người lớn, nhiều phụ nữ mang thai bị sốt phát ban. Khi bị sốt phát ban do virút Rubella, ban đầu có những biểu hiện sốt nhẹ kèm theo nhức đầu mệt mỏi đau họng sổ mũi đau và sưng khớp, đôi khi có đau mắt nhẹ. Sau đó nổi hạch ở sau tai và gáy, trên da xuất hiện các ban màu hồng, từng đốm lan tỏa, ban dát sần. Ngày đầu, các ban mọc ở mặt rồi lan xuống cổ và thân, sau đó lan ra toàn thân.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân đến khám do mắc bệnh thuỷ đậu đang ngày một tăng. Mỗi ngày có tới 10-15 trường hợp mắc thủy đậu với những triệu chứng sốt đau đầu trên da nổi những vết dát đỏ, xuất hiện các mụn bóng nước toàn thân. So với năm ngoái, năm nay nhiều bệnh nhân là người lớn phụ nữ mang thai cũng mắc thủy đậu và số bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nhiễm khuẩn liên cầu, tụ cầu mụn nước có mủ lại tăng.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện mắt Trung ương đã tiếp nhận hàng chục ca bệnh nhân bị đau mắt đỏ Năm nay bệnh đau mắt đỏ “vào mùa” sớm so với hàng năm (đau mắt đỏ thường đỉnh điểm vào mùa hè, mùa mưa) và gia tăng bệnh nhân mắc ở nhiều tỉnh như: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... Với bệnh nhân bị đau mắt đỏ thường có cảm giác cộm rát như có cát trong mắt, ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt; rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt... Bệnh thường khởi phát một bên, một vài ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại.

Cùng với các bệnh dịch sốt phát ban đau mắt đỏ thủy đậu... cúm A/H1N1 quay trở lại và có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã có hơn 200 trường hợp mắc cúm A/H1N1, xuất hiện ở 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng lo ngại, số người mắc cúm A/H1N1 trong những tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2010. Bệnh có chiều hướng xuất hiện tại những nơi đông dân cư như trường học, các khu công nghiệp. Khi mắc cúm A/H1N1 bệnh nhân thường sốt cao 38-40oC đau cổ họng hắt hơi sổ mũi đau nhức cơ ho khan chảy nước mũi mệt mỏi. Nếu nặng bệnh nhân có triệu chứng thở nhanh (người lớn trên 30 lần phút), có cảm giác hụt hơi chóng mặt đột ngột, ngộp thở...

Nguyên nhân gia tăng nhiều bệnh dịch các chuyên gia y tế nhận định, những trường hợp sốt phát ban do virút Rubella, thủy đậu... chủ yếu chưa tiêm vaccin phòng bệnh. Mặt khác, năm nay do thời tiết bất thường, không khí có độ ẩm cao mưa phùn nhiều, môi trường ô nhiễm... thuận lợi cho các vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm lớn khiến cơ thể mệt mỏi sức đề kháng giảm sút nên dễ mắc bệnh hơn. Bên cạnh đó, nhiều người dân ý thức phòng bệnh chưa cao hoặc ít hiểu biết về bệnh cảnh nên chủ quan không điều trị, điều này cũng là nguyên nhân gây bệnh lan rộng và phát triển mạnh trong cộng đồng.

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho mình và cộng đồng. Nên tiêm các loại vaccin phòng bệnh như vaccin phòng bệnh Rubella thủy đậu, cúm A/H1N1...; Rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ; Những  người có nguy cơ mắc bệnh cao như: phụ nữ mang thai người già trẻ em người mắc bệnh mạn tính hết sức thận trọng bởi dễ xảy ra biến chứng nặng khi mắc bệnh; Giữ ấm cơ thể; Bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe; Cách ly người bệnh và hạn chế tiếp xúc nơi đông người... Quan trọng nhất, khi có các dấu hiệu của bệnh: sốt, đau người ho viêm họng mệt mỏi, nổi ban... cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị thích hợp. Tránh tự ý dùng thuốc theo mách bảo để chữa bệnh, như vậy rất nguy hiểm cho tính mạng và gây khó khăn cho quá trình điều trị.            

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật