Tư vấn: Chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền

Nguyễn Anh Khoa (Tam Nông, Phú Thọ): Thưa bác sĩ tôi bị thoát vị đĩa đệm và đau 2 khớp vai, cứ thỉnh thoảng lại đau. Xin bác sĩ cho tôi biết có phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền nào mà không cần dùng thuốc không, tôi xin cảm ơn.

TS. BS. Trần Thái Hà: Thông tin mà bạn đưa ra có thể định hướng đến 2 nhóm bệnh. Một là đau khớp vai, có nhiều nguyên nhân, thường gặp là viêm quanh khớp vai bệnh nhân thường đau và hạn chế vận động khớp vai, tổn thương nằm ở gân và các bao thanh mạc, các tổn thương phần mềm xung quanh khớp vai và không bao gồm phần xương ở bên trong.

Vấn đề thứ hai là thoát vị đĩa đệm có thể là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ nó sẽ có các triệu chứng đau và liên quan đến hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh, nó có thể đau cả lên phần đầu và đau từ phần cổ xuống vai, thậm chí cả hội chứng cổ- vai- cánh tay đau về tê lan xuống hết cả bàn tay

Phương pháp không dùng thuốc YHCT thường dùng nhất cho điều trị bệnh này là phương pháp châm cứu, kết hợp xoa bóp bấm huyệt nắn chỉnh và tác động cột sống. Phương pháp YHCT đó kết hợp giữa kỹ thuật của điện châm, kỹ thuật châm cứu tác động vào các huyệt ví dụ như các huyệt ở sau cổ, huyệt giáp tích, phần vai, điều trị rất tốt.

Khi xoa bóp bấm huyệt thì tác động tại chỗ làm giảm đau giãn cơ, mềm tại chỗ, ngoài ra làm các tác động cột sống để giải phóng chèn ép rễ thần kinh vi khi có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường hay gặp là C4, C5, C6, gây chèn ép rễ thần kinh, gây đau tê lan xuống cả phần vai và thậm chí xuống cả bàn tay. Khi châm cứu, bấm nắn hay tác động là để giải phóng chèn ép rễ thần kinh, khi đó điều trị sẽ tốt.

Ở châu Âu có phương pháp nắn chỉnh cột sống  theo phương pháp riêng của châu Âu, còn ở Việt Nam xuất phát từ phương pháp xoa bóp bấm huyệt của YHCT và phương pháp tác động cột sống của lương y Nguyễn Tham Tán. 2 phương pháp đó kết hợp với châm cứu điều trị rất tốt.

Ngoài ra có thể áp dụng giác hơi, kéo giãn cột sống của tây y là phương pháp vật lý trị liệu thì đông y cũng có những nắn chỉnh, kéo, tương tác ở phần cột sống để giúp giảm chèn ép rễ thần kinh và phục hồi, giảm triệu chứng đau, đưa bệnh nhân trở lại sinh hoạt, lao động bình thường. Tôi xin nhấn mạnh phương pháp này không phải là tương tác vào nhân nhầy đĩa đệm như trong phẫu thuật ngoại khoa mà nhiều người nhầm tưởng.

Nguyễn Hoa (Long An): Tôi đã 54 tuổi, bị đau khớp vai, lưng và đầu gối. Nghe nói có phương pháp cứu ngải, dùng máy giống hình máy sấy để chữa đau lưng, đau khớp rất hiệu quả, tôi có thể mua máy về tự điều trị được không? Phương pháp này còn dùng để điều trị cho những bệnh gì?

TS. BS. Trần Thái Hà: Hiện tại cũng có nhiều người sử dụng phương pháp cứu ngải. Đây là một phương pháp của YHCT được sử dụng rất nhiều, cứu bằng ngải cứu vào các vùng huyệt hoặc kết hợp với châm cứu, thường được điều trị hỗ trợ trong các hội chứng đau, sử dụng sức nóng của ngải khi đốt cháy để cứu vào các vùng huyệt mang tính chất bồi bổ chân nguyên và giúp cho các trường hợp hư chứng cần thêm phương pháp cứu.

Cứu như vậy thường là sử dụng trong các chứng đau giúp thông kinh hoạt lạc, giúp bệnh nhân khoan khoái, dễ chịu, đỡ đau hơn. Trên thị trường hiện tại theo tôi được biết là có các máy sản xuất giống như máy sấy và chế bản lại để sử dụng.

Về nguyên tắc thì nó giúp cho người sử dụng thuận tiện hơn, đặc biệt khi dùng ở nhà, tuy nhiên tôi cũng xin nhắc lại là phương pháp này chỉ mang tính hỗ trợ, có thể sử dụng khi đau mỏi người đau nhức xương khớp thậm chỉ cả khi cảm mạo phong hàn, phương pháp này có thể hỗ trợ tốt.

Nhưng điều quan trọng là cần phải có chẩn đoán bệnh là gì, sau đó phải có tư vấn điều trị cụ thể. Còn ở nhà cũng có nhiều phương pháp như đắp ngải cứu, cứu ngải hoặc khi đau xương khớp thì có thể sử dụng một số loại thuốc bán trên thị trường. Còn cứu ngải chỉ mang tính chất hỗ trợ trong điều trị các bệnh lý về đau chứ không phải chữa được nhiều bệnh như trên thị trường quảng cáo.

Toàn Thanh (Hải Phòng): Vì công việc thường xuyên tiếp khách nên sau mỗi lần uống rượu tôi thường đi xông hơi. Mỗi lần như vậy tôi thấy dễ chịu nhưng khi đọc hướng dẫn ở nơi xông hơi thì không nên xông hơi sau khi uống rượu. Xin bác sĩ cho biết tôi có nên tiếp tục như vậy không? Nó ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Xin cảm ơn bác sĩ

TS. BS. Trần Thái Hà: xông hơi là một phương pháp hỗ trợ cho chăm sóc sức khoẻ rất tốt. Tuy nhiên khi nhậu say thì chúng ta không nên đi xông hơi vì bản chất của xông hơi là sử dụng nhiệt, làm mở các lỗ chân lông làm giãn mạch trong cơ thể. Nhưng thời điểm chúng ta say rượu mà làm giãn mạch thì có thể có những rối loạn về tim mạch đi kèm (nhịp tim nhanh, nguy cơ tăng huyết áp đột quỵ…). Chính vì vậy những trường hợp đã uống rượu bia rồi thì không nên xông hơi. Còn khi mệt mỏi bình thường thì chúng ta có thể đi xông hơi thư giãn một tuần một vài lần được.

Huyền Anh (nhân viên văn phòng): 2 năm trước em bị tràn dịch màng phổi, khám thì phát hiện thêm hở van tim 1/4 Thỉnh thoảng thay đổi thời tiết em cảm thấy mệt và hay ốm vặt, Em nên làm gì hoặc sử dụng thuốc đông y gì để cải thiện tình hình?

TS. BS. Trần Thái Hà: Trường hợp như bạn ở bệnh viện chúng tôi cũng gặp nhiều, có bệnh nhân thì bị tràn dịch màng phổi đơn thuần, có bệnh nhân thì có những bệnh lý van tim phối hợp (hở van 2 lá, van 3 lá suy tim tâm phế mạn…). Với trường hợp của bạn trước đây đã điều trị rồi nhưng chưa hồi cứu được tràn dịch màng phổi do nguyên nhân nào (do viêm phổi hay lao phổi…). Hy vọng rằng trong lần điều trị trước bạn đã được điều trị khắc phục nguyên nhân rồi và hiện tại bạn có bị hở van tim nhưng chỉ hở ¼ thì bạn cũng đừng lo lắng quá.

Hiện tại bạn đang có tình trạng mệt mỏi suy nhược cơ thể trên nền tảng là bị mắc 2 bệnh đó rồi. Theo tôi thì bạn có thể đến khám và điều trị đông y vì thuốc đông y điều trị các bệnh này rất tốt với các bài thuốc bổ khí, kiện tỳ, giúp bồi bổ sức khoẻ cho bạn.

Bạn có thể sẽ được sử dụng thuốc sắc thì tốt hơn, ngoài ra nếu không có điều kiện thì bạn có thể sử dụng thuốc viên hoàn để bổ khí cũng tốt. Nói chung khi khám thì thầy thuốc đông y sẽ chẩn đoán bệnh lý tạng phủ của bạn, sau đó sẽ ra phương điều trị và cho bài thuốc. Bạn cũng đừng lo lắng quá vì những trường hợp như thế này cũng thường gặp, điều trị phối hợp cả tây y và đông y cũng rất tốt.

Một khán giả gọi điện thoại đến chương trình: Em mới bắt đầu tập Gym, nên thấy rất mỏi các cơ. Em đọc nghe nói có vận động viên tham dự Olympic dùng phương pháp giác hơi để giúp cơ bắp thư giãn. Vậy em có thể dùng phương pháp này được không? Một tuần dùng mấy lần và dùng trong bao lâu?

TS. BS. Trần Thái Hà: Tình huống mà bạn gặp phải thì tất cả những người mới chơi một môn thể thao mới đều bị đau mỏi, đau nhức ở phần cơ bắp do thời điểm mới tập, cơ thể chưa quen với các vận động mạnh như vậy.  Trong các phương pháp người ta áp dụng có phương pháp giác hơi, cụ thể là giác nhiệt, dùng các ống giác trúc hoặc thuỷ tinh sử dụng lửa, đốt cồn lên và sau đó chụp ống giác vào lửa rồi chụp vào phần lưng hoặc vai bị đau. Trong đông y, phương pháp này làm lưu thông khí huyết thông kinh hoạt lạc, giúp giảm đau rất tốt.

Bạn có thể áp dụng phương pháp này một vài lần trong tuần, thậm chí có thể liên tục trong vài ngày. Tuy nhiên kỹ thuật giác cũng phụ thuộc vào người làm cho bạn, nếu lưu giác lâu có thể gây tổn thương xuất huyết dưới da gây các vết thâm tím do giác có thể đến 1-2 tuần mới hết. Nếu kỹ thuật viên giác cho bạn phù hợp thì các xung huyết có thể hết ngay và hết các triệu chứng đau sau một vài ngày. Bạn cứ yên tâm đi tập tiếp, tăng dần mức độ thì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ và cơ thể bạn.

Quách Thu Hương (Phú Thọ): Con tôi 5 tuổi, cháu bị thuỷ đậu, tôi muốn chữa cho cháu bằng y học cổ truyền, vậy tôi nên cho cháu uống thuốc gì, có nên tắm lá hay không. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào?

TS. Phùng Tuấn Giang: Bệnh thủy đậu là một loại bệnh cấp tính liên quan đến virus bệnh này ái lực với da niêm mạc và hệ thống thần kinh. Bệnh thường là lành tính. Theo YHCT bệnh thủy đậu do nhiệt độc, hỏa độc, thủy thấp gây ra, giai đoạn đầu cho bệnh nhân uống bài thuốc xơ phong thanh nhiệt, cho thủy đậu mọc nhanh hơn, đều hơn, đừng để nó mọc lâu quá. Giai đoạn tiếp theo uống các bài thuốc lương huyết, giải độc, trừ thấp. Khi khí kém, âm hư, tân dịch kém có thể cho thuốc bổ khí, tăng tân dịch tăng cường miễn dịch cho người bệnh. Ngoài uống thuốc có thể cho trẻ tắm lá, dùng lá tía tô kinh giới hoàng liên ngân hoa khổ sâm làm ... vừa chống dị ứng tiêu viêm bảo vệ da Chế độ ăn cũng rất quan trọng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước.

Ths.BS Lê Thị Hải: Bệnh này thường gặp ở trẻ em rất lành tính, có thể lây lan nhanh, nhất là trong môi trường học đường. Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng, trong cùng một môi trường, có cháu dễ bị nhiễm bệnh hơn, do trẻ có hệ miễn dịch suy giảm sức đề kháng không tốt dễ nhiễm bệnh hơn. Nên ăn các thực phẩm giàu sắt vitamin A, C, các khoáng chất kẽm   có nhiều trong thịt trứng Vấn đề nghiêm trọng nhất của thủy đậu là các nốt thủy đậu vỡ ra bội nhiễm nhiễm trùng Bình thường vài hôm trẻ sẽ khỏi, không cần kiêng nước, kiêng gió, cần tắm rửa sạch sẽ để tránh bị nhiễm trùng. Uống nhiều nước để thải độc uống nước cam chanh để tăng miễn dịch ăn thực phẩm giàu kẽm nhanh liền vết thương, không cần kiêng gì cả.

Xuân Hòa (Hà Nội): Vừa qua tôi có đi massage, trong lúc massage thì nhân viên massage có thực hiện động tác giẫm chân lên lưng, lúc đó tôi thấy rất dễ chịu nhưng khi về nhà thì thấy lưng đau đau, chân phải hơi tê bì, mỏi. Tôi tìm hiểu thì biết nếu kỹ thuật đó làm sai thì có thể bị chệch đĩa đệm. Vậy có phải tôi bị chệch đĩa đệm không và phải làm sao? Xin cảm ơn.

TS. BS. Trần Thái Hà: Sau khi massage bấm huyệt mà bạn lại được người ta giẫm lên lưng, lúc đó thì rất dễ chịu nhưng về nhà lại thấy đau, sau đó tê bì ở chân bên phải, để chẩn đoán có bị thoát vị đĩa đệm hay không thì cần phải có thêm chẩn đoán lâm sàng.

Khi bạn có tê bì ở chân bên phải và đau vùng thắt lưng thì đó cũng chỉ là dấu hiệu của đau lưng và đau thần kinh toạ bên phải thôi. Bạn cũng đừng lo lắng là đã bị thoát vị đĩa đệm hay chệch đĩa đệm hay không. Bởi vì nếu đau do thoát vị đĩa đệm nhất là với tình huống như bạn đặt ra có thể là nguy cơ chấn thương thì thường là thoát vị đĩa đệm cấp, mà thoát vị đĩa đệm cấp thì thường đau dữ dội hơn và có biểu hiện đau của chèn ép tuỷ (đau tăng dữ dội khi ho hắt hơi), khi đó thì có thể nhận định bị thoát vị đĩa đệm.

Có thể khi người kỹ thuật viên làm cho bạn, động tác bị sai một chút khiến cho bạn có những tổn thương ở phần lưng ở mức độ nhất định như tổn thương dây chằng hay đau phần cơ ở đấy, hoặc có chèn ép nhỏ đến rễ thần kinh toạ bên phải, vì vậy bạn thấy tê bì và đau ở bên phải.

Lời khuyên cho bạn là sau này khi massage thì nên hạn chế những động tác như để người ta giẫm lên lưng mình. Về nguyên tắc nếu người kỹ thuật viên có trình độ và kỹ thuật, biết về giải phẫu sinh lý thì khi giẫm bằng bàn chân và tương tác với khối cơ lưng to của bạn chẳng hạn với một lực hợp lý, vừa phải thì bạn sẽ cảm giác dễ chịu; ngược lại người làm không tốt thì có thể gây chấn thương hoặc gây thoát vị đĩa đệm cho bạn.

Bây giờ đang bị đau thì bạn có thể nghỉ ngơi, chườm ngải cứu, chườm nóng một vài hôm là có thể đỡ đau. Còn nếu tình trạng vẫn diễn tiến thì bạn nên đi khám để được điều trị trong trường hợp bị các bệnh như bạn nghĩ và bạn cũng không nên lo lắng vì những bệnh này cũng là bệnh thường gặp và đều có phương pháp điều trị hiệu quả.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật