Chuyên gia cho biết: 70% viêm họng là do virus, điều trị bằng kháng sinh vô hiệu

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, viêm họng hay viêm amidan có nhiều nguyên nhân, trong đó 70-80% các trường hợp là do virus, việc điều trị bằng kháng sinh sẽ không hiệu quả và còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Bệnh nhẹ, kháng sinh cũng “bất lực”

Đây là viễn cảnh  mà PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh- Trưởng bộ môn Tai mũi họng – Đại học Y Hà Nội Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình - BV Tai Mũi Họng Trung ương, “vẽ ra” trong điều trị bệnh viêm họng trong tương lai.  Đó là do tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi hiện nay ở rất nhiều người dân, mọi người thường có thói quen “tự chẩn đoán kê đơn” cho mình rồi tự mua thuốc về dùng.

Trong tương lai, ngay điều trị các bệnh đơn giản như viêm họng cũng sẽ rất khó khăn do cơ thể đã kháng tất cả mọi loại kháng sinh. PGS Cảnh cho biết, hiện nay tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương đã có những trường hợp đến khám, khi làm kháng sinh đồ, thì bệnh nhân đã kháng với hầu hết các loại kháng sinh, nên việc lựa chọn thuốc để điều trị cho bệnh nhân là một bài toán khó với bất cứ bác sĩ nào.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh- Trưởng bộ môn Tai mũi họng – Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình - BV Tai Mũi Họng Trung ương

Còn về bệnh viêm họng viêm amidan PGS Cảnh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây viêm họng viêm amidan trong đó 70-80% trường hợp là do virus nên việc dùng thuốc kháng sinh là không có tác dụng, điều này chỉ làm cơ thể của chúng ta kháng với các loại kháng sinh. Chỉ khi xác định viêm họng do vi khuẩn việc sử dụng kháng sinh mới cần thiết, tuy nhiên việc lựa chọn kháng sinh nào thì phải do bác sĩ, bởi mỗi một loại viêm họng, mỗi một con vi khuẩn điều trị bằng 1 loại kháng sinh khác nhau.

PGS Cảnh khuyên, khi bị viêm họng do virus chỉ cần xúc họng và điều trị triệu chứng như hạ sốt thuốc giảm ho mà thôi….Việc dùng thuốc bừa bãi không những không cần thiết mà còn gia tăng tình trạng kháng thuốc. Để phát minh ra một loại kháng sinh mới, các nhà khoa học phải mất 10 năm nghiên cứu, nhưng để kháng lại kháng sinh thì chỉ mất thời gian rất ngắn.

Viêm họng mạn tính – cần điều trị tận gốc nguyên nhân

Họng là cửa ngõ đầu tiên tiếp nhận những tác động từ bên ngoài vào cơ thể, nên là cơ quan dễ bị viêm nhiễm nhất. Ngoài ra họng còn ngã tư giữa đường tiêu hóa và  đường hô hấp nên những tác nhân từ bên ngoài vào cơ thể cũng rất đa dạng và phức tạp.

Theo PGS Phạm Tuấn Cảnh viêm họng hay viêm amidan là căn bệnh hầu như ai cũng mắc phải, tuy nhiên đối với trẻ em 1 năm viêm họng viêm amidan vài lần là bình thường, còn đối với người lớn có hệ miễn dịch phát triển hơn nên việc viêm họng viêm amidan giảm đi.

Các bệnh viêm họng hay viêm amidan mạn tính thường là có căn nguyên từ các bệnh liên quan khác như khi bệnh nhân bị viêm xoang dịch mủ xoang chảy xuống họng sẽ gây viêm họng. Cũng có trường hợp viêm họng biến chứng lên xoang, đây là lý do vì sao người ta xếp bệnh tai mũi họng chung một hệ thống vì các cơ quan này liên quan và tác động qua lại nhau.  Những thói quen như hút thuốc lá  cũng là nguyên nhân gây viêm họng mạn tính, hay gần đây người ta thấy tỷ lệ tương đối bệnh nhân bị viêm họng mạn tính do bệnh lý trào ngược dạ dày đó là do dịch axít dạ dày trào ngược cũng gây viêm họng.

PGS Cảnh cho biết, ở bệnh lý viêm họng do trào ngược dạ dày nhiều người mắc nhưng ít  người bệnh cảm nhận được, đó là do tình trạng trào ngược chỉ xảy ra khi ngủ, muốn xác định chính xác bệnh chỉ có bác sĩ qua thăm khám mới xác định được. Với căn bệnh này bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý ăn bữa cuối cùng (bữa tối) sớm, nên cách lúc đi ngủ 4 tiếng vì khi đó thức ăn trong dạ dày đã được tiêu hóa hết, tình trạng trào ngược sẽ ít xảy ra. Nên tránh ăn đồ chiên rán, uống trà, cà phê…. Nói chung với người bị bệnh viêm họng do trào ngược dạ dày bên cạnh việc uống thuốc chế độ ăn và thói quen ăn uống là cực kỳ quan trọng giúp người bệnh nhanh khỏi bệnh.

PGS Cảnh khuyến cáo, việc điều trị viêm họng mạn tính  phải đi tìm  nguyên nhân gây bệnh để điều trị tận gốc, như viêm xoang thì phải điều trị bệnh xoang, nếu do thuốc lá thì người bệnh cần bỏ hút thuốc hoặc là uống thuốc tránh trào ngược nếu bị trào ngược dạ dày….

Nhiều người, đặc biệt là những bà mẹ đang chăm sóc con nhỏ thường chủ quan mỗi khi trẻ bị viêm họng, sốt, nhưng có những biến chứng của viêm họng rất nguy hiểm, nhất là với trẻ em BSCKII Phạm Hưng Củng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Hiệp Hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, viêm họng tưởng là bệnh chỉ bệnh lướt qua họng nhưng cũng có thể "cắn nát tim nếu bị cấp sẽ gây viêm màng ngoài tim hoặc nặng sẽ gây hẹp, hở van hai lá, hoặc biến chứng lên thận gây vô niệu hoặc viêm thận mạn tính.

Để bảo vệ và phòng mắc bệnh viêm đường hô hấp viêm amidan Ths Lê Thị Hải cho rằng cần hạn chế ăn đồ lạnh nhất là vào mùa nóng, giữ ấm cổ, cũng không nên ăn đồ quá nóng, các thực phẩm cay, mặn cần kiêng ăn bởi đây là những thực phẩm có thể làm tổn thương lớp niêm mạc ở họng gây viêm họng viêm amidan

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật