Xác định nguyên nhân đau lưng bằng cách nào? Làm sao phòng ngừa?

Đau lưng là một trong những lý do phổ biến nhất khiến chúng ta phải đi khám hoặc nghỉ việc. Ai trong chúng ta đều bị đau lưng ít nhất một lần trong đời. Nó có thể cấp tính, nghĩa là kéo dài trong vài ngày đến vài tuần, hoặc là mạn tính, nghĩa là kéo dài từ 3 tháng trở lên. May mắn là có thể áp dụng một số cách đơn giản để dự phòng hoặc làm giảm đau lưng. Nếu không hiệu quả có thể chỉ cần điều trị đơn giản tại nhà cùng với thay đổi cách sống phù hợp sẽ làm giảm đau.

Người bệnh thường có cảm giác đau ê ẩm hoặc đau chói dữ dội một điểm hoặc cả vùng lưng và thắt lưng, đau có thể lan xuống vùng cùng cụt hoặc vùng hông và chân, đau làm hạn chế vận động các động tác của lưng như cúi, ngửa.

Đau tăng hoặc giảm khi thay đổi tư thế. Hầu hết biểu hiện đau thường giảm khi tự điều trị tại nhà trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nếu không giảm cần đi khám ngay để loại trừ các tình trạng nguy hiểm khác như các vấn đề thận tiết niệu (sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu) tiêu hóa hoặc khi đau lưng kèm theo sốt hoặc đau sau khi bị ngã, bị vật đánh trực tiếp vào vùng lưng,...

Người cao tuổi bị loãng xương gây lún đốt sống, là một nguyên nhân gây đau lưng.

Người cao tuổi bị loãng xương gây lún đốt sống, là một nguyên nhân gây đau lưng.

Yếu tố nguy cơ

Căng cơ hoặc dây chằng (giãn dây chằng): mang, vác hoặc nâng vật nặng nhiều lần hoặc thay đổi tư thế đột ngột gây căng cơ và dây chằng cột sống vùng lưng. Sự căng giãn dây chằng có thể gây ra co thắt khối cơ lưng dẫn đến đau lưng

Lồi hoặc rách đĩa đệm: đĩa đệm cột sống giống như một cái đệm ở giữa hai thân đốt sống. Chất liệu mềm bên trong nhân đĩa đệm có thể lồi ra ngoài hoặc rách và chèn ép dây thần kinh. Tuy nhiên, cũng có thể bị lồi hoặc rách đĩa đệm mà không có biểu hiện đau mà chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp Xquang vì lý do khác.

Viêm khớp, đặc biệt là viêm xương khớp (thoái hóa khớp) có thể ảnh hưởng vùng lưng dưới. Trong một số trường hợp viêm khớp cột sống có thể dẫn đến hẹp ống sống, chèn ép dây thần kinh gây đau.

Bất thường cột sống.

Loãng xương.

Những ai dễ bị đau lưng?

Bất kỳ ai cũng có thể bị đau lưng đặc biệt là người cao tuổi; người ít vận động và tập luyện; người thừa cân béo phì gây tăng sức nặng lên vùng lưng; mắc một số bệnh hoặc ung thư; người mang vác, nâng vật không đúng cách, sử dụng lưng thay cho chân; mắc một số bệnh lý tâm thần như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu

Xác định nguyên nhân đau lưng bằng cách nào?

Khi bị đau lưng kéo dài vài ngày không giảm cần phải đi khám. Bạn sẽ được khám vùng lưng và đánh giá khả năng vận động như ngồi, đứng, đi, cúi và nâng chân cũng như ấn vùng lưng để xác định một số điểm đau đặc biệt chỉ điểm xác định nguyên nhân hoặc tình trạng co cứng cơ lưng và vùng có liên quan. Kết hợp: chụp Xquang cột sống lưng hoặc thắt lưng xác định độ cong, lệch vẹo thoái hóa cột sống (mọc mỏm gai)...; chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp (CT scan) có thể phát hiện thoát vị đĩa đệm hoặc các rối loạn của xương, cơ, mô, gân dây thần kinh dây chằng và mạch máu; xét nghiệm máu xác định tình trạng nhiễm khuẩn hoặc một số tình trạng khác gây đau lưng; xạ hình xương: một số trường hợp hiếm, có thể phải xạ hình xương để phát hiện khối u hoặc chèn ép dây thần kinh; điện cơ đồ: ghi lại sóng điện thần kinh và sự đáp ứng của cơ, giúp xác định sự chèn ép dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống.

Phương pháp điều trị

Hầu hết đau lưng cấp tính đều giảm sau vài ngày hoặc dài hơn là vài tuần điều trị tại nhà. Có thể sử dụng một số thuốc giảm đau đơn thuần không cần kê đơn và chườm nóng hoặc lạnh. Không nhất thiết phải nằm nghỉ ngơi trên giường, cố gắng hoạt động nhẹ nhàng, có thể tiếp tục các hoạt động thường ngày nếu có thể; ngừng các hoạt động gây đau nhưng không được tránh hoạt động do sợ đau.

Bác sĩ có thể kê đơn sử dụng một số thuốc tùy thuộc vào mức độ đau: thuốc giảm đau thông thường nếu không đáp ứng, có thể cần thuốc giảm đau mới hơn hoặc nhóm giảm đau chống viêm đặc hiệu hơn; thuốc giãn cơ dùng khi đau lưng mức độ nhẹ hoặc trung bình không giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường nhằm giải phóng khối cơ lưng đang co cứng do đau; các thuốc giảm đau bôi tại chỗ; sử dụng các thuốc chống viêm dạng tiêm hoặc thuốc cortison tiêm vào khoang quanh tủy sống nếu các biện pháp thông thường không làm giảm đau hoặc đau lan xuống chân giúp làm giảm viêm quanh các rễ thần kinh và giảm đau; một số thuốc hướng tâm thần và thuốc chống trầm cảm liều thấp cũng làm giảm đau lưng mạn tính ở một số trường hợp đặc biệt; vật lý trị liệu bao gồm chườm nóng, siêu âm trị liệu, sóng xung kích, kích thích điện và một số kỹ thuật giãn cơ đối với cơ vùng lưng và mô mềm làm giảm đau. Khi đau giảm, bác sĩ trị liệu có thể hướng dẫn cách luyện tập để tăng độ linh hoạt và khỏe cơ vùng lưng, bụng; châm cứu xoa bóp bấm huyệt tập yoga làm giảm đau và dị cảm hoặc tê bì; phẫu thuật: hiếm khi sử dụng ngoại trừ đau lan xuống chân kèm yếu cơ tiến triển do chèn ép dây thần kinh hoặc do hẹp ống sống hoặc thoát vị đĩa đệm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Có thể hạn chế đau lưng hoặc phòng ngừa đau lưng tái phát bằng cách cải thiện tình trạng sức khỏe cũng như học cách sử dụng tư thế đúng

Tập thể dục mức độ nhẹ thường xuyên không gây căng cơ vùng lưng có thể làm tăng độ linh hoạt cơ vùng lưng. Đi bộ và bơi là lựa chọn tốt. Luyện tập còn làm tăng độ dẻo dai của khớp háng và đùi.

Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý: quá cân hoặc béo phì làm tăng sức nặng lên khối cơ lưng rất dễ gây đau lưng

Duy trì tư thế thích hợp: đứng thẳng, cân xứng sao cho trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân, giữ độ cong bình thường của cột sống; khi ngồi cần chọn ghế có chiều cao phù hợp, hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân; không nên kiễng chân với cao và chọn tư thế thoải mái nhất để mang vác vật nặng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật