Nguyên nhân, biểu hiện viêm loét dạ dày và cách điều trị

Nhiều thói quen ăn uống sinh hoạt không tốt dễ gây ra bệnh viêm loét dạ dày.

Viêm loét dạ dày có thể gây chảy máu, thủng dạ dày

Viêm loét dạ dày có thể gây chảy máu, thủng dạ dày

Vì sao bị viêm loét dạ dày?

Nhiều nghiên cứu đã biết hầu hết các vết loét đều do nhiễm khuẩn có tên Helicobacter pylori (H. pylori). Dịch tiết của dạ dày chủ yếu là chất axit có thể góp phần gây loét bằng cách gây bỏng ở niêm mạc dạ dày Loét xảy ra khi dạ dày người bệnh sản sinh ra quá nhiều axit hoặc khi niêm mạc dạ dày đã sẵn bị tổn thương do một nguyên nhân khác.

Sự căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần có thể làm nặng hơn một vết loét có sẵn. Loét còn do các thuốc kháng viêm nếu sử dụng chúng lâu dài. Các thuốc kháng viêm dễ gây loét dạ dày là: aspirin ibuprofen, naproxen, ketoprofen, dexa...

Ngoài nguyên nhân gây loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc dùng thuốc kháng viêm, bệnh còn do lối sống không điều độ, ăn nhiều chất cay, chua ăn uống không khoa học đúng giờ uống rượu bia nhiều, làm việc căng thẳng kéo dài, thức đêm quá nhiều, người hay lo lắng, sợ hãi và bị stress quá mạnh hoặc stress nhẹ nhưng diễn ra trong thời gian dài...

Biểu hiện loét dạ dày thế nào?

Triệu chứng viêm loét dạ dày thường gặp nhất là đau vùng thượng vị. Đau thường liên quan tới bữa ăn từ 30 phút đến 2 giờ đau có thể xuất hiện khi đói hoặc nửa đêm về sáng, có khi chỉ biểu hiện bằng cồn cào, ăn vào là dịu đi. Đau xuyên ra sau lưng, đau lan sang phải cơn đau còn có tính chu kỳ, đau khoảng từ 2 - 8 tuần, dù không điều trị gì thì đau cũng giảm, sau đó sẽ có đợt đau tái phát. Một số bệnh nhân thấy ợ chua, nóng rát vùng thượng vị hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng nhưng không hề có triệu chứng, mà người bệnh nhập viện vì các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc nội soi kiểm tra mới phát hiện bệnh. Vết loét có thể gây ra: chảy máu; nếu vết loét quá sâu, có thể gây thủng dạ dày; vết loét co kéo có thể gây tắc nghẽn khiến thức ăn không đi qua được dạ dày nếu bị hẹp môn vị, bệnh nhân thường bị buồn nôn, ói mửa và giảm cân

Vi khuẩn Helicobacter pylori gây loét dạ dày

Vi khuẩn Helicobacter pylori gây loét dạ dày

Các triệu chứng của vết loét dạ dày nặng là nôn ra máu; nôn mửa ra thức ăn từ những ngày trước; cảm thấy lạnh run; yếu bất thường hoặc chóng mặt; có máu trong phân, máu có thể làm cho phân có màu đen giống bã cà phê; buồn nôn liên tục hoặc nôn mửa hay tái diễn; đau dữ dội, đột ngột ở thượng vị; giảm cân; dù đã uống thuốc chống loét nhưng vẫn không hết đau...

Điều trị ra sao?

Để điều trị loét dạ dày, phải diệt trừ vi khuẩn H. pylori. Điều trị còn nhằm mục đích giảm lượng axit dạ dày trung hòa axit và bảo vệ vùng tổn thương giúp nó có cơ hội tự lành. Đối với bệnh nhân hút thuốc và uống rượu, điều quan trọng là phải ngưng hút thuốc và uống rượu vì chúng gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày.

Điều trị bộ ba là dùng bộ ba trị liệu để loại bỏ vi khuẩn H. pylori. Đó là sự kết hợp của 2 kháng sinh với subsalicylate bismuth hoặc một số kết hợp khác cũng có hiệu quả. Liệu pháp này thường kết hợp với các thuốc làm giảm lượng axit do dạ dày tiết ra.

Thuốc điều trị loét dạ dày gồm: thuốc chẹn thụ thể H2 và thuốc ức chế bơm proton, làm giảm lượng axit do dạ dày tiết ra. Thuốc kháng axit trung hòa lượng axit do dạ dày sản xuất ra. Thuốc bao phủ và che chở, bảo vệ ổ loét khỏi chất axit trong thời gian chờ lành vết loét (sucralfate). Điều trị diệt trừ vi khuẩn H. pylori từ 2 - 3 tuần, sau đó là dùng thuốc giảm axit dạ dày trong 8 tuần. Hầu hết các vết loét đều lành trong khoảng thời gian này. Nếu các triệu chứng tái phát sau khi ngừng uống thuốc, bệnh nhân phải dùng một loại thuốc khác hay dùng một liều thuốc thấp để duy trì, ngay cả khi không đau, để ngăn ngừa loét tái phát.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh loét dạ dày không những làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn gây ung thư nguy hiểm. Vì vậy, mọi người, đặc biệt là bệnh nhân đã bị loét dạ dày, cần tích cực phòng tránh viêm loét dạ dày bằng các biện pháp: nên ăn nhiều bữa trong một ngày, ăn thường xuyên hơn khi đang bị đau do loét dạ dày; không hút thuốc lá thuốc lào; không tự ý dùng các loại thuốc kháng viêm như aspirin ibuprofen...

Mọi người cũng phải hạn chế uống cà phê rượu bia; không ăn các thức ăn cay nóng như tiêu, ớt; không ăn các thức ăn có vị chua như canh chua, dưa cà muối chua các loại rau quả chua như chanh, sấu, khế, me cam quýt...; không uống các loại nước có ga; không ăn các thức ăn cứng khó tiêu như vỏ tôm, vỏ tép; không ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh; không làm việc nặng trước và ngay sau bữa ăn; không thức khuya; tránh mọi căng thẳng về thể chất và tinh thần...

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật