Cảnh báo: Không chủ quan với bệnh bạch hầu bởi những nguy hiểm sau

Bệnh bạch hầu là bệnh rất nguy hiểm vì có khả năng gây biến chứng dẫn đến tử vong, đồng thời có khả năng gây thành dịch (làm cho nhiều người mắc bạch hầu).

Sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Mắc bệnh bạch hầu là do vi khuẩn bạch hầu gây ra vi khuẩn này có loại độc tố cực kỳ mạnh (ngoại độc tố) có khả năng gây nên các thể bệnh như bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản do chất giả mạc che kín thanh quản làm cho bệnh nhân không có không khí để thở gây suy hô hấp cấp và có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời, vì vậy, người ta ví bệnh bạch hầu thanh quản như kiểu chết đuối trên cạn.

Một thể bệnh bạch hầu không kém phần nguy hiểm là bạch hầu cấp gây viêm cơ tim cấp suy tim cấp do độc tố của chúng, nếu chủ quan, phát hiện muộn, không khẩn trương cấp cứu, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu rất dễ dàng, đó là lây theo đường hô hấp do người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu, nói, ho… bắn vi khuẩn vào không khí theo hơi thở và theo các giọt nước bọt nhỏ li ti, khi người lành hít phải, nếu chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt là trẻ em sẽ mắc bệnh bạch hầu, ngay cả người lớn.

Vi khuẩn bạch hầu còn lây lan bởi các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ, nếu một trẻ mắc bệnh, dùng đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, không khí trong nhà ở, lớp học (nếu trẻ đến lớp) sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu, khi trẻ em lành sử dụng các đồ chơi, dụng cụ đó hoặc hít không khí trong phòng có lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu sẽ bị nhiễm bệnh

Nhận biết bệnh

Có 3 (thể) bệnh bạch hầu:

Thể hay gặp nhất là bạch hầu họng, mũi: Ở loại này thời kỳ nung bệnh khoảng vài ba ngày, sau đó có sốt sổ mũi viêm họng nuốt vướng, sau vài ngày sẽ xuất hiện màng trắng ngà (giả mạc), xám, dai, dính chặt vào niêm mạc họng, amiđan rất khó bóc tách, nếu cố bóc tách sẽ chảy máu

Giả mạc phát triển rất nhanh ở amiđan. Người bệnh có biểu hiện nhiễm độc tố (da xanh tái mệt mỏi mạch nhanh huyết áp giảm). Nếu được điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi, nếu không phát hiện và điều trị ngay, loại này sẽ tiến triển thành loại bạch hầu thanh quản.

Bạch hầu thanh quản do niêm mạc bị bao phủ bởi một lớp giả mạc gây khó thở cấp, dẫn đến suy hô hấp (thường ví là chết đuối trên cạn).

Loại thứ ba là bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp), xuất hiện ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2, thứ 3, với các triệu chứng sốt cao (39 - 40oC) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở hôi, hạch góc hàm sưng to đau làm cổ bạnh ra.

Bệnh nhân dần dần bị mệt lả, tím tái, rối loạn nhịp tim khó thở khàn tiếng huyết áp tụt, mạch rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời có thể bệnh trở nên nguy kịch đe dọa tính mạng (tử vong). 

Đề phòng biến chứng

Nguy hiểm nhất của bệnh bạch hầu là gây các biến chứng do độc tố của vi khuẩn bạch hầu cực mạnh cho nên khi bị mắc bệnh rất dễ gây biến chứng nặng, nguy hiểm như làm tổn thương cơ tim gây suy tim cấp Biến chứng có thể xảy ra vào thời kỳ bệnh toàn phát, thậm chí xảy ra muộn hơn sau vài ba tuần khi bệnh bạch hầu đã khỏi (hết sốt, hết giả mạc…).

Có thể bị biến chứng viêm thần kinh gây liệt khẩu cái, liệt chi cơ hoành hoặc liệt dây thần kinh vận động mắt. Liệt cơ hoành có thể dẫn  đến viêm phổi suy hô hấp kèm theo tắc nghẽn đường thở  bởi giả mạc gây ra.

Điều trị bệnh bạch hầu

Khi nghi bị bạch hầu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chữa trị ngay, bởi kháng sinh còn có tác dụng tốt diệt vi khuẩn, nếu nặng có thể được tiêm kháng huyết thanh bạch hầu (kháng thể trung hòa ngoại độc tố bạch hầu) và đo điện tim để theo dõi biến chứng suy tim cấp Bạch hầu thanh quản có thể được mở khí quản để cấp cứu kịp thời tránh nghẹt thở gây suy hô hấp.

Phòng bệnh tốt nhất là tiêm chủng vắc-xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Những người tiếp xúc với trẻ bệnh bạch hầu cũng cần tiêm vắc-xin bạch hầu và uống thuốc kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.

Khi có người mắc bạch hầu cần cách ly không cho tiếp xúc với người lành và cần đeo khẩu trang cho cả người bệnh và người chăm sóc (bố mẹ, ông bà, cô nuôi dạy trẻ …). Cần vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng, dụng cụ mà người bệnh đã sử dụng, nên có chất sát khuẩn mạnh (clorraminB) tẩy uế các dụng cụ, sàn nhà, quần áo chăn, màn… của người bệnh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật