Sùi mào gà, hẹp bao quy đầu- những câu chuyện dở khóc dở cười
MC:Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi PGS.TS Lê Hữu Doanh, xin ông cho biết nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà và biểu hiện chính của căn bệnh này là gì?
PGS.TS Lê Hữu Doanh:Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục nằm trong nhóm các bệnh do virus gây nên, cụ thể bệnh sùi mào gà do virus HPV gây nên. Virus HPV có hơn 100 tuýp khác nhau, không phải tất cả các tuýp gây bệnh sùi mào gà, trong đó có 20-30 tuýp gây bệnh sùi mào gà. Tổn thương hay gặp nhất là sùi ở vùng sinh dục ở nam và nữ. Nguyên nhân do quan hệ tình dục gây nên hoặc do trầy xước hoặc tiếp xúc trong quá trình chăm sóc, đôi khi là do biến cố trong quá trình thủ thuật.
MC: Các ông bố bà mẹ có con trai rất hay lo lắng con mình bị hẹp bao quy đầu. Vậy xin hỏi ThS.BS Hồng Quý Quân, dấu hiệu nào nhận biết trẻ hẹp bao quy đầu? Và cách xử trí hẹp bao quy đầu hiệu nay ra sao?
ThS.BS Hồng Quý Quân: Xin nói về giải phẫu của bao qui đầu. Bao qui đầu là lớp mỏng bao phủ trên qui đầu của dương vật gồm 2 lớp, lớp da bên ngoài và lớp niêm mạc bên trong dính sát vào qui đầu. Hẹp bao qui đầu nghĩa là tình trạng bao qui đầu không lộn ra được để hở phần qui đầu và lỗ đái làm cho trẻ gặp khó khăn trong việc đi tiểu và khi đi tiểu thì trẻ phải rặn và bao qui đầu sưng phồng lên, nhiều trường hợp do vệ sinh kém, chăm sóc kém dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm bao qui đầu. Bệnh nhân có thể sưng ngứa vùng qui đầu và chảy mủ ở qui đầu thì đó là triệu chứng lâm sàng để phát hiện hẹp bao qui đầu. Có hai loại hẹp bao qui đầu: đó là hẹp bao qui đầu sinh lý và hẹp bao qui đầu bệnh lý.
Hẹp bao qui đầu sinh lý là bao qui đầu dính một cách tự nhiên với qui đầu, đa phần trẻ sơ sinh đều có hiện tượng này khoảng trên 95% và các bậc phụ huynh không nên lo lắng về hiện tượng này vì khi trẻ lớn lên thì bao qui đầu sẽ tự long ra và đến tuổi trưởng thành thì tỉ lệ hẹp chỉ còn là 1% cho nên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về hiện tượng này và không nên căng thẳng và đưa trẻ đi viện ngay và làm các thủ thuật để can thiệp vào bao qui đầu. Chính những can thiệp quá đà sẽ gây ra những hiện tượng như sẹo xơ, hẹp bao qui đầu bệnh lý đến lúc đó thì trẻ sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật thì mới giải quyết triệt để được.
MC:Sùi mào gà được biết đến là căn bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục, nhưng qua vụ việc mới đây tại Khoái Châu, Hưng Yên, ông có thể lý giải căn bệnh này lây truyền sang trẻ em thế nào?
PGS.TS Lê Hữu Doanh:Sùi mào gà trẻ em đường lây khác với người lớn. Đối với trẻ còn nhỏ là do quá trình sinh nở hoặc do lây nhiễm trong quá trình chăm sóc khi bố mẹ bị bệnh sùi mào gà không phải là bệnh dễ lây, vì sùi mào gà thường là do xây xước, tổn thương ở vùng sinh dục kèm theo có sự xuất hiện của virus HPV thì mới mắc. Một nguyên nhân nữa do chăm sóc y tế hoặc can thiệp về mặt y tế tại vùng sinh dục không được vô khuẩn. Một nguyên nhân nữa có thể đề cập trong y văn là do tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em bệnh sùi mào gà mới xuất hiện ở trẻ em.
Vào tháng 5-6, đặc biệt là tháng 7/2017 bệnh viện da liễu TW đã tiếp nhận một số lượng gấp đôi các trường hợp sùi mào gà ở trẻ em, đặc biệt ở 1 địa phương là ở Hưng Yên. Các em đều là nam, có thực hiện thủ thuật y khoa nong để điều trị hẹp, hoặc chít hẹp bao quy đầu Tiền sử có thể là 1 tháng hoặc 1 năm các cháu xuất hiện tổn thương. Qua kiểm tra bố mẹ các cháu, chúng tôi không phát hiện các bố mẹ các cháu mắc bệnh. Nên chúng tôi nghiêng nhiều về khả năng các cháu mắc bệnh do sự can thiệp y tế gây ra số lượng lớn các cháu bị nhiễm bệnh như vậy.
MC:Quay trở lại với bệnh sùi mào gà – đây là căn bệnh lây truyền khiến nhiều người lo lắng nếu đi khám phụ khoa hay nam khoa thì có dễ bị lây bệnh không thưa bác sĩ? Hiện nay có những phương pháp nào điều trị căn bệnh này, và có thể chữa dứt điểm được không? Xin được hỏi PGS.TS Lê Hữu Doanh?
PGS.TS Lê Hữu Doanh:Về nguyên tắc, khi đi khám bệnh, nhất là tại các cơ sở công lập và các cơ sở đạt tiêu chuẩn không thể bị lây bệnh bởi tại các cơ sở y tế đã có quy trình đầy đủ và công tác vô khuẩn, vệ sinh. Nên việc đi khám bệnh tại các cơ sở y tế không thể bị mắc bệnh.
Sùi mào gà do HPV gây nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Nên việc điều trị bệnh lý sùi mào gà chỉ có mục đích loại bỏ tổn thương có sùi , đồng thời virus trên bề mặt da có thể bị đào thải. Số lượng tổn thương ít đi, số lượng virus ít đi , cơ thể tốt và thải trừ ra. Có thể chấm một số loại axit, một số chất bôi ức chế quá trình phát triển của virus, đốt điện hoặc đốt lazer thuốc bôi kích thích miễn dịch tại chỗ giúp loại trừ virus đó.
MC:Tại Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, BV Việt Đức, số trẻ đến khám và cắt bao quy đầu có nhiều không thưa bác sĩ? Tôi được biết có những trường hợp trẻ mới 2 hoặc 3 tháng tuổi đã được đưa đi nong tách, cắt bao quy đầu, điều này liệu có nên hay không? Bác sĩ có lời khuyên gì cho phụ huynh?
ThS.BS Hồng Quý Quân:Hiện các bậc phụ huynh lo lắng đưa con đi khám nhiều nhưng chúng tôi thường khuyên các bậc phụ huynh không can thiệp gì và hướng dẫn gia đình về tự nong bao qui đầu một cách nhẹ nhàng và từ từ. Tại bao qui đầu cần có thời gian để giãn ra dần và nong ra dần chứ không thể ngày 1 ngày 2 được.
honghoa9x:Tôi mới sinh con trai đầu lòng được 1 tháng tuổi. Tôi được các mẹ bỉm sữa cảnh báo đẻ con trai rất dễ bị hẹp bao quy đầu nên phải nong bao quy đầu từ bé cho trẻ mỗi khi tắm. Tôi chưa có kinh nghiệm về việc này nên không biết phải làm như thế nào. Mong bác sĩ hướng dẫn cách để tự nong tại nhà. Ngoài ra tôi có cần làm gì nữa không để hạn chế hẹp bao quy đầu cho trẻ.
ThS.BS Hồng Quý Quân: Đây là băn khoăn của nhiều bà mẹ khi đưa con đến khám tại khoa phẫu thuật nhi bệnh viện Việt Đức cũng hướng dẫn các bậc phụ huynh là trẻ nhỏ sơ sinh thì 95% hẹp bao quy đầu sinh lý thì các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng và sẽ tiến hành nong bao quy đầu tại nhà bằng cách nong nhẹ nhàng bao qui đầu từ trước ra sau để bao qui đầu lộn ra từ từ. Thủ thuật này cũng mất nhiều thời gian và phải kiên trì và phải làm hàng ngày, nên làm khi tắm cho trẻ lúc này da bao qui đầu mềm mại thì sẽ tiến hành nong một cách dễ dàng hơn hoặc khi trẻ vừa tắm xong cho trẻ nằm ngửa trên giường thì mình có thể nong nhẹ nhàng. Nếu 1-2 tháng mà bao qui đầu không nong ra được thì mới dùng các biện pháp hỗ trợ khác như dùng thuốc bôi như beta methazone 0,05% bôi nhẹ nhàng vào bao qui đầu ngày 1 lần và mátxa để thuốc ngấm vào bao qui đầu và mình nong như trên thì dần dần bao qui đầu sẽ nong ra.
Nếu sau khi tự nong mà một tháng không được thì tiến hành bôi thuốc và kết hợp nong mà không được thì sau khoảng 2 tháng thì đến các cơ sở y tế chuyên khoa về Nhi để các bác sĩ hướng dẫn trực tiếp.
MC:Vậy bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân trong việc phòng tránh căn bệnh sùi mào gà?
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Đối với trẻ em, hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccin. Hiện nay có 2 loại, tuy nhiên cũng giảm được hơn 95% nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà, nhất là đối với trẻ nữ. Thứ 2, cha mẹ cần cẩn thận trong quá trình chăm sóc y tế cho con bởi đây là bệnh do nghi ngờ chăm sóc y tế. Khi nào cần thiết cha mẹ mới cần can thiệp, nếu phải can thiệp nên chọn những cơ sở y tế có uy tín.
Đối với người lớn, nên chung thủy 1 vợ 1 chồng, 1bạn tình, hoặc dùng các biện pháp để bảo vệ, phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung. Nếu khi xuất hiện các tổn thương bất thường về mặt sinh dục, cần đi khám ngay. Nên khám tại các cơ sở chuyên khoa để trị đúng bệnh, tránh các biến chứng có thể gặp phải.
Một bạn gái giấu tên:Thưa các chuyên gia, hiện chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc chờ được các bác sĩ giải đáp. Một bạn gái có hỏi: Cháu năm nay 22 tuổi, cháu hiện là sinh viên và đã có quan hệ tình dục. Gần đây cháu biết bạn trai mắc bệnh sùi mào gà, cháu rất lo sợ. Làm sao để cháu có thể phát hiện sớm bệnh này? Cháu nghe nói có vaccine phòng bệnh sùi mào gà, cháu có nên đi tiêm hay không? Nếu tiêm có phòng được bệnh suốt đời hay không thưa bác sĩ?
PGS.TS Lê Hữu Doanh:Tôi khuyên bạn nên đi khám chuyên khoa để biết xem bạn có bị bệnh hay không. Đối với việc tiêm vaccin, người ta thường khuyến cáo cho trẻ từ 9 tuổi trở lên. Đối với bạn đã 22 tuổi, bạn vẫn có thể tiêm được. Hiện nay vaccin có 4 tuýp, trong đó có 2 tuýp hay gặp nhất ở nữ vì chúng ta không biết nếu mắc bạn mắc tuýp nào trong 4 tuýp. Việc tiêm vaccin sẽ giúp bạn phòng rất cao trong 4 tuýp hay gặp nhất, tiêm vaccin có thể phòng bệnh suốt đời ở những tuýp phổ biến nhất.
Một bạn đọc (TP Hồ Chí Minh): Thưa bác sĩ, tôi năm nay 33 tuổi, tôi vừa đi khám ở BV Da liễu TP.HCM được bác sĩ chẩn đoán bị sùi mào gà ở lưỡi và cổ họng. Xin hỏi bác sĩ, bệnh của tôi thể trở thành ung thư hay không? Làm thế nào để phòng bệnh tái phát?
PGS.TS Lê Hữu Doanh:Sùi mào gà ngoài xuất hiện ở vùng sinh dục còn có thể gặp ở miệng và lưỡi. Ở bệnh viện da liễu TW chúng tôi cũng gặp một số trường hợp, nhất là những trường hợp có quan hệ tình dục bằng đường miệng. Đến nay, sùi mào gà vùng lưỡi điều trị rất khó, bởi nếu đốt tổn thương ở vùng lưỡi gây khó cho người bệnh trong việc ăn uống và sinh hoạt. Sùi mào gà vùng miệng thường điều trị nhiều lần, tổn thương ở miệng nếu không được điều trị kịp thời khả năng bị loạn sản và tiến triển thành ung thư là có, đặc biệt các trường hợp nhiễm HPV ở tuýp có nguy cơ cao, có thể có ung thư lưỡi. Tuy nhiên ung thư lưỡi do HPV tỷ lệ thấp hơn so với các bệnh lý viêm mạn tính khác.
Huyền Lê: Con trai tôi hơn 6 tuổi, từ bé đã nhiều lần bị sưng đầu “chim”, lúc đi tiểu thì bị lệch tia, tia đái bé, những lần sưng đau đến khám, bác sĩ bảo rằng cháu bị hẹp bao quy đầu, đã nhiều lần khuyên cắt bao quy đầu cho cháu nhưng tôi sợ gây mê ảnh hưởng tới sức khỏe nên chỉ nong giãn cho cháu thôi. Vậy có phải cắt không ạ?
ThS.BS Hồng Quý Quân: Hiện tượng của con bạn là bao qui đầu không được lộn ra và các chất tiết của bao qui đầu cộng với nước tiểu sẽ đọng lại trong bao qui đầu và gây hiện tượng viêm bao qui đầu thì cháu sẽ có hiện tượng bao qui đầu sưng và chảy mủ. Đầu tiên phải điều trị cho hết tình trạng viêm bằng cách rửa vệ sinh và dùng thuốc kháng sinh đường uống và đường bôi tại chỗ. Sau khi hết viêm thì sẽ tiến hành nong bao qui đầu, nong nhẹ nhàng và rửa vệ sinh. Nếu sau đó tình trạng viêm vẫn tái phát thì phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám để các bác sĩ chẩn đoán xem có phải hiện tượng hẹp bao qui đầu bệnh lý tức là bao qui đầu bị xơ sẹo không lộn ra được thì lúc đó phải tiến hành can thiệp phẫu thuật cắt phần xơ hẹp để việc lộn bao qui đầu dễ dàng hơn.
MC: Con tôi năm nay hơn 3 tuổi, cháu đi lớp và rất hay nhịn tiểu, cháu ít khi đi vệ sinh ở trường mà chỉ về nhà mới đi. Nhiều lần đi tiểu cháu thường khóc kêu đau, phần da đầu dương vật phồng lên, nước tiểu ít. Tôi rất lo lắng không biết có phải cháu bị hẹp bao quy đầu hay không thưa bác sĩ? Làm cách nào để động viên và hướng dẫn con đi tiểu trên lớp mỗi khi con có nhu cầu. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Mẹ Bonbon, Hà Nội.
ThS.BS Hồng Quý Quân: Qua các triệu chứng bạn kể thì con bạn đã có hiện tượng hẹp bao qui đầu. Đi tiểu khó, tiểu đau và bao qui đầu sưng phồng mỗi khi đi tiểu. Thứ nhất phải xem nguyên nhân hẹp bao qui đầu và xử trí hẹp bao qui đầu để trẻ đi tiểu dễ dàng và trẻ không sợ khi đi tiểu và nguyên nhân cần tìm hiểu xem là nhà vệ sinh của trường học có sạch sẽ không để trẻ thoải mái trong việc đi vệ sinh. Nhiều nhà vệ sinh trường học không được sạch sẽ khiến trẻ sợ đi vệ sinh nên trẻ thường nhịn đi tiểu, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Một khán giả nam (Kỹ sư xây dựng): Tôi đi khám khi thấy xuất hiện mụn cóc ở dương vật, bác sĩ da liễu bảo tôi bị sùi mào gà và cho tôi đi nạo, đồng thời cho thuốc về uống thấy khỏi một thời gian. Tuy nhiên gần đây tôi vẫn thấy dưới da dương vật các mụn cóc sắp nổi lên, khi kéo căng da thấy hột trắng dưới da, tôi cũng ngứa tại vùng đó. Tôi nghe nói bệnh này rất dễ tái phát, và không thể chữa khỏi. Tôi rất lo sẽ lây bệnh này cho vợ con. Xin hỏi bác sĩ làm thế nào để tránh lây bệnh cho vợ con mình? Sức khỏe của tôi sau này có bị ảnh hưởng không?
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Bệnh của bạn bản chất là bệnh sùi mào gà. Sùi mào gà ở nam ngoài tổn thương ở vùng dương vật quy đầu, còn có thể gặp ở vùng bìu mu, hoặc bẹn. Nguyên tắc là điều trị các tổn thương, sau khi điều trị hết tổn thương virus sẽ ra khỏi cơ thể, bệnh nhân cần định kỳ theo dõi. Có thể định kỳ 3 tuần theo dõi 1 lần, sau đó có thể kéo dài hơn, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng theo dõi 1 lần để xem bệnh có tái phát hay không.
Để phòng tránh bạn cần tuyệt đối không quan hệ tình dục Nếu sùi mào gà ở nam bao cao su chỉ bảo vệ được ở vùng bao cao su che phủ thôi. Nếu sùi mào gà ở vùng bẹn, mu thì bạn tình vẫn có thể lây nhiễm do không được bao phủ được. Cần tuyệt đối không quan hệ tình dục cho đến khi điều trị khỏi.
Độc giả: Thưa bác sĩ tôi năm nay 25 tuổi, vừa mới ra trường, tôi có một chuyện rất khổ tâm là dương vật của tôi không thể lộn ra được. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng tôi được biết có thể mình bị hẹp bao quy đầu, có phải nếu bị bệnh này sẽ rất khó có con hay không? Nếu phải phẫu thuật có phức tạp hay nguy hiểm không, xin bác sĩ cho tôi biết? Tôi xin cảm ơn.
ThS.BS Hồng Quý Quân: Theo nghiên cứu thì đến 17 tuổi thì tỉ lệ hẹp bao qui đầu chỉ còn 1% thì bạn nằm trong số 1% đó. Nếu hẹp bao qui đầu để lâu gây tình trạng viêm nhiễm ngược dòng lên thì sẽ gây nên khó khăn trong việc sinh sản sau này vì sẽ gây viêm đường tiết niệu viêm tinh hoàn dẫn đến việc sinh sản sẽ kém. Việc cắt bao qui đầu nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa công lập để thăm khám, đánh giá xem hẹp như thế nào để các bác sĩ tư vấn phương pháp tốt nhất cho bạn có thể tiến hành thủ thuật nong, bôi thuốc. Nếu trường hợp bạn bị xơ sẹo bệnh lý thì sẽ tiến hành cắt bao qui đầu.
Một bạn đọc giấu tên:Tôi là công nhân lao động xa nhà, xa vợ con. Tôi có đi theo bạn bè quan hệ tình dục với gái mại dâm để giải quyết nhu cầu sinh lý nhưng rất lo sợ sẽ mắc các bệnh xã hội. Gần đây tôi nghe nói nhiều đến bệnh sùi mào gà, xin hỏi nếu dùng bao cao su khi quan hệ tình dục thì có tránh hoàn toàn được bệnh này không thưa bác sĩ? Sau quan hệ tình dục bao lâu thì biết mình mắc bệnh, nếu chẳng may mắc thì nên điều trị ở đâu uy tín?
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Chúng tôi thường gặp khá nhiều bệnh nhân hỏi về vấn đề này. Về nguyên tắc phòng chống bệnh sùi mào gà nên quan hệ 1 vợ 1 chồng bao cao su là biện pháp hữu hiệu trong việc phòng chống các bệnh quan hệ qua đường tình dục. Tuy nhiên, chúng tôi gặp nhiều trường hợp, họ quan hệ bằng nhiều đường khác như quan hệ bằng đường miệng, đường hậu môn, nhiều người nghĩ rằng quan hệ bằng miệng không bị lây bệnh. Vì vậy chúng tôi thường tư vấn cho những đối tượng nguy cơ cao, cần sử dụng bao cao su trong mọi quan hệ kể cả đường miệng hoặc các vị trí khác.
Thời gian mắc bệnh sùi mào gà ở mỗi người thường không giống nhau, thời gian trung bình là 3 tuần đến vài tháng, có người 8 tháng hay 1 năm mới xuất hiện tổn thương. Hầu hết chỉ khi xuất hiện tổn thương ở vùng sinh dục (đám sùi) mới biết mình bị mắc sùi mào gà. Bệnh sùi mào gà không có triệu chứng cơ năng như đau rát, ngứa, đái buốt, đái rắt. Khi có tổn thương sùi to mới phát hiện bệnh nhân bị sùi mào gà. Chính vì thế, nhiều trường hợp khi xuất hiện sùi ở vùng sinh dục thường tìm đến các cơ sở đông y các cơ sở có yếu tố nước ngoài điều trị, có bệnh nhân để lại nhiều biến chứng mới tìm đến chúng tôi. Nên việc chọn những cơ sở đúng chức năng, có thẩm quyền, uy tín điều trị là cần thiết. Cần thận trọng trước những thông tin quảng cáo của các cơ sở y tế cho rằng có thể điều trị khỏi 100% căn bệnh này.
Độc giả:Con trai tôi đã được nong bao quy đầu. Xin bác sĩ cho biết các cách để giữ gìn vệ sinh cho cháu để cháu không bị nhiễm trùng, lây bệnh. Có cần thiết phải ngày nào cũng rửa qua nước muối sinh lý không? Xin cảm ơn bác sĩ.
ThS.BS Hồng Quý Quân: Sau khi được nong bao qui đầu thì hàng ngày ở nhà cháu vẫn phải tiếp tục. Nếu cháu lớn thì bố mẹ hướng dẫn cháu cách nong bao qui đầu và rửa hàng ngày khi tắm, nếu cháu con bé thì vẫn phải tiếp tục hỗ trợ con hàng ngày nong rửa để đảm bảo các chất tiết của niêm mạc bao qui đầu, qui đầu được đưa ra ngoài không tích tục trong bao qui đầu và gây nhiễm trùng
Độc giả: Vừa rồi con tôi đi khám sức khỏe định kỳ ở lớp, các bác sĩ nói cháu bị hẹp bao quy đầu, cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa. Nhưng tôi thấy cháu vẫn ăn ngủ, sinh hoạt bình thường, tiểu tiện bình thường.Vậy có cần cho con đi khám chuyên khoa không thưa bác sĩ. Xin bác sĩ tư vấn.
ThS.BS Hồng Quý Quân: Bạn cần đánh giá xem con bạn có bị hẹp bao qui đầu hay không bằng cách kiểm tra xem bao qui đầu có lộn ra được để lộ qui đầu và lỗ đái hay không. Nếu con bạn vẫn lộn ra được thì không nên quá lo lắng còn trường hợp không lộn ra được và cháu đi tiểu khó thì tiến hành nong tại nhà.
MC:Con trai tôi 2 tuổi, ngay từ nhỏ tôi đã thấy cháu bị hẹp bao quy đầu. Tôi nghe nói có loại thuốc chỉ cần bôi là bao quy đầu sẽ rộng và tuột ra. Điều đó có đúng không? Tôi có thể tự mua thuốc về bôi cho cháu được hay không? Mong bác sĩ tư vấn.
ThS.BS Hồng Quý Quân:Sau khi bạn nong bao qui đầu mà vẫn chưa được thì bạn có thể sử dụng thuốc betamethaso 0,05%, thuốc này khi bôi sẽ làm da bao qui đầu mềm giãn ra giúp cho việc nong bao qui đầu dễ dàng. Bôi ngày 1 lần, bạn nên mát xa cho thuốc ngấm vào sau đó nong nhẹ nhàng. Tiến hành khoảng 1 tháng nếu vẫn không được thì cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế.
Thuốc này có thể dùng lúc sơ sinh và nên dùng trong 4 tuần.
Thái Nguyên ([email protected]): Tôi năm nay 24 tuổi và chưa từng có bạn gái. Trước đây, tôi có thủ dâm vài lần trong tuần. Trong một lần đi mát xa tôi có quan hệ bằng miệng với nữ nhân viên mát xa. 2 tháng sau, đầu dương vật của tôi xuất hiện những nốt mụn nhỏ, không đau, không rát, không ngứa. Tôi đi khám thì bác sĩ chẩn đoán mắc sùi mào gà, tôi còn nhiễm cả virus HPV. Xin hỏi virus này có nguy hiểm không? Có tiêu diệt hẳn được virus HPV gây bệnh trong cơ thể tôi không? Mong bác sĩ tư vấn.
PGS.TS Lê Hữu Doanh:Bạn đã được khám và làm xét nghiệm, tổn thương của bạn không có triệu chứng (đau, ngứa) là rất bình thường, tôi cho rằng lo lắng của bạn là lo lắng của rất nhiều người. Ngoài xét nghiệm HPV ở bệnh viện sẽ xét nghiệm xem bạn bị nhiễm tuýp HPV nào. Người ta chia làm 2 nhóm nhiễm tuýp HPV nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao.
Nếu nhóm nguy cơ thấp, có thể điều trị khỏi, cơ thể sẽ loại trừ và khả năng ung thư là không có. Đối với trường hợp nhiễm virus tuýp HPV có nguy cơ cao, ngoài việc điều trị khỏi, bạn cần theo dõi thường xuyên. Nếu có bất cứ bất thường, tổn thương về đường sinh dục, như loét, đám sùi, bạn cần đi khám ngay. Hầu hết virus HPV có thể bị loại trừ, nhưng virus HPV nguy cơ cao thì khả năng loại trừ lâu và khó hơn, nên những trường hợp đó phải theo dõi thường xuyên.
MC:Tôi đọc báo thấy nói hẹp bao quy đầu dễ gây ung thư dương vật có đúng không thưa bác sĩ? Làm thế nào để biết bệnh của mình đang tiến triển nặng thành ung thư? Nếu bị ung thư dương vật thì có chữa khỏi không thưa bác sĩ?
ThS.BS Hồng Quý Quân:Đây là tình trạng hay gặp ở người lớn mà hẹp bao qui đầu không được điều trị. Mà khi hẹp bao qui đầu mà không được điều trị dẫn đến tình trạng viêm nhiễm kéo dài trong bao qui đầu gây ra hiện tượng loạn xạ và có thể gây nên ung thư thì các dấu hiệu cảnh báo là có thể thấy bao qui đầu nổi các mảng sần hoặc đám thay đổi màu sắc, có thể màu trắng (bạch biến) đó là bao qui đầu loạn xạ và có thể nguy cơ trở thành ung thư Nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa tiết niệu và nam học để khám chẩn đoán xử trí sớm, để tránh thành ung thư
PGS.TS Lê Hữu Doanh bổ sung: Sau khi có tiền sử hẹp bao qui đầu kéo dài như BS Quân đã nói do viêm nhiễm kéo dài. Rất nhiều trường hợp phải phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ dương vật và phải điều trị hạch hai bên (nếu có). Đó cũng là cảnh báo cho thanh niên bị hẹp bao qui đầu cần điều trị sớm.
Gia An (An.nguyengia @gmail.com):Dấu hiệu giai đoạn đầu của sùi mào gà ở miệng là như thế nào ạ? Ở những trường hợp nào sẽ bị lây sùi mào gà qua miệng? Một người bị sùi mào gà ở miệng mà hôn người khác thì có nhiễm bệnh không thưa bác sĩ?
PGS.TS Lê Hữu Doanh:Nếu tổn thương sùi mào gà vùng miệng có nhiều thể hay gặp nhất là đám sùi giống như ở vùng sinh dục hay ngoài da. Tuy nhiên tổn thương sùi mào gà có thể có thể khác, làm gai lưỡi mất gai, phẳng, thường khó phát hiện. Nếu tổn thương như vậy, cần xét nghiệm xem có nhiễm HPV hay không và phải điều trị.
Nguyên tắc lây nhiễm HPV là có tổn thương ở vùng da và niêm mạc, tức là từ lớp trên đến lớp đáy, phải có tổn thương xây xước. Nếu hôn cách xa, hôn bên ngoài thì khó có thể lây, nếu hôn nhau một cách mãnh liệt, có tổn thương, xây xước rất dễ lây bệnh.
Nguyễn Mạnh Hưng, 45 tuổi:Cháu nhà tôi hiện đang học cấp 3, lúc còn nhỏ cháu đã từng được bác sĩ chẩn đoán hẹp bao quy đầu nhẹ, nhưng vì cháu còn nhỏ nên gia đình không muốn tiến hành thủ thuật. Đến bây giờ cháu đã học gần hết cấp 3, thỉnh thoảng vẫn tâm sự với bố về những chuyện thầm kín thì mới biết con rất khó khăn trong chuyện vệ sinh. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên cần can thiệp như thế nào? Nếu vẫn không cắt bao quy đầu thì có làm sao không? Tôi xin cảm ơn!
ThS.BS Hồng Quý Quân:Bạn nên đưa cháu đi khám xem việc lộn bao qui đầu đã tốt chưa. Nếu việc lộn bao qui đầu đã tốt mà cháu vẫn khó khăn trong việc đi vệ sinh cần kiểm tra thêm phần niệu đạo có thể lỗ đái bị hẹp. Việc có cần cắt bao qui đầu hay không thì cần thăm khám trước, nếu bao qui đầu mà lộn ra được thì không nhất thiết phải cắt bao qui đầu. Cắt bao qui đầu chỉ tiến hành cho trường hợp bị hẹp xơ không lộn ra được thì khi đó nên cắt việc cắt bao qui đầu cũng không phải cắt toàn bộ mà chỉ cắt bỏ vòng xơ để bảo tồn bao qui đầu vì bao qui đầu vẫn có nhiều tác dụng trong đó có tác dụng giữ vệ sinh và giữ ẩm cho qui đầu.
Mẹ Tuntun:Gần đây tôi thấy con trai hay sờ và kêu ngứa ở đầu chim. Tôi để ý thấy có cục trắng ở dưới bao qui đầu. Xin hỏi bác sĩ đấy là gì và cách xử trí. Xin cảm ơn bác sĩ
ThS.BS Hồng Quý Quân:Câu hỏi của bạn thì cũng nhiều phụ huynh băn khoăn thì khi bao qui đầu bị hẹp gây viêm và ngứa thì làm cho trẻ hay sờ vào cơ quan sinh dục làm cho bố mẹ hay lo lắng và không hiểu tại sao hay sờ mó vào. Nguyên nhân là do hẹp bao qui đầu và gây viêm bao qui đầu. Còn cục trắng dưới bao qui đầu là chất tiết của niêm mạc và qui đầu gọi là cặn snecma. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, khi trẻ đi vệ sinh thì các chất tiết sẽ đọng trong đó. Nếu làm tốt việc vệ sinh thì các chất này sẽ được đào thải ra ngoài dần dần nên không nên lo lắng. Bạn cứ tiến hành nong bao qui đầu tại nhà nếu sau khi bạn đã tiến hành mà bao qui đầu không lộn ra được thì đến chuyên khoa nhi để các bác sĩ tiến hành nong lấy các chất cặn ra thì việc vệ sinh dễ dàng hơn.
Ngọc Ánh ([email protected]):Chào bác sĩ! Em có một vấn đề thắc mắc cần hỏi gấp. Nếu dịch nhờn của dương vật từ người bị nhiễm sùi mào gà dính lên những bộ phận như: da tay, ngực, mông, (trừ bộ phận sinh dục vv)... của người khác thì họ có bị lây bệnh từ người bị nhiễm không ạ? Vệ sinh sạch sẽ ngay sau khi quan hệ có tránh được mắc bệnh sùi mào gà không?
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Trong virus HPV có nhiều tuýp khác nhau. Những tuýp HPV có thể gây hạt cơm ở lòng bàn tay bàn chân. Về nguyên tắc những virus HPV tuýp đó không gây bệnh ở đường sinh dục. Những tuýp gây bệnh ở đường sinh dục cũng không có khả năng gây tổn thương sùi ở vùng da thông thường. Chính vì vậy, nếu bạn có dịch tiết ở đường sinh dục dây ra tay hay người thì khả năng nhiễm bệnh gần như không có.
Nguyên tắc lây nhiễm virus HPV là xâm nhập trên da qua xây xước. Khi quan hệ tình dục xong vệ sinh bằng các loại nước sát khuẩn như xà phòng khả năng lây nhiễm cũng giảm đi nhiều, nhưng có được 100% không thì không dám chắc vì vẫn có nguy cơ.
Độc giả:Hẹp bao qui đầu có ảnh hưởng khả năng tình dục không thưa bác sĩ. Hẹp bao qui đầu ở mức độ nào thì tiềm ẩnnhiều nguy hại đối với sức khỏe nam giới?
ThS.BS Hồng Quý Quân: Hẹp bao qui đầu để quá lâu không được điều trị thì dẫn đến tình trạng viêm nhiễm sẽ cản trở cho việc sinh sản và quan hệ tình dục. Chúng ta cần điều trị sớm hẹp bao qui đầu.
Bạch Tô ([email protected]):Thưa bác sĩ, tôi muốn biết bệnh sùi mào gà có thể xuất hiện đồng thời tại nhiều vị trí trong cơ thể hay không. 3 tuần trước tôi đã đi đốt laser sùi tại hậu môn trong da liễu và đã khỏi. Tuy nhiên những ngày gần đây, tôi thấy xuất hiện trong cuống dưới lưỡi, có vài nốt sần lên đơn lẻ như mụn (không mọc thành chùm), kèm theo có tua rua như gân máu. Tôi đang có nhiệt miệng nhưng sắp lành. Tôi lo lắng không biết mình có đang bị phát bệnh sùi mào gà nữa hay không. Hay đó chỉ là nhiệt miệng hoặc 1 bệnh khác về khoang miệng Tôi đã kiêng không quan hệ tình dục cả tháng nay. Cảm ơn bác sĩ.
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Bệnh sùi mào gà có thể gặp ở nhiều vị trí. Đối với nữ chẳng hạn, có thể bị sùi mào gà ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, quanh hậu môn, hoặc có trường hợp lan xuống cả ống hậu môn- rất khó điều trị.
Bạn hiện có tổn thương loét vùng trong miệng, bạn nên đi khám để xem có phải sùi mào gà hay không. Bởi hiện nay, có nhiều tổn thương giống tổn thương sùi nhưng không phải sùi mào gà, có thể chỉ là u nhú ở vùng trong miệng mà thôi.
Nguyễn Tuyền ([email protected]):Tôi năm nay 29 tuổi, là nữ giới. Năm 2015 tôi đã bị mắc bệnh sùi mào gà và đã chữa trị dứt điểm, sau đó tôi mang bầu. Đến bây giờ tôi đã sinh em bé được 4 tháng. Xin hỏi bác sĩ con gái tôi có nguy cơ nhiễm virus HPV không? Tỉ lệ phần trăm là bao nhiêu? Tôi cần làm gì để phòng bệnh cho con. Cảm ơn bác sĩ!
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Chị đã điều trị sùi mào gà cách đây 2 năm, trong quá trình mang thai không có biểu hiện gì. Chúng tôi đã gặp nhiều phụ nữ đang mang thai do sức đề kháng giảm, sùi mào gà rất to, nhưng vẫn sinh con bình thường. Với trường hợp của chị tôi thấy, chị có thể yên tâm trẻ không bị lây nhiễm căn bệnh trước đây của chị và cả qua quá trình sinh đẻ thông thường.
Với trẻ nhỏ, cần chăm sóc, để ý cháu, nhất là khi cần can thiệp y khoa liên quan đến sinh dục. Nếu cháu từ 9 tuổi trở lên cần đi tiêm phòng cho cháu phòng bệnh HPV.
Nguyễn Thanh ([email protected]): Bác sĩ cho hỏi tôi bị sùi mào gà thì có được giặt quần áo chung với người trong gia đình không (giặt bằng máy). Và nếu ngủ đắp cùng chăn thì có lây bệnh không ạ. Nếu con trai tôi đi học, ăn ngủ cùng các bạn trong trường, chẳng may bạn nào đó bị sùi mào gà thì có dễ lây sang con tôi không ạ?
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Sùi mào gà do virus HPV gây nên, đây là loại virus không hoạt động mạnh, virus HPV có thể chết hoặc bất hoạt ở điều kiện bên ngoài hoặc sử dụng các loại phương pháp tẩy trùng thông thường. Vì vậy việc lây nhiễm sùi mào gà qua quần áo, chăn màn gần như là không có. Khi có virus nhưng không xây xước, tổn thương ở vùng da hoặc vùng sinh dục đều không lây được. Tuy nhiên khi một người bị bệnh việc vệ sinh hay sử dụng các đồ dùng cá nhân cũng cần cách ly, mặc dù rất hiếm. Việc giặt máy giặt dùng các loại xà phòng, bạn cần yên tâm.
Hoàng Thị Phương Ngọc ([email protected]):Chào bác sĩ! Bạn trai em bị sùi mào gà, hai đứa em đã có quan hệ tình dục. Khoảng 2 tháng trước khi phát hiện bệnh của bạn trai, em đã khám Phụ khoa thì các bác sĩ nói em chỉ bị viêm, lộ tuyến nhẹ, đã xét nghiệm Pap và HPV và em không bị làm sao. Trước đó 1 năm em cũng đã chích ngừa vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung. Vậy em có nguy cơ bị nhiễm sùi mào gà từ bạn trai không? Và em phải đi khám ở Da liễu hay Phụ khoa để xác định bệnh thưa bác sĩ?
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục thường khám ở chuyên khoa da liễu. Không phải 100% trường hợp có quan hệ với người bị bệnh thì sẽ bị bệnh. Dù bạn trai bị bệnh bạn có thể không bị bệnh, bạn có thể rơi vào trường hợp này.
Bạn đã tiêm phòng vaccin, trong trường hợp này người bạn trai của bạn nên được khám và điều trị khỏi thì mới nên tiếp tục quan hệ. Virus HPV có nhiều tuýp gây sùi mào gà. Nếu bạn trai bị bệnh nhưng thuộc tuýp bạn đã tiêm phòng thì bạn có thể không bị lây. Nếu bạn trai bị bệnh sùi mào gà thuộc tuýp khác bạn vẫn có nguy cơ bị bệnh. Việc bạn tiêm phòng 4 tuýp HPV thông thường nhất bạn cũng đã phòng được 95% bệnh rồi.
Cầu Vồng ([email protected]):Chào bác sĩ! Cháu sắp lập gia đình và đã quan hệ. Cách đây 6 tháng cháu bị sùi mào gà, đã đi chấm thuốc đến nay là 6 tháng nhưng bị tái phát. Như vậy có được cho là khỏi hoàn toàn không bác sĩ? Cháu muốn tiêm vắc xin HPV thì có tiêm được không? Và sau này cháu đẻ con liệu có tác động tới con không? Cháu cám ơn bác sĩ!
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Bạn chắc là nữ, trong điều trị bệnh sùi mào gà ở nữ cần cảnh báo, khi nhiễm HPV trong quá trình quan hệ tình dục gây bệnh sùi mào gà, bạn có nhiều nguy cơ đặc biệt có khả năng bị loạn sản cổ tử cung sau này. Bạn nằm trong đối tượng nguy cơ cao, cần phải xét nghiệm ung thư cổ tử cung mỗi năm 1 lần. Nếu ở tuổi đã quan hệ tình dục hoặc đã bị sùi mào gà rồi, chúng tôi không khuyên tiêm phòng vaccin, mặc dù vẫn có tác dụng. Nên tiêm phòng vaccin cho những người trẻ, chưa quan hệ tình dục và chưa bị sùi mào gà.
Việc tái nhiễm không bị nếu chung thủy 1 vợ 1 chồng. Câu chuyện của nữ bị sùi mào gà phức tạp hơn so với nam giới bị sùi mào gà. Nhiều virus HPV nguy cơ cao cư trú ở cổ tử cung rất lâu nhưng không bị nhiễm bệnh trong thời gian dài. Người phụ nữ xuất hiện loạn sản cổ tử cung sau đó nhiều năm. Chính vì vậy, người phụ nữ đã từng bị sùi mào gà, nhiều bạn tình hoặc những người phụ nữ nằm trong nhóm nguy cơ cao cần thường xuyên xét nghiệm ung thư cổ tử cung hoặc loạn sản cổ tử cung sớm.
Một khán giả: Ngoài chữa sùi mào gà bằng phương pháp tây y, có nên chữa bằng phương pháp đông y không? Tôi nghe quảng cáo điều trị sùi mào gà một lần dứt điểm và không tái phát bằng các bài thuốc gia truyền có cơ sở khoa học nào không thưa bác sĩ?
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Chúng tôi đã gặp nhiều khi người bệnh đến với chúng tôi sau điều trị bằng đông y. Đến nay khoa học đã chứng minh sùi mào gà do virus HPV gây nên, hiện không có thuốc đặc hiệu căn bệnh này. Quảng cáo điều trị sùi mào gà 1 lần, về mặt khoa học là không có cơ sở, không nên tin. Các bạn nên đến các cơ sở tây y để chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Rất nhiều trường hợp chúng tôi gặp bệnh nhân không phải là sùi mào gà nhưng đi khám lại được chẩn đoán là sùi mào gà, nhiều tổn thương dạng sần ở đường sinh dục. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh, điều trị đúng phương pháp cho bạn và cần phải theo dõi. Không có trường hợp nào điều trị sùi mào gà 1 lần là khỏi ngay được.
Một khán giả nữ: Mẹ bầu bị bệnh sùi mào gà thì con sinh ra có bị nhiễm bệnh không thưa bác sĩ? Trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ mắc bệnh sùi mào gà có nguy hiểm không, cách điều trị cho trẻ nhỏ thế nào?
PGS.TS Lê Hữu Doanh: Nếu bạn đang có bầu và đang bị mắc sùi mào gà bạn cần đi khám ngay lập tức. Bởi người đang mang thai hệ miễn dịch kém, vì vậy kích thước và tổn thương sùi mào gà lớn. Chúng tôi đã gặp các trường hợp tổn thương sùi mào gà chiếm toàn bộ vùng âm hộ, âm đạo, cản trở đường sinh đẻ. Vì vậy cần lựa chọn những cơ sở uy tín để điều trị cho phụ nữ có thai. Việc điều trị tương đối phức tạp và phải điều trị nhiều lần, các phương pháp thuốc bôi hầu như chống chỉ định cho người đang mang thai Hầu hết là điều trị bằng phương pháp đốt lazer hoặc đốt điện. Càng ngày gần sinh , nếu tổn thương sùi mào gà vẫn còn, chúng tôi khuyến cáo nên sinh bằng phương pháp mổ. Bởi virus vẫn còn ở đường âm đạo. Trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm HPV trong quá trình sinh đường dưới, cần sinh đường mổ để đảm bảo an toàn cho con.
Nếu sinh đường dưới cần theo dõi cho trẻ, nếu xuất hiện tổn thương cần điều trị sớm cho trẻ.
- Dịch bệnh không chừa một ai, điểm khác giữa mắc Covid-19 và... (Chủ nhật, 20:19:06 16/05/2021)
- 6 cơn đau thường gặp báo hiệu cơ thể đang gặp nguy hiểm, bị... (Thứ bảy, 12:57:09 08/05/2021)
- 7 dấu hiệu ở bàn chân cảnh báo cơ thể đang gặp nguy, cần... (Thứ sáu, 16:40:08 07/05/2021)
- 5 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư tuyến tụy chớ dại bỏ qua (Thứ Ba, 15:28:01 04/05/2021)
- Cơ thể có 5 dấu hiệu này chứng tỏ bạn đang thiếu vitamin C,... (Thứ bảy, 10:43:04 01/05/2021)
- Chân sưng phù: Đừng xem thường bởi đó là dấu hiệu của 7... (Thứ bảy, 21:06:05 24/04/2021)
- 2 món không ăn buổi sáng, 2 thứ không đụng buổi tối, 3 điều... (Thứ Ba, 08:40:04 20/04/2021)
- Buổi sáng ngủ dậy thấy 4 việc này chứng tỏ bệnh gan bạn... (Chủ nhật, 08:30:06 18/04/2021)
- Tê tay tưởng chuyện thường nhưng cẩn thận, đó là dấu hiệu... (Thứ năm, 13:21:07 15/04/2021)
- Đừng coi thường dấu hiệu cứng ngón tay, rất có thể đó là... (Thứ bảy, 08:32:02 10/04/2021)
-
Đồ Chơi Pop it bóp bóp Bấm Nút Bóp Bóng - Pop It
Thứ tư, 20:15:02 15/02/2023
-
Đồ chơi bộ hộp sét 6 món ô tô máy bay chạy cót xịn xò
Thứ Hai, 18:18:08 13/02/2023
-
Máy gắp thú bông cho bé cỡ lớn BBT GLOBAL
Chủ nhật, 15:54:09 12/02/2023