Thực phẩm và thuốc nam chữa mất tiếng hiệu quả bất ngờ

Theo Đông y, tạng phế là cửa ngõ của thanh âm, tạng thận là gốc của thanh âm, nên khàn tiếng hay là mất tiếng đều có liên quan đến phế và thận.

Mất tiếng là tình trạng âm thanh không phát ra được như bình thường. Mất tiếng được gọi là Hầu Âm (Thất Âm). Tùy mức độ, có thể chỉ bị khàn giọng hoặc bị mất tiếng hẳn (nói không ra tiếng).

Nếu bị mất tiếng cấp thời, đột ngột, gọi là Cấp Hầu Âm; nếu bị mất tiếng kéo dài lâu ngày gọi là Mạn Hầu Âm.

Mất tiếng thường do bệnh ngoại cảm, nhưng cũng có thể do tạng phủ bị suy nhược mà sinh ra, đôi khi do ăn uống chất cay nóng quá, hoặc tình chí bị uất ức, kinh sợ mà sinh bệnh. Sách Hoàng Đế nội kinh viết: “Con người mỗi khi có việc lo sợ và tức giận một cách đột ngột, tiếng nói sẽ bị mất âm thanh”. Ngoài ra, do nói to, nói nhiều làm hao tổn Phế khí, kích ứng vùng hầu họng cũng có thể gây ra mất tiếng.

Y học hiện đại cho rằng mất tiếng có thể do một trong các nguyên nhân sau:

Viêm phù nề thanh quản hoặc thanh quản có khối u… viêm họng mạn tính. Ung thư phổi thời kỳ đầu…

Theo Đông y, bệnh mới mắc thường là chứng thực, bệnh kéo dài lâu ngày thường là chứng hư.

Chứng thực

Cảm phong hàn: có các triệu chứng như: sốt, người ớn lạnh, mũi nghẹt hoặc chảy nước mũi trong, giọng khàn hoặc nói không ra tiếng rêu lưỡi trắng mỏng,

Điều trị: sơ tán phong hàn. Dùng các bài thuốc hoặc món ăn sau:

- Gừng tươi 15 - 20g, hành trắng (cả thân + lá) 12 - 15g. Hai thứ rửa sạch, nấu với nửa lít nước, nấu sôi khoảng 10 phút, uống nóng cho ra mồ hôi

- Dùng 20g kinh giới (hoa, lá, cành) sắc với 500ml nước còn 300ml, uống khi còn nóng.

Có thể dùng hoa kinh giới (kinh giới tuệ) 15g khô bạch chỉ 10g, sấy khô, tán nhỏ, hãm với nước chè để uống cho ra mồ hôi.

- nho tươi 250g chè xanh 25g gừng tươi 20g mật ong vừa đủ. Nho rửa sạch bỏ cuống, nghiền nát, cho vào vải sạch vắt lấy nước. Gừng rửa sạch, thái vụn, giã nát, vắt lấy nước. Để chè xanh trong cốc to, rót nước sôi, hãm trong ít phút. Cho 50ml nước nho, nước gừng 50ml mật ong vào khuấy đều. Uống lúc còn nóng.

- Lấy 5 - 8 cánh hoa hồng trắng còn tươi, 1 - 2 quả quất chín (bỏ cuống), 1 - 2 muỗng cà phê đường hoặc mật ong. Cho tất cả vào chén nhỏ, hấp cơm hoặc chưng cách thủy. Đem ra nghiền nát, trộn đều rồi gạn lấy nước uống nhiều lần trong ngày.

- Dùng vỏ quả phật thủ phối hợp với vị thuốc bán hạ (đã chế với nước gừng), mỗi thứ 6g khô, sắc với 200ml nước, chia nhiều lần uống trong ngày. Có thể thêm ít đường cho dễ uống.

- Canh cá rô, cải bẹ xanh: cá rô 0,5kg làm sạch, ướp với ít muối, đem luộc chín rồi gỡ lấy thịt ướp với nước mắm ngon, tiêu. Nước luộc cá để lại nấu canh cải bẹ xanh 1kg, cắt bỏ rễ, lá úa, rửa sạch, cắt khúc ngắn. Gừng 20g gọt vỏ, rửa sạch, đập dập, băm nhỏ.

Đun sôi nước luộc cá, nêm nước mắm, muối vừa ăn. Cho rau cải vào, đun sôi lại, trút cá vào, thêm gừng và nêm thêm bột nêm vừa ăn. Múc ra tô, ăn nóng trong bữa cơm.

Món canh cá rô nấu với rau cải + gừng phối hợp tác dụng của cá rô với rau cải và gừng nên có tác dụng bổ khí huyết ích tỳ vị, tiêu thực, làm ra mồ hôi giải độc. Rất tốt cho người khí huyết suy, cơ thể gầy yếu, ăn uống không tiêu cảm lạnh nôn mửa ho đàm khàn tiếng hoặc mất tiếng.

Tuy nhiên, những người bị sốt mà ra nhiều mồ hôi thì không nên dùng.

Cảm phong nhiệt: giọng khàn hoặc nói không ra tiếng, miệng khát, họng đau rêu lưỡi vàng mỏng.

Điều trị: trừ phong, thanh Phế nhiệt. Dùng các bài thuốc hoặc các món ăn sau :

- Cúc vạn thọ 12g, hoa kim ngân 12g, lá dâu tằm 10g lá tía tô 10g, lá bạc hà 6g. Nấu với 1/2 lít nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

- Cúc vạn thọ 50g, hoa kim ngân 50g, hai thứ ngâm với 1 lít nước lâu 2 - 3 giờ, sau đó nấu sôi 20 phút, lọc lấy nước. Dùng nước này nấu với gạo tẻ 50g, thành cháo nhừ, ăn với ít muối hoặc đường đều được.

- Kinh giới 10g, bạc hà 8g, lá dâu 8g, lá cúc tần 8g cam thảo đất 10g sắc với 600ml nước còn 400ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

- Quả cóc (Spondias cythera Sonn.) nhai thật kỹ với chút muối, rồi nuốt dần giúp trị đau hầu họng, khàn tiếng.

- Chua me đất (sao tồn tính) 80g muối ăn 20g, tiêu 10g. Ba thứ tán mịn, ngâm với nước dừa 1 trái, lọc bỏ bã. Dùng nước này ngậm và nuốt dần.

- Canh tần ô thịt heo: rau tần ô 500g, thịt nạc dăm 200g, hành tím bằm nhỏ 2 củ, nước mắm, muối, bột ngọt, tiêu.

Rau tần ô lặt kỹ, rửa sạch, vớt ra rồi để ráo, cắt khúc ngắn. Thịt nạc dăm rửa sạch, xắt lát rồi bằm nhuyễn, ướp với dầu ăn hành, nước mắm, muối, tiêu, bột ngọt.

Đun sôi nước, cho thịt bằm đã ướp vào từng viên nhỏ, thịt chín thì nêm lại vừa ăn, cho tần ô vào quậy nhẹ rồi bắc xuống ngay. Rắc lên trên ít tiêu, ăn nóng.

Rau tần ô còn gọi là cải cúc, cúc tần ô, có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, tác dụng kích thích tiêu hóa trừ đàm nhiệt chữa ho lâu ngày viêm họng do nhiệt, mất tiếng.

Khàn tiếng do đàm nhiệt: nói khó, tiếng nặng đờm nhiều vàng, miệng đắng, họng khô, rêu lưỡi vàng nhớt.

Điều trị: thanh phế, hóa đờm, lợi yết hầu. Dùng các bài thuốc hoặc các món ăn sau:

- Rễ cây rẻ quạt (ngâm nước vo gạo phơi khô) 10 - 20g, giã nát với muối để ngậm; hoặc dùng bài sau: rễ rẻ quạt 12g hoa đu đủ đực 8g, rễ mạch môn 10g, lá húng chanh (tần dày lá) 1 - 2 lá lá hẹ 6g. Tất cả giã nhỏ, thêm chút muối, hấp cơm hay chưng cách thủy, chia 2 - 3 lần uống trước bữa ăn…

- Có thể dùng bài thuốc: rẻ quạt 10g cam thảo đất 8g, hạt đậu săng (đậu chiều) 10g tía tô 6g, kinh giới 6g, sài đất 8g kim ngân hoa 6g. Sắc với 500ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

- Hạt trái quất, lá xương bồ (thủy xương bồ), hạt chanh, mỗi thứ 10g, tần dày lá 6g, vỏ quít 6g. Tất cả giã nhỏ, thêm ít đường (hoặc đường phèn mật ong) chưng cách thủy hoặc hấp cơm. Chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày, lúc đói bụng

- Hoa cúc bách nhật 12g, kinh giới 8g, lá dâu 8g, lá tre 8g, kim ngân hoa (hoặc bồ công anh sài đất) 8g, bạc hà 6g cam thảo nam 6g, sắc với 650ml nước còn 400ml. Chia làm 2 lần uống trước bữa ăn, uống khi còn ấm.

- Cháo bí đậu: bí ngô 200g đậu xanh 50g, gạo tẻ 100g.

Bí ngô gọt vỏ, rửa sạch, xắt miếng nhỏ, cho vào nồi ninh nhừ.

Gạo tẻ đậu xanh tán thành bột mịn, hòa với 200ml nước quậy cho tan đều. Khi bí đã chín nhừ, cho nước gạo tẻ + đậu xanh vào, quậy đều cho cháo sôi kỹ lại là được. Thêm đường, gia vị vừa ăn.

Ngày hai lần, ăn liền trong 15 ngày, ăn nóng.

- Dùng dịch chiết thân và lá rau diếp quăn với liều lượng là 1/2 muỗng cà phê dịch chiết trong ngày đầu, qua ngày thứ hai dùng 1 muỗng, ngày thứ ba 1 muỗng rưỡi, đến ngày thứ mười uống 5 muỗng; sau đó giảm dần trở lại còn 1/2 muỗng.

Người ta còn dùng dưới dạng hãm hoặc sắc lá cây tươi bằng cách lấy 1 nắm lá lớn nấu với 1 lít nước. Uống 3 - 5 lần trong ngày, giữa các bữa ăn.

- Rau cần tây 50g, rau diếp quắn 100g, bắp cải 100g, ba thứ rửa sạch, xắc nhỏ. Ớt tây một trái xắt nhỏ chuối chín một trái (chuối xiêm hay chuối già đều được) xắt nhỏ. Cho tất cả vào máy xay, ép lấy nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày lúc đói bụng.

- Nước thơm, lê: thơm 1/2 trái, lê 1 trái, đường cát hoặc mật ong vừa đủ, 1 ít muối, nước lọc.

Cách làm: thơm gọt bỏ vỏ và mắt, lê gọt vỏ, hai thứ xắt hạt lựu, thêm nước vào xay nhuyễn rồi thêm đường hoặc mật ong vào khuấy đều, thêm ít muối món ăn này giúp cơ thể chóng được thử nhiệt của mùa hè, bổ sung nước và muối khoáng sinh tố cho cơ thể, bảo vệ làn da luôn được mát mẻ.

Chứng hư

Phế âm hư: nói giọng khàn, miệng khô, họng đau ho khan không có đờm, chất lưỡi đỏ, khô, mạch nhỏ, nhanh.

Điều trị: thanh phế, tư âm.

Trà ngân nhĩ: gồm mộc nhĩ trắng 20g, đường phèn 20g, trà tốt 15g.

Rửa sạch mộc nhĩ trắng, cho vào nồi cùng với đường phèn và nước vừa đủ để hầm cho nhừ. Ngâm trà với nước sôi khoảng 5 phút rồi lọc lấy nước cho vào nồi canh mộc nhĩ trắng, trộn đều.

Ngày uống 1 thang, uống vào lúc nào cũng được. Tác dụng bổ âm, nhuận phế, trừ đàm. Rất thích hợp với những người có tạng gầy da khô hay bị ho khan hoặc có đàm đặc.

Song nhĩ thang: gồm mộc nhĩ trắng 10g, mộc nhĩ đen (nấm tai mèo) 10g, đường phèn 30g.

Lấy hai loại mộc nhĩ trắng và đen đem ngâm nước nóng cho nở, ngắt bỏ chân, loại tạp chất rửa sạch rồi cho vào bát cùng với đường phèn và nước vừa đủ. Đưa bát vào nồi hấp hoặc chưng cách thủy khoảng 1 giờ cho mộc nhĩ chín là được.

Khi dùng, ăn luôn cả mộc nhĩ lẫn nước đường. Ngày dùng 2 lần, trước bữa ăn từ 1 - 2 giờ. Tác dụng bổ âm bổ thận nhuận phế. Món thực phẩm này rất thích hợp với người bị xơ vữa động mạch huyết áp cao do can thận âm hư, người thường ho hen do phế âm hư.

Thịt gà hầm ý dĩ hạt sen: thịt gà 200g bỏ xương, rửa sạch, băm nhỏ, ướp gia vị, xào chín. Ý dĩ 50g và hạt sen 50g rửa sạch, nấu với lượng nước vừa đủ cho chín mềm. Mộc nhĩ đen 6g ngâm nước, làm sạch, cắt sợi. Cho thịt gà và nấm mộc nhĩ vào nồi ý dĩ với hạt sen. Nấu lại cho chín nhừ, chia 2 lần ăn nóng vào lúc đói bụng.

Món ăn này có tác dụng bổ tỳ vị, bổ tâm, bổ phế, rất tốt cho trẻ nhỏ bị suy nhược cơ thể ăn ngủ kém, ho dai dẳng, gầy còm.

Thận âm hư: họng khô giọng khàn, nói không ra tiếng, bứt rứt khó ngủ lưng gối nhức mỏi, lòng bàn chân tay nóng, nặng có thể kèm ù tai hoa mắt, lưỡi thon đỏ, mạch nhỏ, yếu, nhanh.

Điều trị: tư bổ thận âm.

Hà thủ ô đỏ 12g đậu đen 10g, cỏ mực 8g, củ súng 12g, hạt sen 10g, lá dâu 8g, lạc tiên 8g lá vông 8g lá sen 8g, cành dâu 10g. Nấu với 700ml nước, sắc còn 300ml, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn.

Mè đen hà thủ ô đậu đen 3 vị bằng nhau, sấy khô, tán bột mịn, dùng mật làm viên bằng hạt bắp. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g trước bữa ăn.

Mất tiếng do kinh sợ, uất nộ làm khí nghịch lên:

Bài thuốc: lá và cành tía tô 16g ô dược 10g, trần bì (vỏ quýt khô) 6g hương phụ (cỏ gấu) 12g, cúc tần 10g, nhân trần 12g uất kim 6g, gừng tươi 10g, cam thảo nam 8g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Canh bông súng nấu với cá rô: bông súng 1 bó (200 - 300g), cá rô đồng 200g, rau thơm (rau ngổ húng quế ngò gai hành lá), me 1 vắt ớt trái, gia vị (nước mắm, muối, tiêu, đường, bột ngọt, dầu ăn).

Bông súng tước vỏ, rửa sạch, ngắt từng khúc khoảng 5cm.

Cá rô chọn con mập, làm sạch, bỏ vảy và ruột. Luộc cá chín, gỡ lấy thịt ướp gia vị, để sẵn. Bắc soong nước, đun sôi, lược nước me chế vào. Sau đó cho cá vào, khi cá gần chín mới cho bông súng vào. Nêm thêm nước mắm + đường sao cho canh có vị chua chua, ngọt ngọt vừa ăn. Nhắc soong canh xuống, chế thêm vài muỗng dầu ăn (hoặc mỡ nước). Múc canh ra tô, rắc lên một ít rau thơm (đã rửa sạch, cắt nhỏ) và vài lát ớt đỏ, dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Cần lưu ý là không nên nấu bông súng chín quá sẽ nhũn, ăn không ngon. Những người bị đại tiện táo bón tiểu tiện bí không nên dùng.

Mất tiếng, khàn giọng do nói to, nói hoặc ca hát nhiều; hoặc do ăn uống nhiều chất cay nóng:

Dùng quả lười ươi (bàng đại hải) hãm nước sôi, ngậm uống như nước trà sẽ khỏi.

Giá đậu xanh 200 - 300g, rửa sạch, cho vào tô, ngâm nước sôi, đậy kín khoảng 10 phút, chắt lấy nước ngậm và nuốt dần nhiều lần trong ngày.

Đu đủ chín 200g sữa bò 250ml, nước chanh vắt 1 muỗng canh mật ong vừa đủ. Gọt vỏ đu đủ xắt nhỏ, bỏ hột, cho vào máy xay cùng với các nguyên liệu để xay nhuyễn, dùng uống trong ngày.

Trong tất cả các trường hợp bị mất tiếng, nên kết hợp bấm hoặc châm huyệt Nội quan (ở mặt trong cẳng tay, từ nếp gấp cổ tay đo lên khoảng 3 - 3,5cm, giữa 2 gân): sát trùng huyệt, dùng đầu ngón tay cái bấm mạnh hoặc dùng kim hào châm dài 2 thốn, châm thẳng sâu 1 - 1,5 thốn, vê kim, lưu kim 10 phút hoặc không lưu kim.

Tùy theo trạng thái của người bệnh mạnh yếu mà kích thích mạnh hoặc nhẹ. Không châm cho phụ nữ có thai.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật