Những đường đưa thuốc chữa bệnh cơ bản vào cơ thể!

Đường đưa thuốc vào cơ thể là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới sự hấp thu, tác dụng của thuốc. Một số thuốc khi dùng theo các đường đưa thuốc khác nhau thì tác dụng của thuốc cũng khác nhau.

Qua đường hô hấp

Thuốc có khả năng hấp thu qua đường hô hấp thường là các chất ở thể lỏng, chất dễ bay hơi hoặc thể khí. Khi hít thuốc qua mũi vào phổi thuốc sẽ chuyển qua mao mạch phế nang vào máu. Một số thuốc được dùng qua đường này như thuốc trị hen phế quản (dạng khí dung bột hít…).

Dùng thuốc qua da

Da được ví như “chiếc áo bảo hộ”, và là một trong những đường đưa thuốc vào cơ thể.Da có lớp nhũ tương của bã nhờnmồ hôi chống chọi với  tác nhân lý hóa bên ngoài. Lớp sừng tạo nên hàng rào biểu bì, hàng rào này bền hơn những biểu mô phủ khác. Thuốc khuếch tán thụ động qua biểu bì, qua tuyến bã, nang lông.

Thuốc dùng ngoài da bao gồm thuốc mỡ cao dán nước hoa, thuốc xoa bóp… Khi bôi thuốc trên da và niêm mạc thuốc sẽ có tác dụng tại chỗ (tác dụng nông) như khi dùng thuốc sát khuẩn, thuốc chống nấm thuốc làm săn da… Một số thuốc như tinh dầu salisylat hormone kháng sinh… có khả năng thấm qua hàng rào biểu bì gây tác dụng sâu dưới da. Lớp sừng là nơi dự trữ thuốc, giữ được thuốc cả sau khi tắm rửa và thuốc có thể  ở lâu trong da tới hàng tuần. Hoặc cũng có loại bôi ngoài da nhưng lại cho tác dụng toàn thân (như bôi thuốc mỡ trinitrat glycerin vùng tim để chống đau thắt ngực)… xoa bóp trên da khi bôi thuốc sẽ giúp cho thuốc hấp thu vào mao mạch như cồn xoa bóp thuốc có tinh dầu

Nếu da tổn thương (mất lớp sừng) làm cho thuốc, chất độc dễ xâm nhập, tạo tác dụng toàn thân. Da trẻ sơ sinh có lớp sừng mỏng manh, tính thấm mạnh, nếu dùng không thận trọng dễ gây ngộ độc toàn thân cho trẻ.

Do thuốc bôi ngoài da không những có tác dụng tại chỗ mà còn có cả tác dụng toàn thân, thuốc bôi ngấm vào da, ngấm vào mạch máu tác động vào thần kinh qua đó tác động lên toàn bộ cơ thể. Vì vậy, khi dùng thuốc qua da cần lưu ý:

Sử dụng thuốc bôi goài da phải phù hợp với tính chất bệnh lý, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, vùng da…Một số thuốc không bôi được ở vùng mặt, vùng sinh dục.

Không nên bôi một thuốc thời gian quá dài, cũng không nên liên tục thay thuốc làm khó đánh giá kết quả điều trị cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai… thường một đợt bôi thuốc khoảng 10-15 ngày.

Theo dõi kỹ bệnh nhân trong thời gian dùng thuốc để có thể điều chỉnh kịp thời và theo dõi phản ứng da của từng bệnh nhân vì thuốc bôi cũng có thể gây dị ứng…

Qua đường tiêu hoá

Qua niêm mạc miệng

Tại miệng, nhất là vùng dưới lưỡi có hệ thống mao mạch rất phong phú nên thuận tiện cho việc hấp thu một số thuốc. Thuốc dùng qua niêm mạc miệng như dùng đặt dưới lưỡi (cho tác dụng toàn thân) sẽ được hấp thu nhanh, thẳng vào vòng tuần hoàn chung trước khi qua gan (nên tránh được sự phá hủy của men chuyển hóa thuốc ở gan), không bị chuyển hoá trước khi phát huy tác dụng và không bị phá huỷ bởi dịch tiêu hoá. PH của nước bọt là 6,5 là một lợi thế vì ít ảnh hưởng đến độ bền của thuốc nhạy cảm với môi trường kiềm và acid. Đây là một đường đưa thuốc thuận tiện, dễ thực hiện lại an toàn vì nếu có hiện tượng quá liều thì lập tức có thể loại trừ thuốc ngay bằng cách nhổ bỏ. Đường đưa thuốc này chỉ dùng với những thuốc không gây loét niêm mạc miệng, dễ dàng hấp thu tại đây và dùng liều nhỏ, thường áp dụng cho nhóm thuốc tim mạch và hormon

Để đặt dưới lưỡi, viên thuốc phải mỏng (tránh gây cộm), dược chất giải phóng dược chất nhanh (rã trong vòng 1-2 phút). Tuy nhiên, nhược điểm của đường đưa thuốc này là khi đặt thuốc thường gây phản xạ tiết nước bọt kèm theo phản xạ nuốt, làm cho một lượng thuốc bị mất đi do trôi xuống dạ dày và ruột nên khi dùng thuốc ngậm dưới lưỡi phải hạn chế phản xạ nuốt.

Qua ống tiêu hoá

Qua ống tiêu hoá thuốc thường được sử dụng theo đường uống. Đây là đường đưa thuốc phổ biến nhất trong điều trị. Hầu hết các thuốc đều có thể đưa qua đường này trừ những thuốc có hoạt chất không hấp thu ở ruột hoặc bị phân hủy bởi men tiêu hóa hoặc bị phá hủy quá nhiều khi qua gan ở vòng tuần hoàn đầu.

Khi dùng thuốc qua đường tiêu hoá, thuốc sẽ qua miệng, thực quản tới dạ dày và ruột. Tuỳ từng nơi trong đường tiêu hoá mà thuốc sẽ được hấp thu với mức độ khác nhau:

Ở dạ dày: Phần lớn các thuốc ít hấp thu qua niêm mạc dạ dày vì ở đây hệ thống niêm mạc ít phát triển và môi trường pH acid, thời gian thuốc ở đây không lâu. Khi đói thuốc hấp thu nhanh nhưng lại dễ kích ứng.

Ở ruột: Tại ruột non đây là nơi hấp thu thuốc tốt nhất vì niêm mạc ruột non có hệ thống mao mạch phát triển phong phú nên giúp cho sự hấp thu thuốc dễ dàng. Ở ruột già do diện tích tiếp xúc với thuốc ít hơn nên khả năng hấp thu thuốc rất hạn chế.

Như vậy, dùng thuốc qua đường tiêu hoá sẽ bị ảnh hưởng bởi một số các yếu tố như: Độ pH (thay đổi trong đường tiêu hoá), bị tác động bởi dịch tiêu hoá (một số thuốc sẽ bị ảnh hưởng bởi acid của dạ dày), hệ men và hệ vi khuẩn trong đường tiêu hoá, và bị chuyển hoá qua gan lần đầu…

Thuốc ra khỏi dạ dày để đến vùng hấp thu nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thời điểm dùng thuốc chế độ ăn uống trạng thái của người bệnh, vị trí của viên thuốc trong dạ dày… Thời gian viên thuốc lưu lại ở dạ dày biến động làm cho quá trình hấp thu dược chất về sau cũng thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, nếu dùng viên bao tan ở ruột, thuốc lưu lại quá lâu ở dạ dày thì vỏ bao có thể rã ngay trong dạ dày, làm hỏng hoạt chất, còn viên ra khỏi dạ dày nhanh quá thì chưa chắc đã kịp tan rã để giải phóng dược chất ở vùng hấp thu tối ưu ở ruột.

Do vậy, khi uống thuốc cần tránh mức tối đa các tác động bất lợi trên. Cụ thể:

Cần uống thuốc đúng thời điểm: Tuỳ theo từng loại thuốc mà cần uống thuốc trước bữa ăn, trong bữa ăn hay sau bưa ăn hoặc uống thuốc vào buổi tối, sáng… phù hợp, để hạn chế thấp nhất các yếu tố ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc và phát huy hiệu quả tối ưu trong điều trị.

Dùng nước thích hợp để uống thuốc: Nước tinh khiết hoặc nước đun sôi để nguội là đồ uống thích hợp cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hoà tan thuốc. Nước làm thuốc dễ dàng trôi từ thực quản xuống dạ dày tránh sự lắng đọng viên thuốc hoặc hoạt chất lại thành thực quản nhờ đó giảm gây kích ứng thuốc. Nước còn làm tăng độ tan của thuốc, giúp cho sự hấp thu thuốc tốt hơn. Thông thường đối với dạng viên (viên nén, viên nang) khi uống cần uống với nhiều nước (một cốc nước to khoảng 150-200ml). Tuy nhiên lại có những loại thuốc chỉ cần uống với một ít nước (30-50ml) mới đạt hiệu quả. Ví dụ như thuốc tẩy giun sán…

Qua trực tràng

Trực tràng cũng là nơi hấp thu thuốc tương đối tốt. Thuốc đưa vào trực tràng thường được sản xuất dưới dạng viên đạn.Các tá dược gồm tá dược béo và tá dược thân nước.Tá dược béo giải phóng dược chất theo cơ chế tan chảy ở thân  nhiệt, còn tá dược thân nước giải phóng theo cơ chế hòa tan trong dịch cơ thể. Thuốc đạn giải phóng dược chất nhanh, sau khi hòa tan được hấp thu vào tĩnh mạch trực tràng đi về tĩnh mạch chủ, phần lớn (50-70%) thuốc không qua tĩnh mạch cửa gan sau khi hấp thu nên tránh được sự phân hủy tại gan, ngoài ra tránh được tác động của dịch vị và hệ men của đường tiêu hóa so với dùng dưới dạng uống.

Dùng thuốc qua đường này thích hợp cho những trường hợp không dùng được đường uống (hôn mê, trẻ nhỏ tắc ruột nôn nhiều),  thuận tiện với những thuốc có mùi vị khó chịu, dễ gây buồn nôn những chất kích ứng đường tiêu hóa mạnh. Nhưng nhược điểm của đường dùng này là hấp thu không hoàn toàn và có thể gây kích ứng niêm mạc hậu môn.

Dùng thuốc theo đường tiêm

Dùng thuốc theo đường tiêm được sử dụng trong các trường hợp cấp cứu (cần tác dụng nhanh), nhiễm trùng nặng, thuốc không đáp ứng được đường uống, dược chất cần sử dụng không có dạng thuốc uống, thuốc chỉ phát huy tác dụng ở dạng tiêm, hoặc trong các trường hợp không dùng được thuốc uống (thuốc làm tổn thương niêm mạc tiêu hoá, không hấp thu được qua đường tiêu hoá, bị phá hủy bởi acid đầy, người bệnh bị nôn ói nhiều, người bệnh chuẩn bị mổ, người bệnh tâm thần không hợp tác... ). Tiêm thuốc bao gồm: tiêm dưới da, tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch. Ngoài ra, còn có tiêm trong da, tiêm tuỷ sống…

Ưu điểm của tiêm thuốc là hấp thu nhanh, hoàn toàn; tránh được sự phân huỷ của dịch tiêu hoá; nhưng nhược điểm là dễ gây áp xe viêm tĩnh mạch nhiễm trùng huyết (do vô khuẩn không tốt) hoặc gây sốc phản vệ sử dụng phải có cán bộ và trang thiết bị y tế.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật