Các kiểu đau trong bệnh xương khớp và cách điều trị

Đau thường là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đi khám bệnh, nhất là đau trong các bệnh về cơ xương khớp.

Đau thường là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đi khám bệnh, nhất là đau trong các bệnh về cơ xương khớp. Ngược lại có những thể bệnh gây hủy hoại rất nhiều về cấu trúc và chức năng của xương khớp, nhưng bệnh nhân bị mất hay giảm cảm giác nên không nhận biết được đau.

Các kiểu đau trong bệnh xương khớp

Căn cứ nguyên nhân gây đau người ta chia ra hai loại là đau cơ học và đau do viêm.

Đau cơ học là cơn đau khi người bệnh cử động, bệnh nhân càng sử dụng phần cơ thể bị bệnh để tập thể dục làm việc... thì càng thấy đau. Bệnh nhân cũng có thể có cảm giác đơ cứng vùng tay chân bị bệnh sau khi nghỉ ngơi một khoảng thời gian, nhưng triệu chứng cứng khớp thường không kéo dài quá nửa giờ.

Đau kiểu viêm thường xuất hiện vào ban đêm, nhất là khi gần sáng. Đối với dạng bệnh tiến triển nặng thì triệu chứng đau có thể kéo dài suốt ngày đêm. Cơn đau không thuyên giảm khi bệnh nhân nằm nghỉ và đau liên tục khiến bệnh nhân mệt mỏi mất ngủ thậm chí bị căng thẳng thần kinh.

Đi kèm với triệu chứng đau còn có các dấu hiệu viêm là sưng, nóng, đỏ. Đôi khi có triệu chứng cứng khớp xuất hiện vào sáng sớm, khi thức dậy và kéo dài hàng giờ. Những cơn đau dữ dội về đêm, không thuyên giảm dù đã được điều trị tích cực với nhiều loại thuốc có thể là biểu hiện của bệnh lý ác tính.

Những bệnh xương khớp gây đau kiểu cơ học là: loãng xương và biến chứng (gãy xương); hoại tử xương; thoái hóa các khớp: gối, vai cột sống háng...; bệnh lý gân và dây chằng; hội chứng loạn dưỡng đau (thời kỳ loãng xương).

Các bệnh xương khớp gây đau kiểu viêm gồm: nhiễm khuẩn xương khớp; viêm khớp dạng thấp; viêm khớp phản ứng; viêm khớp do gút; thấp khớp cấp; hội chứng loạn dưỡng đau...

Giảm đau xương khớp bằng cách nào?

Biện pháp không dùng thuốc: giảm áp lực ở khớp bằng cách cho các khớp bị viêm được nghỉ ngơi; giảm chịu lực cho khớp: cố định bằng nẹp, dùng nạng chống hoặc các dụng cụ chuyên dùng giúp đi bộ, giúp giảm áp lực ở các khớp bị đau; tập luyện phù hợp với từng bệnh; vật lý trị liệu: xoa bóp xung điện, tập thụ động và chủ động... bệnh nhân cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để giúp cơ xương khớp mau hồi phục: tăng cường chất đạm vitamin và khoáng chất calci, phospho magie

Sử dụng thuốc điều trị: thuốc giảm đau chống viêm thông thường thuốc bôi ngoài da thuốc kháng viêm không steroid.

Tuy nhiên cơ bản là điều trị theo nguyên nhân của bệnh chẳng hạn viêm khớp dạng thấp dùng các thuốc chống thấp khớp: methotrexate, cyclosporin A, kháng interleukin; các bệnh tự miễn như viêm đa cơ viêm da cơ, xơ cứng bì... dùng thuốc điều hòa đáp ứng miễn dịch corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch như: azathioprin, cyclophosphamide...;

Thoái hóa khớp dùng các thuốc làm thay đổi cấu trúc của sụn khớp như: glucosamine sulfate, piascledin...; loãng xương thì dùng các thuốc chống hủy xương và tăng tạo xương: calcitonin, SERM, rPTH...; lao xương dùng các thuốc kháng lao; viêm khớp nhiễm khuẩn dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Ngoài ra còn cần phải điều trị các biến chứng về tiêu hóa tim mạch và các biến chứng thận, huyết học, xương sức đề kháng

Xử trí khi bị đau xương khớp tại nhà

Khi bệnh nhân thấy xuất hiện cơn đau cấp tính ở một vùng cơ xương khớp cần thực hiện: nghỉ ngơi, tránh các cử động không cần thiết nơi đau; tránh cắt lể; có thể sử dụng một số thuốc giảm đau chống viêm trong vài ba ngày đầu bằng các thuốc: paracetamol liều 500-1.000mg đối với người lớn; thuốc bôi ngoài da (không chà sát hay xoa bóp mạnh); thuốc kháng viêm không steroid như diclofenac oxicam, coxib...

Bệnh nhân nên sử dụng nạng giúp đi lại giảm áp lực lên khớp đau; dùng nẹp cố định khớp đau. Trong khi đau cấp bệnh nhân cần tránh các hoạt động mạnh, nhưng vẫn phải duy trì vận động nhẹ nhàng tuần tự để tránh các hiện tượng co cơ hay teo cơ.

Điểm lưu ý quan trọng là đối với những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hen suyễn bệnh mạn tính về tim mạch thận gan phụ nữ có thai hay đang cho con bú cần thận trọng khi dùng thuốc để tránh tai biến do thuốc gây ra. Tuyệt đối không nên sử dụng các đơn thuốc của người khác hoặc tự ý mua thuốc uống.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật