Nguy cơ tử vong khi mang thai với phụ nữ bệnh tim, bạn có biết?

Với những sản phụ bị bệnh tim thì thai nghén trở thành một gánh nặng và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

Trong quá trình mang thai cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về giải phẫu, huyết học nội tiết tuần hoàn… làm tăng dần gánh nặng lên hệ tuần hoàn
Những người khỏe mạnh thì hệ thống tim mạch có thể thích ứng được nhưng những sản phụ bị bệnh tim thì thai nghén trở thành một gánh nặng và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong cho cả mẹ và thai nhi

Kiểm tra chức năng tim mạch trước khi có thai

Phụ nữ bị bệnh tim nên được đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi mang thai Việc thăm khám cẩn thận tình trạng tim mạch và đánh giá khả năng gắng sức là hết sức quan trọng để xác định khả năng dung nạp của bệnh nhân với những thay đổi về huyết động trong quá trình mang thai và nguy cơ bị biến chứng trong thời kỳ chuyển dạ và đẻ. Đánh giá tình trạng tim mạch bao gồm hỏi tiền sử và khám thực thể cẩn thận, làm điện tâm đồ 12 chuyển đạo, siêu âm Doppler tim. Trắc nghiệm gắng sức có đo mức độ tiêu thụ ôxy rất hữu ích để đánh giá mức độ suy tim một cách khách quan. Việc lượng giá trước nguy cơ của thai nghén dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và các thăm dò cận lâm sàng nên được bàn bạc với bệnh nhân và các thành viên trong gia đình bởi cả bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa. Khi dự định có thai, các thuốc có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi nên ngừng lại.

Trong một số trường hợp có sự thay đổi một cách sinh lý về giải phẫu và chức năng của hệ thống tim mạch trong thời kỳ mang thai có thể gây ra các triệu chứng và dấu hiệu giống như bệnh tim Các triệu chứng này bao gồm mệt mỏi giảm khả năng gắng sức, thở gấp, hồi hộp chóng mặt và thậm chí ngất. Khám thực thể thường phát hiện thấy tĩnh mạch cảnh đập phù chân sờ thấy mỏm thất phải đập và nghe thấy tiếng thổi tâm thu. Do vậy, trong nhiều trường hợp cần phải làm các thăm dò để có thêm thông tin chính xác về tình trạng tim mạch trước khi quyết định điều trị.

Thời kỳ mang thai cần chú ý gì?

Chăm sóc trong quá trình mang thai bao gồm sự phân loại và đánh giá mức độ trầm trọng của bệnh cũng như tình trạng của bệnh nhân. Việc thăm khám trong quá trình mang thai nên định kỳ hằng tháng đối với các bệnh nhân có bệnh nhẹ và 2 tuần với các bệnh nhân có bệnh mức độ trung bình đến nặng cho đến tuần thứ 28-30, sau đó thăm khám hằng tuần cho đến khi sinh. Khi cần thiết phải sử dụng thuốc để điều trị, nên sử dụng liều thuốc thấp nhất có hiệu quả điều trị cho mẹ và an toàn cho thai nhi Nguyên nhân tử vong do các bệnh tim mạch thường gặp là tăng huyết áp (12%) và các bệnh tim khác (20%). Để hạn chế biến chứng, các phụ nữ bị bệnh tim mà mang thai cần phải có sự tư vấn cẩn thận, theo dõi chặt chẽ và điều trị tích cực của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và chuyên khoa sản.

Giai đoạn chuyển dạ, đẻ và ngay sau đẻ

Thời điểm và cách thức đẻ nên được bàn luận và quyết định bởi bác sĩ sản khoa, bác sĩ tim mạch và bác sĩ gây mê sản khoa. Nói chung, đẻ đường dưới với gây tê giảm đau phù hợp và việc làm ngắn giai đoạn 2 của thời kỳ đẻ thì an toàn và có thể thực hiện được ở hầu hết các bệnh nhân có bệnh tim. Phẫu thuật lấy thai có nguy cơ bị biến chứng cao hơn nên được tiến hành theo chỉ định của sản khoa và trong một số trường hợp các bệnh nhân có tình trạng huyết động không ổn định. Theo dõi huyết động trong quá trình chuyển dạ và đẻ được khuyến cáo cho các bệnh nhân có triệu chứng và ở các bệnh nhân có van tim bị hẹp mức độ vừa đến nặng, rối loạn chức năng thất trái, và tăng áp động mạch phổi.

Thay vì mất máu khi sinh, giai đoạn sớm sau khi sinh có sự tăng dòng máu tĩnh mạch trở về tim gây ra bởi sự di chuyển của máu từ tử cung trống rỗng vào trong tuần hoàn hệ thống, giảm áp lực đè ép của tử cung vào hệ tĩnh mạch, sự di chuyển của dịch từ các chi và từ phần thấp của cơ thể vào trong lòng mạch. Những thay đổi về huyết động đó có thể dẫn đến suy tim do vậy cần phải tiếp tục theo dõi huyết động 12-24 giờ sau khi sinh.

Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Kháng sinh dự phòng đã được khuyến cáo cho các bệnh nhân bệnh tim được phẫu thuật hay làm các thủ thuật chảy máu Các bệnh nhân bị bệnh tim có tỷ lệ bị nhiễm khuẩn huyết cao hơn khi chuyển dạ và đẻ vi khuẩn được phát hiện thấy trong máu ở 14% phụ nữ sau khi chuyển dạ hay vỡ ối và rất nhiều vi khuẩn phân lập được có khả năng gây viêm nội tâm mạc

Khi bị biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn tỷ lệ tử vong của mẹ khoảng 22% và thai nhi khoảng 15%. Vì bệnh nhân bệnh tim có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn máu thậm chí cả trong quá trình sinh nở không biến chứng, hậu quả nặng nề của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và giá thành điều trị tương đối thấp nên việc sử dụng kháng sinh dự phòng khi chuyển dạ được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân có bệnh tim.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 200 triệu phụ nữ có thai, trong số đó có khoảng 500.000 sản phụ bị tử vong do các biến chứng có liên quan đến thai nghén, trong số này 86% phụ nữ có thai và 99% sản phụ tử vong là ở các nước đang phát triển.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật