Bệnh ung thư: Căn bệnh nguy hiểm là nỗi ám ảnh... tử thần

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo về mô hình bệnh tật trong thế kỉ 21, các bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe con người, chiếm 54% nguyên nhân gây tử vong ở người. Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ngày càng tăng lên ở Việt Nam đã và đang là gánh nặng đè lên người bệnh và cả cộng đồng. Tuy nhiên, sự hiểu sai về căn bệnh ung thư của 2/3 người dân khi cho rằng “bị ung thư là đối mặt với tử thần” và 70% người mắc ung thư đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn dẫn đến kết quả điều trị kém, tâm lý người bệnh hoang mang, suy sụp...

Gần 120 nghìn người mắc ung thư mỗi năm

Thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế cho biết mỗi năm tại VN có 116.000 người mắc bệnh ung thư mới và số bệnh nhân tử vong hằng năm lên tới 82.000 người.

Theo GS. BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, có tới 80% nguyên nhân gây bệnh ung thư bắt nguồn từ thói quen trong sinh hoạt ăn uống của con người. Các nghiên cứu đã chứng minh khói thuốc lá chứa tới hơn 60 chất độc hại là mầm mống của 15 loại ung thư đối với cả người trực tiếp hút và người hít phải khói thuốc Chế độ ăn uống không hợp lý, không bảo đảm vệ sinh là nguyên nhân gây ra 30% số ca ung thư Khoảng 20% số ca ung thư là do virus vi khuẩn ký sinh trùng

Báo cáo của Dự án Quốc gia về phòng chống ung thư cho thấy, so với các nước, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và thấp hơn so với các nước phát triển như Hoa Kỳ. Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là phổi dạ dày gan đại trực tràng vòm họng thực quản và u lympho ác tính không Hodgkin. Một số loại ung thư phổ biến nhất ở nữ là vú cổ tử cung dạ dày đại trực tràng, phổi, vòm họng, buồng trứngkhoang miệng Tuy nhiên những nỗ lực phòng chống ung thư ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, do thiếu thốn cả về cơ sở trang thiết bị lẫn các thầy thuốc được đào tạo đúng chuyên khoa. Lực lượng cán bộ công tác trong chuyên ngành ung thư còn quá mỏng so với nhu cầu thực tế, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác phòng chống ung thư còn thiếu trong cả nước. Cả nước hiện có 2 cơ sở có khả năng điều trị ung thư toàn diện là bệnh viện K và bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có một số khoa ung thư trong các bệnh viện đa khoa một số tỉnh, thành phố như Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Bệnh viện U bướu Hà Nội Hải Dương, Thanh Hoá, Khoa Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa Y học hạt nhân và điều trị ung bướu Bệnh viện Bạch Mai... nhưng trang thiết bị thiếu và không đồng bộ.

Phần lớn người bệnh đến viện muộn

Kết quả khảo sát kiến thức về phòng chống ung thư của Chương trình mục tiêu Quốc gia Phòng chống ung thư ở 12.000 người tại cộng đồng được báo cáo tại Hội thảo quốc gia phòng chống ung thư lần thứ 15 (tháng 10/2010) cho thấy, chỉ có 35% số người trả lời đúng về ung thư, hơn 67% cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm hay muộn không đưa lại hiệu quả gì, 35,8% cho rằng khi mắc ung thư nếu “đụng dao kéo” sẽ di căn sớm và chết nhanh. Những quan niệm sai lầm này đã dẫn đến trên 70% người mắc ung thư vào viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Cụ thể, tỉ lệ bệnh nhân khám ung thư vú ở giai đoạn sớm chỉ chiếm 35% trong khi giai đoạn 3 và 4 chiếm 65%.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do ở Việt Nam chưa có các trung tâm, chương trình sàng lọc ung thư và các biện pháp chẩn đoán, điều trị còn bị hạn chế (do không phải cơ sở y tế nào cũng làm được). Tại tuyến huyện và tuyến xã, nhân viên y tế còn hiểu biết rất ít về công tác phòng chống ung thư. Đây là tuyến hết sức quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng, có nhiệm vụ phát hiện sơ bộ ban đầu để chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn. Điều này khiến quãng thời gian kéo dài sự sống bị thu hẹp đáng kể và tốn kém rất lớn về mặt kinh tế.

Kết quả điều trị tốt nếu phát hiện sớm

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, 1/3 số người bị ung thư có thể phát hiện sớm, 1/3 có thể dự phòng, 1/3 có thể kéo dài thêm sự sống. Các chuyên gia y tế khẳng định, khoảng 30% số ca ung thư nếu được phát hiện sớm thì có thể chữa trị tốt, 30% số ca bệnh phát hiện muộn có thể và cần chăm sóc, điều trị tích cực để kéo dài cuộc sống

Tại hội thảo “Ung thư - Vượt lên và chiến thắng” do Hội dinh dưỡng Việt Nam tổ chức ngày18/9/2011, các chuyên gia về ung thư cho biết, việc phát hiện, chữa trị đúng, cộng với chế độ dinh dưỡng tốt và tinh thần tự tin lạc quan vượt qua bệnh tật của người bệnh là những yếu tố giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư

Hiện các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới đều đã được áp dụng tại Việt Nam như phẫu thuật nội soi tạo hình xạ trị điều biến liều, xạ phẫu định vị, ứng dụng kháng thể đơn dòng kháng sinh mạch kết hợp với hóa chất thế hệ mới... Nhờ các thành tựu đạt được trong phát hiện bệnh sớm và điều trị nên hiệu quả điều trị bệnh ung thư ngày càng được cải thiện. Một số bệnh ung thư như ung thư vú tỷ lệ chữa khỏi đã đạt tới 70%. Do đó người bệnh và cộng đồng cần được nâng cao nhận thức về bệnh ung thư: cách phòng, phát hiện và đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật