Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp cùng chậu và thuốc trị

Khớp cùng chậu chính là khớp nối giữa đoạn thấp nhất của cột sống là khối xương cùng cụt và phần sau của xương chậu. Viêm khớp cùng chậu là một trong những bệnh lý nghiêm trọng ở hệ xương khớp. Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp cùng chậu như: khi sinh đẻ, tổn thương xương khớp do nhiều nguyên nhân. Việc điều trị viêm khớp cùng chậu chủ yếu là dùng thuốc. Vậy các thuốc thường dùng điều trị bệnh này gồm những nhóm gì, có những lưu ý thế nào khi dùng?

Những dấu hiệu nhận biết viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu có nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất là viêm khớp cùng chậu trong nhóm bệnh lý cột sống; viêm khớp cùng chậu khi mang thai sau đẻ, ít gặp hơn là viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn Một người bị viêm khớp cùng chậu thường có các triệu chứng như sau: đau vùng thắt lưng cùng, đau giữa hai mông, đau vùng chậu hông.

Với triệu chứng đau nhiều khi dễ nhầm lẫn với các bệnh đau do viêm thần kinh tọa thoát vị đĩa đệm hay do căng cứng cơ. Đau có tính chất âm ỉ, kéo dài triền miên làm bệnh nhân rất khó chịu. Một số trường hợp viêm khớp cùng chậu khi mang thai hay sau đẻ, người bệnh đau rất dữ dội, dù ở tư thế ngồi hay nằm nghiêng, nằm sấp, nằm ngửa đều đau, đặc biệt đau tăng khi cử động dù rất khẽ. Đau có thể lan xuống đùi, cẳng chân giống như đau dây thần kinh tọa Thường đau tăng khi đứng lâu, dạng chân, khi đứng dồn lực vào một bên chân hoặc khi chạy, khi leo cầu thang..

Các nhóm thuốc điều trị viêm khớp cùng chậu

Thông thường, khi điều trị viêm khớp cùng chậu có thể dùng một hay phối hợp nhiều nhóm thuốc sau đây:

Thuốc giảm đau đơn thuần: có thể lựa chọn một trong các thuốc giảm đau như acetaminophen; floctafenine; phenylbutazon; indomethacin Chú ý thận trọng khi dùng thuốc đặc biệt ở bệnh nhân suy gan thận hoặc tăng men gan

Thuốc chống viêm không steroid: lựa chọn một trong các loại thuốc kháng viêm không steroid sau phụ thuộc vào đáp ứng của thuốc mức độ đau (lưu ý tuyệt đối không phối hợp thuốc trong nhóm vì không làm tăng tác dụng điều trị mà lại gây nhiều tác dụng phụ): diclofenac viên 50mg hoặc viên 75mg uống sau ăn no. Có thể sử dụng dạng ống tiêm bắp khi bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.

Meloxicam viên 7,5mg uống sau khi ăn no hoặc dạng ống tiêm bắp nếu bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống. Piroxicam viên uống hay ống tiêm 20mg, uống sau khi ăn no hoặc tiêm bắp khi bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống Celecoxib viên 200mg uống sau khi ăn no. Không nên dùng cho bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch và thận trọng hơn ở người cao tuổi.

Thuốc kháng sinh: trong trường hợp viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn hay viêm khớp cùng chậu vô khuẩn nhưng kết hợp có nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục phải dùng thuốc kháng sinh kèm theo. Lưu ý với viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ mang thai cho con bú phải rất thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi hoặc trẻ đang bú.

Ưu tiên sử dụng các thuốc kháng sinh an toàn cho trẻ sơ sinh bao gồm các thuốc thuộc nhóm beta lactam (penicillin, amoxillin, nhóm cephalosporin) hoặc nhóm macrolid (erythromycin...). Kháng sinh thông thường dùng từ 7 - 10 ngày; trường hợp bệnh nặng có thể phải dùng kháng sinh kéo dài 2-4 tuần hoặc tốt nhất là dùng thuốc theo kháng sinh đồ.

Thuốc corticoid: loại tiêm corticoid tại chỗ có thể được chỉ định khi viêm khớp cùng chậu không có nhiễm trùng kèm theo. Việc tiêm thuốc corticoid chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp Có thể dùng một số chế phẩm như hydrocortison, methyl prednisolon (depo medrol) hay betamethasone (diprospan), triamcinolon (K-cort). Lưu ý mỗi mũi tiêm cách nhau 7-10 ngày, tiêm không quá 2 lần/đợt.

Những loại thuốc trên thường được áp dụng điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu. Trong khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ kê đơn, đồng thời cần thực hiện theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc. Bạn tuyệt đối không tự ý sử dụng liều cao hơn hoặc kéo dài thời gian hơn so với chỉ định của bác sĩ. Khi uống thuốc cần nuốt trọn viên thuốc với một cốc nước khoảng 240ml.

Bạn không nên nhai nát hay bẻ nhỏ viên thuốc vì sẽ làm tăng tác dụng kích ứng niêm mạc dạ dày và ảnh hưởng đến hấp thu thuốc. Nếu quên uống một liều, bạn cần uống liều đó ngay khi nhớ ra. Trường hợp thời gian nhớ ra cách thời điểm uống liều tiếp theo dưới 5 giờ thì không uống liều đã quên nữa mà chỉ uống liều tiếp theo đúng lịch.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật